Chiến dịch 'nghẹt thở' giải cứu đội bóng Thái Lan phức tạp hơn vụ thợ mỏ Chile

Chaiyaporn Siripornpaiboon - chuyên gia hang động tại Cục Tài nguyên khoáng sản Thái Lan chia sẻ với The Nation rằng, mực nước lũ trong hang Tham Luang là yếu tố quan trọng nhất trong việc xác định phương án nào là thích hợp nhất để giải cứu các cầu thủ nhí bị mắc kẹt.

Các chuyên gia nhận định việc giải cứu đội bóng Thái Lan phức tạp hơn nhiều so với vụ 33 thợ mỏ Chile. Ảnh: The Nation.

Dữ liệu mới nhất cho thấy, thách thức lớn nhất trong cuộc giải cứu là để các cậu bé lặn đi qua đoạn hang ngập nước dài 200m, có mực nước sâu từ 5-10m gần khu vực "Bãi biển Pattaya".

Chia sẻ của chuyên gia Thái Lan được đưa ra sau khi một cựu đặc nhiệm SEAL thiệt mạng, nêu bật những nguy hiểm khi đưa các cậu bé chưa từng biết lặn ra ngoài.

Ông Chaiyaporn mong muốn mực nước giảm xuống thấp hơn để các cậu bé có thể thoát ra. Tuy nhiên, hi vọng này không mấy khả thi khi mùa mưa mới bắt đầu.

Phương án khác là tiếp tục tìm một lối đi tự nhiên thông với hang Tham Luang, từ đó đưa các cậu bé lên trên mặt đất. Tuy nhiên, tới nay các nhà thám hiểm chưa tìm ra được lối đi nào phù hợp.

Thanasarn Narue-sataporn - một bác sĩ có kinh nghiệm cứu hộ bị thiên tai, từng tham gia cứu hộ trong trận động đất mới nhất ở Nepal cho biết, mực nước lũ trong hang là yếu tố quan trọng nhất. Vì thế giới chức Thái Lan đã phải theo dõi tình hình suốt ngày đêm để có thể ra quyết định giải cứu kịp thời.

Theo ông, thách thức trong việc cứu hộ ở Tham Luang là độc nhất, không giống như bất kỳ nỗ lực cứu hộ khác trên thế giới, đặc biệt là về số lượng người bị kẹt trong một hệ thống hang động phức tạp.

Trong các vụ mắc kẹt trong hang ở Đức hay Pháp, chỉ có số ít chuyên gia thám hiểm hoặc là những người đi dã ngoại mắc kẹt và đều là người trưởng thành. Trường hợp ở Thái Lan bị mắc kẹt là những cậu bé từ 11 đến 16 tuổi và trợ lý huấn luyện viên 25 tuổi.

Dù lượng lớn nước được bơm ra ngoài trong vài ngày qua, mực nước trong hang vẫn còn cao do địa thế tự nhiên của khu vực. Các nhà chức trách lo ngại kịch bản tồi tệ nhất là mưa lớn nhiều ngày có thể ngập toàn bộ hang, trong đó có cả gò đất đội bóng cùng 10 đặc nhiệm SEAL đang trú ẩn.

Tiến sĩ Suttisak Soralump - Đại học Kasetsart cho biết, thách thức trong vụ giải cứu hang Tham Luang khó khăn hơn nhiều so với vụ giải cứu 33 thợ mỏ Chile mắc kẹt 69 ngày trong lòng đất năm 2010.

Theo Tiến sĩ Suttisak, hang Tham Luang hoàn toàn tự nhiên, không có đầy đủ dữ liệu về địa chất để các kỹ sư tìm giải pháp nếu muốn khoan vào hang. Trong vụ thợ mỏ Chile, địa điểm là hầm mỏ, đã được khảo sát kỹ trước khi sập và có nhiều dữ liệu có sẵn cho các nhân viên cứu hộ.

Thanh Hà

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-gioi/chien-dich-nghet-tho-giai-cuu-doi-bong-thai-lan-phuc-tap-hon-vu-tho-mo-chile-617239.ldo