Chiến dịch ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi: Thất thủ trong kiểm soát?

Từ lúc xuất hiện cho đến nay dịch tả lợn châu Phi đã lây lan ra rộng khắp, gây hậu quả nặng nề và nhiều nơi thất thủ trong kiểm soát.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc bàn biện pháp khống chế dịch tả lợn châu Phi hôm 4/3, Thủ tướng Chính phủ khẳng định: "Khẩu hiệu đặt ra là "chống dịch như chống giặc". Thế nhưng, sau 4 tháng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại hơn 50 tỉnh, thành phố trên cả nước, khiến hơn 2,2 triệu con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy (gần 130.000 tấn) thiệt hại ước tính hàng nghìn tỷ đồng.

Công tác tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi.

Công tác tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi.

Bắt đầu từ tháng 2 năm 2019, các ổ dịch tả lợn châu Phi đồng loạt xuất hiện ở một số tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa… và đã lây lan nhanh ra các tỉnh phía bắc. Thanh Hóa được xác định là tỉnh có vai trò quan trọng trong việc chốt chặn không cho dịch lây lan vào các tỉnh miền Trung và phía Nam, thế nhưng, dịch vẫn lọt vào các tỉnh này và khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định: "Đây là bệnh nguy hiểm và đang có xu hướng lan rộng, bởi vì thời tiết hiện nay là rất thuận lợi cho việc vi rút phát triển. Một điều đáng tiếc là nó đã xảy ra từ ngày 22/2, đây làm điều đáng tiếc. Tuy nhiên, chúng tôi rất hoan nghênh công tác ứng phó tập trung xử lý bệnh của tỉnh Thanh Hóa, cả hệ thống chính trị và cuộc đặc biệt là cơ quan chuyên môn, Sở Nông nghiệp các cơ sở khác… đã đưa ra được các nhóm giải pháp để tập trung, từ việc xuất hiện bệnh cho đến xử lý tiêu độc, rồi thực hiện các biện pháp thực hiện an toàn sinh học phòng ngừa".

Chỉ sau khoảng 2 tháng xuất hiện thì dịch tả lợn châu phi đã phủ kín Thái Bình; và Thanh Hóa. Lý giải về nguyên nhân dịch lây lan nhanh chóng, ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thái Bình thẳng thắn thừa nhận, đó là do chủ quan, xem thường dịch bệnh.

"Tôi cho rằng với việc kiểm soát người, phương tiện, mà phương tiện ở đây là phương tiện ra vào vùng dịch, địa bàn xe cộ người vẫn cứ phải đi, mà việc vệ sinh tiêu độc hết được người phương tiện là rất khó, thậm chí là có người chỉ cần thấy nhà bên cạnh có dịch thế là đến chia sẻ, tâm lý tình cảm, sang động viên hỏi thăm thế là về nhà là có dịch", Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thái Bình cho hay.

Một trong những vấn đề được các chuyên gia chỉ rõ là việc kiểm soát vận chuyển, giết mổ nhiều nơi còn buông lỏng, chủ quan. Mặc dù các địa phương đã thành lập hàng trăm chốt kiểm dịch với hàng nghìn người làm nhiệm vụ trực chốt, nhưng nhiều nơi còn tư tưởng lơ là, chủ quan.

Có nơi, lực lượng chốt trực còn bỏ chốt làm việc riêng, thậm chí là ngồi đánh bài và mặc cho phương tiện người dân qua lại vùng dịch. Đó là câu trả lời cho việc tại sao, vừa qua lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã bắt giữ hàng trăm con lợn bệnh, không rõ nguồn gốc, không giấy tờ kiểm dịch, nhưng vẫn được vận chuyển qua nhiều tỉnh, thành phố.

Ông Nguyễn Trọng Cường, Trưởng phòng Kiểm dịch động vật, Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Xe không biết vì sao mà đi từ Hà Nam về mà không bị bắt, đấy là một vấn đề. Đối tượng vận chuyển lợn hiện nay rất tinh vi và phức tạp, tìm mọi cách, thậm chí là cho người đi trước dò đường, trốn tránh cơ quan chức năng, đi đường tránh và che kín thùng xe".

Đã có nhiều cán bộ, nhân viên chưa hoàn thành nhiệm vụ trong công tác phòng chống dịch bị kỷ luật, điều chuyển, đã có nhiều xe chở lợn vi phạm bị xử lý. Thế nhưng, việc chủ quan, lơ là của một bộ phận cán bộ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương là nguyên nhân khiến dịch tả lợn châu Phi lây lan, gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi và ngân sách nhà nước./.

Sỹ Đức/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/chien-dich-ngan-chan-dich-ta-lon-chau-phi-that-thu-trong-kiem-soat-922731.vov