Chiến dịch Mùa xuân năm 1975 - 'Như mới ngày hôm qua'

Đó là cảm nhận của Trung tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên Tư lệnh Quân khu 1, người trực tiếp áp giải Tổng thống Dương Văn Minh từ Dinh Độc lập tới Đài phát thanh Sài Gòn để tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, khi chia sẻ với PV Báo Thanh tra nhân dịp kỷ niệm 44 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2019).

Trung tướng Phạm Xuân Thệ. Ảnh: TQ

Trung tướng Phạm Xuân Thệ. Ảnh: TQ

Năm nay ông bước sang tuổi 73, mặc dù đời binh nghiệp “vào sinh, ra tử” nhiều lần nhưng trông ông vẫn rất “phong độ”, minh mẫn, đặc biệt là khi nhắc lại những ký ức thời chinh chiến.

Trung tướng Phạm Xuân Thệ cho biết, ông sinh năm 1947 tại xã Khả Phong, Kim Bảng, Hà Nam. Năm 20 tuổi, ông xung phong tham gia nhập ngũ và hành quân về Thái Nguyên. Sau những ngày tháng huấn luyện, tháng 2/1968, đơn vị ông nhận lệnh hành quân đi B, bắt đầu những ngày chiến đấu ác liệt nhất cho đến khi ông cùng đồng đội thẳng tiến vào Dinh Độc lập, làm nên sự kiện lịch sử trọng đại ngày 30/4/1975.

+ Trung tướng có thể chia sẻ với bạn đọc Báo Thanh tra về thời khắc lịch sử vào Dinh Độc lập và áp giải Tổng thống Dương Văn Minh tới Đài phát thanh Sài Gòn để tuyên bố đầu hàng vô điều kiện?

- Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Trước khi vào Sài Gòn, đơn vị của tôi, Trung đoàn 66 đã tham gia chiến đấu trên nhiều trận tuyến. Tôi rất vinh dự khi được Ban Chỉ huy Trung đoàn phân công chỉ huy lực lượng đi đầu Trung đoàn 66, cùng Lữ đoàn xe tăng thọc sâu về hướng Sài Gòn. Mục tiêu là vào nội đô thành phố Sài Gòn để chiếm giữ Dinh độc lập, Đài phát thanh, Bộ Tư lệnh Hải quân, lúc đó tôi là Trung đoàn phó.

17h00 ngày 26/4/1975, đơn vị tôi cùng 5 cánh quân từ các hướng chiến lược được lệnh vượt qua tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch tiến vào Sài Gòn, mở đầu chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ngày 28/4/1975, pháo ta đồng loạt nã đạn vào sân bay Tân Sơn Nhất. Đêm 28 rạng 29/4/1975, tất cả các cánh quân của ta đồng loạt tấn công vào trung tâm thành phố đánh chiếm các cơ quan đầu não của địch như: Bộ Tổng tham mưu Ngụy, Dinh Độc lập, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát, Sân bay Tân Sơn Nhất. Khoảng 10h00 ngày 30/4, chúng tôi có mặt tại Dinh Độc lập.

Khi chiếc xe tăng đầu tiên mở được cánh cổng bên trái và kẹt lại, thì xe tăng thứ 2 tiến đến và mở toang cánh cổng bên phải Dinh Độc lập, lúc đó tôi cùng một số anh em đi trên chiếc xe Jeep chạy thẳng vào sân với ý đồ lên tầng cắm cờ giải phóng.

Khi tôi đi lên đến tầng 2 thì gặp ông Nguyễn Hữu Hạnh, Chuẩn tướng, Phụ tá cho Tổng thống Ngụy quyền Dương Văn Minh. Ông Hạnh nói với tôi rằng, toàn bộ nội các Ngụy quyền đang ngồi trong phòng họp “mời cấp chỉ huy vào làm việc”.

Lúc này tôi mới biết là nội các địch còn ở đây, tôi khá bất ngờ, cũng thoáng chút lo âu, nên rất đề phòng sự phản kháng của địch. Trong phòng họp lúc đó có khoảng 40 - 50 người đang ngồi. Sau khi ông Nguyễn Hữu Hạnh giới thiệu các thành phần nội các Ngụy quyền, Tổng thống Dương Văn Minh bước ra và nói “Chúng tôi biết quân Giải phóng đã tiến công vào nội đô, chúng tôi đang chờ quân Giải phóng vào để bàn giao”.

Đại úy, Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ (người ngoài cùng bên phải) cùng đồng đội trong lực lượng thọc sâu QĐ2 đánh chiếm dinh Độc lập bắt Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu ra Đài phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Lúc này thì tôi không nghĩ đến chuyện bàn giao như thế nào, chỉ nói là “Các ông đã bị bắt, các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, không bàn giao gì cả”.

Khi được yêu cầu ra Đài phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng, Dương Văn Minh lo sợ vì ở ngoài đường phố vẫn đang tiếp tục chiến đấu, tiếng súng đạn vẫn đang nổ vang trời, sợ ra không đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên, khi được chúng tôi đảm bảo an toàn, chính Dương Văn Minh là người chỉ đường dẫn tới Đài phát thanh. Tôi cùng một số anh em trực tiếp áp giải Tổng thống Dương Văn Minh và ông Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng tới Đài phát thanh Sài Gòn để tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trên chiếc xe Jeep của chúng tôi.

Tại Đài phát thanh, tôi cùng đồng chí Bùi Tùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 và một số anh em đã cùng nhau thảo bản tuyên bố đầu hàng. Trong quá trình ghi âm lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh, máy ghi âm của chúng ta bị hỏng, do rối băng nên phải nhờ một máy ghi âm của một nhà báo nước ngoài có mặt tại thời điểm đó để ghi.

Sau khi lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện được phát đi và đại diện quân Giải phóng của chúng ta đọc lời chấp nhận lời đầu hàng, chúng tôi tiếp tục đưa Dương Văn Minh về Dinh Độc lập để chờ cấp trên vào bàn giao. Quá trình thảo, đọc và ghi âm lại bản thảo diễn ra khoảng 40 - 50 phút, lúc đó khoảng 11h30 ngày 30/4/1975. Cùng thời điểm này, lá cờ cách mạng đã tung bay trên nóc Phủ Tổng thống Ngụy báo hiệu chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng.

Đại úy, Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ (ngoài cùng bên phải, tay cầm bản thảo) cùng đồng đội bắt Tổng thống Dương Văn Minh, tuyên bố đầu hàng vô điều kiện tại Đài phát thanh Sai Gòn, trưa ngày 30/4/1975. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

+ Trong niềm vui hân hoan chào đón kỷ niệm 44 năm ngày non sông thống nhất về một mối, Trung tướng có nhắn gửi điều gì tới bạn đọc cả nước cũng như thế hệ trẻ hiện nay?

- Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Để có chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, chúng ta đã phải hy sinh lớn về sức người sức của, do đó, chúng ta phải trân trọng lịch sử. Có những chiến sỹ hy sinh cách giờ phút giải phóng chỉ tính bằng giây, bằng phút. Có chiến sỹ hy sinh ngay trước cổng Dinh Độc lập như liệt sỹ Tô Văn Thành, hy sinh chỉ cách cổng Dinh Độc lập chừng trăm mét; liệt sĩ Ngô Văn Nhỡ, Đại úy, Tiểu đoàn trưởng xe tăng Lữ đoàn xe tăng 203 hy sinh trên tháp pháo tại cầu Sài Gòn, trên đường tiến vào giải phóng Dinh Độc lập…

Là người trực tiếp chiến đấu, chỉ huy qua các trận tuyến, tôi là người may mắn hơn nhiều đồng đội, chiến sỹ khi được trở về sống trong cuộc sống hòa bình. Mặc dù Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và đã có nhiều chính sách đối với người có công, song đến nay vẫn còn khoảng 300 nghìn liệt sỹ vô danh và khoảng 200 nghìn liệt sỹ hy sinh chưa tìm được hài cốt. Đây là một mất mát rất lớn, không thể bù đắp đối với các liệt sỹ và thân nhân.

Việc tiếp tục làm tốt công tác tìm kiếm hài cốt, danh tính của các liệt sỹ và chăm sóc người có công là việc làm thường xuyên, liên tục của các tổ chức, đoàn thể nhằm bù đắp phần nào sự hy sinh mất mát của họ. Với tôi, từ khi nghỉ hưu (2008) đến nay, tôi vẫn thường xuyên cộng tác với các tổ chức, đơn vị trở lại chiến trường xưa để tìm hài cốt và danh tính cho các đồng đội đã hy sinh; thăm hỏi, động viên người có công.

Đối với thế hệ trẻ hiện tại, sau này và mãi mãi là những người công dân của đất nước Việt Nam này, đã được thừa hưởng một nền độc lập, tự do là thành quả của quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược cần kế thừa, phát huy truyền thống yêu nước, giữ nước của các thế hệ cha ông và vận dụng vào cuộc sống hiện nay.

Tiếp tục học tập, trau dồi phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam, kiến thức về khoa học. Trân trọng lịch sử, trân trọng quá khứ và những điều tốt đẹp của các thế hệ ông cha, của lịch sử dân tộc.

+ Xin trân trọng cảm ơn Trung tướng!

Trần Quý (Thực hiện)

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/chien-dich-mua-xuan-nam-1975-nhu-moi-ngay-hom-qua_t114c1159n147660