Chiến dịch mua nhà Hà Nội của vợ chồng thợ sửa điều hòa lương 13 triệu/tháng

Nhiều người cho rằng, chồng là thợ sửa điều hòa lương 7 triệu đồng, sẽ chẳng bao giờ dám mơ ước đến việc mua một ngôi nhà, nhưng nếu biết tiết kiệm và chi tiêu hợp lý thì không điều gì là không thể.

Vậy là sau hơn 6 năm tích cóp, vợ chồng tôi cũng đã sở hữu một căn hộ chung cư thu nhập thấp ở khu vực Gia Lâm, (Hà Nội), khi mức thu nhập của hai vợ chồng chỉ khoảng 13 triệu/tháng.

Tôi là một thợ sửa chữa và bảo dưỡng điều hòa, lương hàng tháng khoảng 7 triệu đồng. Vợ tôi làm thợ may tại nhà, thu nhập khoảng 4-5 triệu đồng/tháng. Cả hai vợ chồng tôi là dân tỉnh lẻ ra Thủ đô lập. Hiện vợ chồng tôi có 2 bé gái, một bé hơn 6 tuổi, một bé vừa tròn 8 tháng tuổi.

Cách đây hơn 6 năm, khi vợ chồng tôi chỉ có thu nhập khoảng 13 triệu đồng/tháng, chúng tôi đã có ý định mua nhà.

Hồi đó, nghe chuyện muốn mua nhà, mua đất, gia đình hai bên đều phản đối, thậm chí có người còn mắng vợ chồng tôi "dở hơi", thích sang chảnh... Bởi, trong tay chúng tôi khi đó chỉ có vỏn vẹn gần 100 triệu đồng tích cóp.

Cũng nhờ quyết tâm chăm chỉ làm việc nên khi biết tôi có ý định mua nhà, tôi đã được một người quen lãnh đạo của công ty giúp đỡ, tạo điều kiện để vay vốn không tính lãi, cùng với số tiền tích góp và vay mượn bố mẹ hai bên, tôi đã quyết định mua một mảnh đất nhỏ khoảng 40m2, ở khu vực ngoại thành Hà Nội với giá 570 triệu đồng để đầu tư. Khi có cơ hội, chúng tôi sẽ bán kiếm lãi để mua nhà.

Một năm sau thì vợ tôi sinh con. Căn nhà thuê chật chội ẩm thấp khiến cho cuộc sống của vợ chồng tôi càng bí bách hơn. Lúc đó, sẵn có người hỏi mua mảnh đất, tôi đã bán lại với giá gần 700 triệu đồng. Như vậy, so với vốn ban đầu bỏ ra, chúng tôi đã lãi 130 triệu đồng. Có số tiền ấy trong tay, chúng tôi bắt đầu công cuộc tìm mua nhà.

Sau một tháng tìm kiếm, nhà đất giá dưới 1 tỷ khá nhiều, nhưng đa phần là những căn nhà đất không sổ đỏ, nằm trong ngõ hẹp sâu hun hút. Chung cư thì có các căn hộ gần trung tâm nhưng giá quá cao so với khả năng chi trả của hai vợ chồng. Vì thế chúng tôi đã quyết định vay thêm ngân hàng 200 triệu đồng nữa để mua một căn chung cư 65m2 với giá 900 triệu đồng ở khu vực Gia Lâm, Hà Nội.

Nhiều gia đình vẫn mua được nhà dù thu nhập không cao

Nhiều gia đình vẫn mua được nhà dù thu nhập không cao

Sau khi mua được nhà, vợ chồng tôi đã lập một kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm hợp lý để trả nợ.

Trước tiên, chúng tôi ưu tiên trả các khoản nợ ngân hàng trước, đối với bố mẹ hai bên và người quen, nếu ai cần trả tiền trước, vợ chồng tôi sẽ tích góp ưu tiên trả họ trước.

Hàng tháng, chúng tôi chỉ tiêu vỏn vẹn khoản tiền 3,2 triệu đồng cho ăn uống, điện, nước. Tiền Internet khoảng 100.000 đồng/tháng vì dùng chung cùng hàng xóm + tiền xăng xe, điện thoại 500.000 đồng/tháng + tiền học của con 700.000 đồng/tháng + tiền sữa, bỉm của con 1 triệu đồng/tháng + tiền ma chay, hiếu hỉ khoảng 1 triệu đồng/tháng. Tính ra, trung bình một vợ chồng tôi chi tiêu khoảng 7 triệu đồng, còn lại 6 triệu đồng, chúng tôi tích lũy để trả nợ.

Bên cạnh đó, tôi và vợ cũng tích cực làm thêm vào buổi tối. Hễ ai có nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa là tôi đều có mặt. Vợ tôi ngoài việc may quần áo thông thường cũng tập tành bán hàng online kiếm thêm thu nhập. Mỗi tháng chúng tôi có thêm khoảng hơn 4 triệu đồng từ các công việc làm thêm này. Tính ra, mỗi năm, cùng với khoản thưởng tết, vợ chồng tôi trả được 150 triệu tiền nợ.

Như vậy sau hơn 4 năm, nhờ chi tiêu tiết kiệm và hạn chế mua sắm tối đa, vợ chồng tôi đã thoát được gánh nặng nợ nần. Bây giờ, tiền dư ra mỗi tháng chúng tôi đang sắm sửa nội thất dần ổn định cuộc sống.

Thực ra, ai mua nhà cũng phải oằn lưng trả nợ. Nhiều bạn bè của chúng tôi dù chỉ là công nhân nhưng họ biết vun vén, tiết kiệm vẫn có thể mua được một căn chung cư nhỏ hay một ngôi nhà cách xa trung tâm.

Trần Hòa (Nam Định)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/bat-dong-san/kinh-nghiem-tu-van/chong-sua-dieu-hoa-luong-7-trieu-van-mua-duoc-nha-ha-noi-615575.html