Chiến dịch Mẹ ơi đừng giết con: Ẩn chứa định kiến bất bình đẳng giới

Chiến dịch Mẹ ơi đừng giết con của hai người sáng lập là Lê Hoàng Thạch và Lê Huỳnh Hà đang thu hút sự chú ý lớn của cộng đồng mạng hiện nay. Tuy nhiên, có thể nói rằng chiến dịch này ẩn chứa bạo lực biểu trưng làm gia tăng khoảng cách bất bình đẳng giới.

2 tác giả của chiến dịch

Ẩn đằng sau tên chiến dịch đó là mối quan hệ quyền lực thống trị của nam giới và những nhận thức về giới được tái sản xuất bởi sự duy trì mối quan hệ quyền lực nam trị này.

Có thể nói rằng chiến dịch này ẩn chứa bạo lực biểu trưng làm gia tăng khoảng cách bất bình đẳng giới. Ngoài ra, nó còn làm “ngộ nhận”, “lu mờ”, và “bỏ qua” sự chủ động, thống trị của nam giới trong việc phòng tránh thai và quan hệ tình dục.

Gia tăng bất bình đẳng giới

Theo quan điểm của nhà xã hội học, nhà nhân học Pierre Bourdieu, những kẻ bị trị thường áp dụng những quan điểm do kẻ thống trị kiến tạo và thực hành quan điểm đó như một thói quen mà không còn đặt nghi vấn vì sao lại thực hành như vậy? Trong mối quan hệ của quyền lực, những thực hành đó được những kẻ bị trị nghĩ rằng đó là lẽ tự nhiên.

Trong xã hội nam trị cũng vậy, lật lại “văn hóa truyền thống nhân đạo” của Việt Nam mà hai người đồng sáng lập chiến dịch đã từng nói trong video, có thể thấy “truyền thống” Việt Nam đối với người phụ nữ từ thời phong kiến chính là các quan niệm về trinh tiết. Việc thủ tiết từng được những người phụ nữ xem là “niềm tự hào” nhưng đó cũng chính là xiềng xích trói buộc họ trong việc mưu cầu hạnh phúc riêng cho bản thân.

Việc hai người sáng lập nhắc đến “truyền thống văn hóa Việt Nam” không khác gì một chiêu bài đạo đức, biến chủ nghĩa dân tộc thành công cụ trong việc đề cao văn hóa Việt như là cách để lấy lòng những người tham gia chiến dịch và nâng cao uy thế chiến dịch.

Thời gian có thể trôi qua, nhưng tư duy ẩn sâu thống trị phụ nữ Việt Nam vẫn tồn tại trong bối cảnh hiện đại cùng với quyền lực nam trị. Ý muốn kiểm soát thân thể phụ nữ luôn hiện hữu.

Trong nghiên cứu của nhà nữ nhân học Tine Gammeltoft (1998), phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ trước kia được kiểm soát bằng các chính sách, khẩu hiệu tuyên truyền mà có thể xem đấy là hình thức “bán cưỡng bức”. Những khẩu hiệu đó gắn liền người phụ nữ với trách nhiệm “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, với các chức năng xã hội như là làm mẹ, làm vợ, làm bà, là con, chứ không nhắc họ tồn-tại-như-một-con-người.

Ngoài ra, kiểm soát thân thể phụ nữ bằng cách đặt vòng (vì rẻ và hiệu quả), kèm theo đó là ít lựa chọn phòng tránh thai khác cho phụ nữ, đã can thiệp trực tiếp gây ảnh hưởng xấu sức khỏe của người nữ nhưng xã hội vẫn nghĩ rằng việc đó sẽ làm cho “gia đình được hạnh phúc”. Về bình diện chính sách hay đời sống hằng ngày, tiếng nói phụ nữ bị lãng quên trong thời gian dài.

Tên chiến dịch Mẹ ơi, đừng giết con như là một thứ bạo lực biểu trưng tấn công trực diện và tấn công ngầm vào người phụ nữ.

Biểu trưng không phải là những thứ trừu tượng, vô hình mà ta không nắm bắt hay cảm nhận được. Chính bạo lực biểu trưng sẽ được chuyển tiếp thành thực hành xã hội, quan niệm và tư duy tiếp tục duy trì quyền lực thống trị.

Có thể thấy ngay điều ấy từ tên chiến dịch Mẹ ơi đừng giết con. Trong ngôn ngữ, “mẹ ơi” như là sự cảm thán, đau đớn, nhưng chữ “mẹ” còn gắn liền với phụ nữ, nhấn mạnh đến vai trò xã hội của họ. Tên chiến dịch như là biểu tượng ám chỉ rằng việc phá thai hoàn toàn do người phụ nữ mà bỏ quên đi vai trò của nam giới trong việc tạo ra cái thai đó.

Điều tiếp theo, hai người phát động chiến dịch đó là nam giới. Xét về bình diện sinh học, vẫn có thể phê phán họ toàn diện vì hai người không phải là nữ. Chính hai người đó sẽ không bao giờ trải nghiệm được nỗi đau mà phụ nữ trải qua trong quá trình sinh đẻ, phá thai… mà nói như quan điểm James Scott, chính là người nam giới phát động chiến dịch sẽ không bao giờ hiểu cảm giác “nỗi thống khổ nằm trong tay kẻ khác”.

Sự thật trong xã hội nam trị, một xã hội mà tiếng nói phụ nữ bị đè bẹp bởi các diễn ngôn thống trị nam giới, việc phá thai chưa bao giờ có thể xem là sự chủ động của người nữ, dù chính họ mang thai và phá thai.

Phòng tránh thai thay vì ban hành luật

Có thể thấy việc phá thai của người phụ nữ luôn bị tác động của diễn ngôn quyền lực khác, ví dụ như: nếu không phá thai sẽ bị xóm giềng dị nghị, nếu không phá thai sẽ bị mất công việc hiện có... Như vậy, việc phá thai không phải hoàn toàn do người nữ mà kèm theo đó cả mạng lưới thân rễ quyền lực khác đan xen trong việc quyết định phá thai.

Vậy gốc rễ của việc ngăn chặn phá thai có phải là từ việc ban hành luật chống phá thai?

Câu trả lời là không. Gốc rễ của việc phá thai chính là từ việc phòng tránh thai chứ không phải là việc ban hành luật. Khi y học hiện nay phát triển, có rất nhiều cách để phòng tránh thai, nhưng cách đơn giản và hiệu quả nhất chính là việc đàn ông phải dùng bao cao su.

Nhiều người thường lập luận rằng việc phòng tránh thai đến từ hai bên, điều đó đúng nhưng có một thực tế là trong xã hội nam trị, sự chủ động của nữ luôn bị cản trở bởi quyền lực nam giới.

Vì thế điều đầu tiên chính là thay đổi nhận thức nam giới trong việc luôn chủ động dùng bao cao su. Đây mới là cách sẽ hạn chế việc nạo phá thai hay sinh con ngoài ý muốn.

Chúng ta không nên nhìn nam – nữ là những quan hệ đối ngẫu, nhị nguyên cứng nhắc mà chính nam giới phải “trở thành khác” khi đặt góc nhìn của họ vào vị thế của người nữ giới.

Việc “trở thành khác” của người nam giới chính là cách họ thoát ra khỏi định kiến về nam tính của cấu trúc xã hội áp đặt lên họ. Còn phụ nữ phải tìm cho chính bản thân “đường thoát” trong việc thống trị của diễn ngôn quyền lực nam giới đang sản xuất và tái sản xuất hằng ngày.

Mối quan hệ giữa nam và nữ không phải cực đối lập mà là sự chia sẻ, cảm thông và hiểu nhau. Tình dục là sự thỏa mãn đối tác hai bên chứ không phải sự thỏa mãn của một bên thống trị. Đã đến lúc cần phải thay đổi.

Mẹ ơi! Đừng giết con" chiến dịch phát đi lời kêu gọi mọi người cùng nhau ký 100.000 chữ ký kiến nghị Quốc hội xem xét xây dựng và ban hành "Luật cấm nạo phá thai" tại Việt Nam nhằm cứu lấy 300.000 thai nhi vô tội mỗi năm.

Lê Hoàng Thạch (sinh năm 1988, TP.HCM) và Lê Huỳnh Hà (sinh năm 1990, Phú Yên) là 2 người sáng lập chiến dịch

Nhóm truyền thông nhận định đây là một thảm họa nhân đạo, là tội ác đi ngược với tinh thần nhân ái, đạo đức của dân tộc.

Bên cạnh đó, hai nhà sáng lập còn cho biết thêm: "Nếu luật Cấm nạo phá thai được ban hành, sẽ giải quyết triệt để vấn đề nạo phá thai, vì nó sẽ giúp mọi người làm đúng ngay từ đầu. Đó là hạn chế tối đa thai ngoài ý muốn, không có thai ngoài ý muốn, sẽ không có phá thai".

Hưng Thịnh

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/phai-dep-c-86/gia-dinh-thoi--c-151/chien-dich-me-oi-dung-giet-con-an-chua-dinh-kien-bat-binh-dang-gioi-102979.html