Chiến dịch Mậu Thân 1968 và sự thật về nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường

Theo dòng lịch sử, vào đêm 30, rạng sáng 31.1.1968, quân và dân đồng loạt nổi dậy khắp muôn nơi. Nửa thế kỷ trôi qua, song ký ức về chiến dịch Mậu Thân 1968 vẫn còn nguyên vẹn trong tâm khảm bao người, đặc biệt là người dân Huế.

Chiến dịch Mậu Thân và lòng tự tôn dân tộc

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng: “Mậu Thân là chiến thắng quan trọng nhất, buộc Mỹ không thể thực hiện chiến lược giải quyết chiến tranh Việt Nam bằng quân đội, mà phải ngồi vào bàn hội nghị Paris và rút quân khỏi Việt Nam. Nếu như năm 1968 là quyết định quan trọng thì chiến thắng 1975 là tất yếu xẩy ra. Điều quan trọng Huế đã làm được, mà không nơi nào có thể làm được - đó chính là vai trò đóng góp của người dân Huế, làm nên chiến thắng. Nói đến chiến dịch Mậu Thân là vấn đề lịch sử lớn. Trong cuộc chiến tranh, mặc dù chúng ta đã chiến thắng nhưng cũng không thể tránh được sai lầm, nên hãy thẳng thắn nhìn nhận vào sai lầm đó. Đã 50 năm rồi, theo tôi nên tổ chức kỷ niệm, tri ân những người dân Huế đã hy sinh cho thành công của chiến thắng Mậu Thân”.

Lật dở những trang sử cho thấy, ngày ấy, Huế là một trong ba chiến trường trọng điểm để thực hiện cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân. Vũ khí được bí mật đưa vào nội thành bằng nhiều hướng và được ngụy trang cẩn thận. Đêm 30 Tết, bộ đội từ khắp nơi đồng loạt tiến vào thành phố Huế, bất ngờ tấn công địch, nhanh chóng chiếm giữ các mục tiêu quan trọng. Cuộc tổng tiến công đúng dịp Tết Nguyên Đán là thời điểm quyết định vận mệnh của đất nước. Và chỉ một ngày đêm, quân và dân ta đã làm chủ thành phố Huế. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968 ở Huế đi vào lịch sử dân tộc như bản hùng ca của lòng kiêu hãnh “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Đừng vì hận thù mà xuyên tạc lịch sử

Chúng ta không quên quá khứ, nhưng vì sự hòa hợp, hòa giải dân tộc và hội nhập quốc tế, chúng ta khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Chiến dịch Mậu Thân 1968 cũng đã tròn nửa thế kỷ, vậy mà cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, thậm chí bất cứ lúc nào có cơ hội là lại có những ý kiến bị đặt để bôi nhọ chế độ, xuyên tạc về sự thật lịch sử cũng như làm giảm uy tín của những người có tiếng nói trong xã hội.

Nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường

Sự kiện 1968 ở Huế với nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường như một “bi kịch” cuộc đời, đeo bám ông trong suốt chừng ấy năm trời. Những câu hỏi nghi vấn được đặt ra sau những lời “vu khống, xuyên tạc” rằng: Hoàng Phủ Ngọc Tường ở đâu khi chiến dịch Mậu Thân vào thời điểm quan trọng? Thật nhẫn tâm khi còn có ý kiến cho rằng ông đã có mặt và trực tiếp tham gia vào vụ thảm sát ở Huế năm 1968. Song sự thật hiển nhiên không phải vậy.

Nhà văn Nguyễn Quang Hà ghi theo lời kể của nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế - Nguyễn Trung Chính, nguyên thành ủy viên, Bí thư quận 1- Huế thì: “Cách một tuần trước khi nổ súng phát hỏa tấn công trong chiến dịch Mậu Thân. Để làm cho tư tưởng quân địch tan tác, cần có một cuộc binh vận bất ngờ. Hai người được lãnh đạo chọn cho cuộc ra quân quyết liệt này là anh Hà Lề và anh Nguyễn Xuân... Tin bộ đội giải phóng vác cờ xanh đỏ đi giữa đất Cố đô từ người nọ truyền tai người kia như một làn sóng. Phát huy thắng lợi binh vận, kế hoạch lần 2 vùng hoạt động ngắn hơn và lãnh đạo quyết định chọn: Hoàng Kim Thắng, Dương Thi Tho, Hoàng Kim Cuộc, Nguyễn Quốc Tròn”.

Như vậy, trong suốt chiến dịch, Hoàng Phủ Ngọc Tường không được giao nhiệm vụ để trở lại Huế. Vậy mà trong nhiều năm ròng, một số cây bút ở hải ngoại đã kết tội cho Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Lê Văn Hảo, Nguyễn Đắc Xuân với những lời lẽ xúc phạm. Họ gọi các nhà văn, nhà thơ này là "đồ tể", "thủ phạm chính của cuộc tàn sát", "các hung thần can dự tới bữa tiệc máu".

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết: “Tôi và 2 anh em Hoàng Phủ Ngọc Tường - Hoàng Phủ Ngọc Phan đều bị vu khống với những lời lẽ rất nặng nề, nhưng Hoàng Phủ Ngọc Tường “dính” nặng nhất. Có lẽ bởi sau này, vì muốn nêu thành tích nên ông ấy đã mắc sai lầm khi trả lời báo chí về tác phẩm của mình, mà thực tế khi viết, ông ấy có dùng tư liệu của tôi, chứ còn trong chiến dịch Mậu Thân, Hoàng Phủ Ngọc Tường không về Huế, vì ông ấy là Tổng thư ký mặt trận liên minh”.

Vậy căn cứ vào đâu để họ xuyên tạc, bịa đặt trắng trợn để làm giảm uy tín và phương hại đến thanh danh một nhà văn nổi tiếng và có uy tín ở Việt Nam. Theo nhà văn Ngô Minh: “Sự hiểu nhầm, hiểu sai rất oan ức này là do "Lời hiệu triệu" với giọng đọc của Hoàng Phủ Ngọc Tường được thu thanh từ trước, phát đi khắp các nẻo đường Huế sau chiến dịch, làm cho ai cũng tưởng anh đang ở Huế. Thứ nữa là tập ký sự Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu mang tên tác giả là Hoàng Phủ Ngọc Tường viết về những người giữ cờ trên Phu Văn Lâu Huế. Không tham gia đánh trận trực tiếp làm sao mà viết về cuộc chiến với những chi tiết cụ thể như thế? Sự thật thì không phải vậy. Hoàng Phủ Ngọc Tường bảo rằng đây là một tập sách "viết chưa đạt".

Theo lời kể của Hoàng Phủ Ngọc Tường mà nhà văn Ngô Minh ghi thì: "Đây là cuốn sách tôi viết từ một tư liệu ghi chép thực tế “những người giữ cờ ở Huế” của Nguyễn Đắc Xuân. Tôi nhớ bản thảo ấy cũng chỉ độ 5 đến 7 trang. Tôi đã hư cấu thêm theo sự cho phép của thể loại ký và theo suy nghĩ của tôi - chứ tôi đâu có mặt ở Huế vào thời điểm ấy. Viết xong gửi đi tôi ghi tên cả hai người cùng viết. Không hiểu vì sao khi in thành sách tên tác giả lại chỉ có mình tôi. Tôi trở thành thằng “hớt tay trên” của bạn. Tôi đã viết thư gửi ra Hà Nội phản ứng với Giám đốc NXB Giải Phóng, lúc đó là anh Khương Minh Ngọc. Nhưng sau đó tôi được anh Bảo Định Giang đang phụ trách Tiểu ban Văn nghệ miền Nam can ngăn; bảo rằng làm như thế sẽ ‘có lợi cho cách mạng hơn! Không biết có lợi là lợi gì? Lúc đó tôi đã kể cho anh Nguyễn Đắc Xuân nghe tất cả chuyện oái oăm này..."

Đời tri thức cũng có cái giá phải trả

Chiến dịch Mậu Thân là sự thật khốc liệt và đau lòng cho cả 2 bên, khi chiến trường đầy bom, đạn, mà bom, pháo, súng, đạn có loại trừ binh lính hay dân thường đâu bởi tất cả đều chìm trong khói lửa.

Quá khứ đã lùi xa, nhưng những vết thương để vẫn hằn in những nỗi đau mà những người trong cuộc và cả người thân, gia đình của họ phải mang theo. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã từng thốt lên: "Không hiểu sao đến giờ vẫn có những kẻ xấu miệng cứ tìm cách buộc chặt tôi vào ‘vụ Mậu Thân Huế. Tôi đành xem họ như những kẻ vu khống bẩn thỉu thế thôi!"

Nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường. ảnh: Hoàng Tuấn

Chỉ mới đây thôi, trong một status nhiều comment ác ý với những lời cay độc đã đổ dồn vào facebook của con gái nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, khiến cho cuộc sống của chị tự nhiên bị xáo trộn. Tuy nhiên, cũng rất nhiều comment của các nhà văn, nhà thơ, bạn đọc, những người cùng thời, những người bạn vong niên của Hoàng Phủ Ngọc Tường và cả gia đình ông cũng đã chia sẻ động viên, khích kệ tinh thần.

Võ sư Nguyễn Văn Dũng viết: “Hoàng Dạ Thư thương quí của thầy. Đọc bài “ Xin được nói một lần rồi thôi”, thầy hiểu nỗi lòng của con. Không phải bây giờ đâu mà suốt 50 năm qua, cứ mỗi dịp Tết đến, lại có người cố đào bới nỗi đau Tết Mậu Thân, cùng với luận điệu Hoàng Phủ Ngọc Tường là tên đồ tể giết người hàng loạt. Không biết họ nhân danh sự thật, nhân danh hận thù, hay là một cách chứng tỏ ta là?! Bài con viết, rất minh bạch và thẳng thắn. Rằng, ba con có thể mắc sai lầm, đặc biệt khi trả lời phỏng vấn của đài Mỹ. Rằng, ba con có thể “háo danh” khi lấy tư liệu của người khác để viết “Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu” và kể lại như thể mình là người trong cuộc.

Nhưng, thực tế ba con không có mặt ở Huế trong Tết Mậu Thân. Con cần biết thêm điều này, sự thật đó đã được những người bạn ở cùng ba con trên rừng suốt thời gian Tết Mậu Thân khẳng định; được những người bạn của ba con có mặt ở Huế trong Tết Mậu Thân khẳng định; và sự thật đó đã được những người chỉ huy chiến dịch Tết Mậu Thân khẳng định. Cái tâm con người cũng như tấm gương soi; khi bị bụi bặm che phủ, nó không soi chiếu được gì, nhưng khi lau sạch, nó phản ảnh trung thành mọi sự. Chuyện này cũng thế, khi hận thù không còn, khi ngã mạn mất đi, sự thật sẽ hiện ra”.

Về chuyện nhà văn Hoàng Dạ Thư sẽ đóng cửa ngôi nhà facebook vì không muốn tiếp tục nghe những lời lẽ hằn học, thù hận. Võ Sư Nguyễn Văn Dũng viết: “Con ạ, dù con không muốn nghe họ thì vẫn không cấm được họ. Dù con đôi co với họ thì vẫn không thay đổi được họ. Chi bằng con cứ để họ nói, cứ nghe họ nói - nghe với cái tâm rỗn rang và độ lượng. Oan ức không cần biện bạch; và, hãy đón nhận nó với một cái tâm rỗn rang và độ lượng. Bởi vì, chỉ với cái tâm rỗn rang và độ lượng, con người ta mới có thể sống an lành giữa cái cõi thế quá đa đoan này.”

Bi kịch với Hoàng Phủ Ngọc Tường đến từ nhiều phía, song kể cả khi nằm trên giường bệnh ông cũng vẫn cặm cụi viết. Hoàng Phủ Ngọc Tường quan niệm: “Sống ở đời một người tri thức cũng có một cái giá phải trả cho việc mà người khác cứ tưởng là mình được tín nhiệm. Là người sống bằng nội tâm, nên những vấn đề thời cuộc đất nước ám ảnh tôi nhiều hơn."

Nhà văn Ngô Minh từng viết: “Văn chương Hoàng Phủ thấm đẫm tình thương yêu, và được người đọc nhiều thế hệ mến mộ vì đó không phải là thứ văn chương "phải đạo" (chữ của Hoàng Ngọc Hiến) xưng tụng một chiều "ta thắng địch thua" mà đó là thứ văn chương thật có chính kiến rạch ròi mạnh mẽ là sự dấn thân để xây dựng một nền dân chủ và nhân văn cao cả. Không giống một số nhà văn xu thời nghĩ khác viết khác sống khác viết khác luôn đeo mặt nạ ngăn cách mình với xã hội, Hoàng Phủ Ngọc Tường sống như viết nói như viết nghĩ như viết”.

Quá khứ đã lùi xa, hận thù xin khép lại. Hãy để tâm mình được rộng mở hướng về phía trước để thấy cuộc đời thật an vui!

Minh Anh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/van-hoa/chien-dich-mau-than-1968-va-su-that-ve-nha-tho-hoang-phu-ngoc-tuong-842147.html