'Chiến dịch giải cứu' ao hồ ô nhiễm ở Gia Lâm

Hệ thống ao hồ vốn được xem là “lá phổi”, nhưng thay vì gìn giữ, bảo vệ, không ít người đã xâm hại bằng những hành vi xả nước thải, rác thải, phế thải... Việc “giải cứu”, hồi sinh ao hồ bị ô nhiễm là vấn đề cấp bách được huyện Gia Lâm triển khai theo hướng kêu gọi xã hội hóa đầu tư, trong đó nhấn mạnh tới vai trò trung tâm của người dân.

Thực trạng ô nhiễm báo động

Ông Nguyễn Văn Hải, người dân thôn Linh Quy Bắc (xã Kim Sơn) cho biết, trước đây, nước ao làng rất sạch sẽ, là không gian văn hóa cộng đồng, nơi thư giãn của người dân trong những ngày hè oi bức… Tuy nhiên, do nghề chăn nuôi, giết mổ gia súc ngày càng phát triển nên ao làng bỗng trở thành nơi chứa rác, chất thải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Không chỉ ao hồ bị xâm hại, 19 vườn hoa trên địa bàn cũng trở thành nơi tập kết rác thải…

Ao xóm Ba được cải tạo, trở thành không gian văn hóa của thôn Linh Quy Bắc, xã Kim Sơn
(huyện Gia Lâm).

Giống như xã Kim Sơn, trong tổng số 283 ao hồ (với tổng diện tích gần 180ha) trên địa bàn huyện thì hiện có tới 22 ao hồ ở 10 xã bị ô nhiễm nghiêm trọng; 47 ao hồ ở 8 xã bị lấn chiếm một phần diện tích để xây dựng nhà ở, chuồng trại chăn nuôi, đổ phế thải, vật liệu xây dựng...

Theo Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Gia Lâm Phan Trung Kiên, đa số ao hồ trên địa bàn chưa được đầu tư xây dựng kè, đường dạo, tạo cảnh quan đồng bộ; việc quản lý cũng có nhiều bất cập... Thực tế cho thấy chỉ có một số ao hồ do các xã giao thầu cho người dân nuôi trồng thủy sản, số còn lại là nhiều “không”: Không đơn vị quản lý; không được nạo vét, duy tu thường xuyên; không được đầu tư xây dựng... Vì vậy ao hồ bỗng nhiên trở thành "bãi rác công cộng", gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong nhiều khu dân cư.

Cấp bách "giải cứu"

Trước tình trạng trên, cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện Gia Lâm đã triển khai nhiều giải pháp để "giải cứu" ao hồ, vườn hoa... Lãnh đạo huyện và các xã, thôn đã tập trung tuyên truyền để nhân dân, nhất là những người làm nghề giết mổ gia súc hiểu rõ vai trò quan trọng cũng như những tác hại của việc xâm hại hệ thống ao hồ đối với môi trường, cảnh quan.

Ông Vũ Văn Muôn, Trưởng xóm Ba, thôn Linh Quy Bắc, xã Kim Sơn chia sẻ: Tại xóm Ba, nhân dân được nghe nói ao hồ có tác dụng thanh lọc, điều hòa không khí, môi trường sống… Khi đã hiểu giá trị của ao hồ, nhân dân tự nguyện đóng góp được hơn 240 triệu đồng để nạo vét bùn, xây kè, cống thu gom nước thải, làm đường bê tông xung quanh; đồng thời, nghiêm cấm hành vi vứt rác, xả nước thải, xác động vật xuống ao… Hiện khu vực ao xóm Ba đã trở thành không gian văn hóa công cộng và được nhân dân trong xóm chung tay bảo vệ. Áp dụng cách làm này, ao Cổng Tuần cũng đã được hồi sinh và đang có nhiều gia đình đăng ký tặng đèn trang trí, chiếu sáng, ghế đá, cây xanh… nhằm quyết tâm biến nơi đây thành điểm văn hóa cho nhân dân địa phương...

Nói về “chiến dịch giải cứu hồ”, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân cho biết, huyện đang xây dựng kế hoạch huy động các nguồn lực để thực hiện “Đề án đầu tư, quản lý vườn hoa, sân chơi, ao hồ trên địa bàn giai đoạn 2017-2020”. Huyện kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng 19 vườn hoa, 99 sân chơi, 122 ao hồ với kinh phí dự kiến khoảng 1.585 tỷ đồng (đầu tư từ ngân sách khoảng 62 tỷ đồng, còn lại khoảng 1.528 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa).

Để thực hiện đề án, huyện đang tích cực rà soát quy hoạch chung, đề xuất những vị trí phù hợp quy hoạch vườn hoa, công viên, hồ nước quy mô lớn để kiến nghị UBND thành phố cho phép kêu gọi đầu tư. “Đề án hoàn thành sẽ giúp giải quyết tình trạng ngập úng cục bộ trong khu dân cư, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, cảnh quan kiến trúc đô thị; nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ chức, hộ dân về bảo vệ, giữ gìn môi trường sống, bảo đảm phát triển đô thị bền vững. Điều quan trọng nhất là sẽ chấm dứt tình trạng lấn chiếm ao hồ, vườn hoa..., từ đó góp phần quản lý đất công hiệu quả hơn nữa” - ông Lê Anh Quân khẳng định.

Kim Nhuệ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Phong-su-Ky-su/874810/chien-dich-giai-cuu-ao-ho-o-nhiem-o-gia-lam