Chiến dịch đổ bộ lớn nhất trong lịch sử chiến tranh

Từ ngày 28/11 đến ngày 1/12/1943 tại thủ đô Tehran của Iran đã diễn ra hội nghị Tam cường đầu tiên giữa lãnh tụ Liên Xô I. V. Stalin, Tổng thống Mỹ F. Roosevelt và Thủ tướng Anh W. Churchill.

Một trong những vấn đề quan trọng được hội nghị thảo luận là việc mở mặt trận thứ hai, vốn được Mỹ và Anh hứa hẹn nhiều lần nhưng sau đó lại tìm cớ trì hoãn. Lần này, trước sức ép manh mẽ của Stalin, cuối cùng hội nghị quyết định mặt trận thứ hai sẽ mở trên đất Pháp thay vì từ phía Balkans như Thủ tướng Anh đề xuất. Thời hạn xác định là tháng 5/1944.

Điểm đổ bộ được xác định là bãi biển Normandy, Pháp. Tướng Mỹ D. Eisenhower được cử làm Tư lệnh tối cao lực lượng Đồng minh. Để đánh lạc hướng quân Đức, quân Đồng minh đã mở một chiến dịch tung hỏa mù, làm cho Bộ Chỉ huy Đức tin rằng mặt trận sẽ được mở ở Pas de Calais, nơi bắt đầu con đường ngắn nhất dẫn tới Berlin.

Lính Mỹ đổ bộ lên Normandy. Ảnh: Wikipedia

Lính Mỹ đổ bộ lên Normandy. Ảnh: Wikipedia

Do đó, quân Đức tăng cường lực lượng bố phòng tại Pas de Calais. Khu vực bờ biển Normandy chỉ còn đóng vai trò thứ yếu trong thế trận phòng ngự của quân Đức.

Bộ Chỉ huy Đức cũng dự đoán, nếu quân Đồng minh đổ bộ vào Normandy thì thời điểm phù hợp nhất là cuối tháng 5/1944, khi thủy triều dâng cao, trăng sáng và ít gió. Vì thế, khi tháng 5 qua đi mà không có cuộc đổ bộ nào, trong khi tháng 6 đến mang theo những cơn bão, các chỉ huy quân Đức cho rằng mình có thể nghỉ xả hơi.

Về phía quân Đồng minh, những nhà khí tượng học hàng đầu của Mỹ, Anh được huy động và chịu trách nhiệm liên tục cung cấp thông tin về tình hình thời tiết. Đến ngày 3/6, hai nhà khí tượng học Mỹ là Windewing và Ben Holzman dự báo thời tiết ngày 5/6 là tốt, thích hợp để tiến hành cuộc đổ bộ theo đúng kế hoạch.

Tuy nhiên, nhà khí tượng Anh James Stagg có dự báo hơi khác, do vậy đã thuyết phục tướng Eisenhower vào phút cuối hủy cuộc đổ bộ vào ngày đã định.

Đến tối 4/6, thời tiết tại cảng Portsmouth, Anh - nơi tập trung lực lượng đổ bộ chủ yếu, vẫn rất xấu. Tuy nhiên, Stagg vẫn khẳng định với tướng Eisenhower rằng thời tiết sẽ sớm cải thiện trong một vài ngày tới.

Sau đó, tại cuộc họp của Hội đồng tướng lĩnh cấp cao quân Đồng minh, nhiều ý kiến cho rằng, với điều kiện khí hậu như hiện tại, thời điểm hợp lý để tiến hành đổ bộ là hai tuần sau đó. Thế nhưng, nếu tiếp tục trì hoãn, quân Đồng minh sẽ mất yếu tố bất ngờ. Vì thế, trên cơ sở dự báo của nhà khí tượng Stagg, tướng Eisenhower quyết định chọn ngày 6/6 mở màn cuộc đổ bộ.

Đúng 6 giờ 30 phút ngày 6/6, thường được gọi là D-Day, chiến dịch đổ bộ lớn nhất trong lịch sử chiến tranh, mang tên Sao Hải Vương (Neptune), chính thức bắt đầu.

Phe Đồng minh huy động gần 7.000 phương tiện từ hải quân 8 nước cho chiến dịch, gồm 1.213 tàu chiến các loại, 4.126 tàu vận tải và xuồng đổ bộ, khoảng 750 tàu hậu cần và gần 900 tàu buôn. Lực lượng không quân được triển khai cho chiến dịch cũng rất đông đảo với 11.000 tiêm kích, oanh tạc cơ, vận tải cơ và tàu lượn chở quân.

Ngoài hai triệu binh sĩ chính quy, phe Đồng minh cũng nhận được sự yểm trợ từ khoảng 350.000 quân kháng chiến trên khắp lãnh thổ Pháp. Quân đội Mỹ đổ bộ lên hai bãi biển có tên mã sử dụng trong chiến tranh là Utah và Omaha, trong khi quân Anh, Canada đổ bộ lên các bãi Gold, Sword và Juno.

Giai đoạn đầu của chiến dịch diễn ra rất khốc liệt, quân đội Đức quốc xã – hóa ra mạnh hơn nhiều so với dự kiến, đã chống cự quyết liệt, gây thương vong rất lớn cho quân Đồng minh.

Chỉ tính trong ngày đầu tiên mở màn chiến dịch D-Day, thương vong của quân Đồng minh khoảng 10.000 người, với hơn 4.000 người tử trận. Quân đội Đức quốc xã tổn thất khoảng 1.000 người. Đến ngày 12/6, quân Đồng minh đã chiếm giữ mặt trận dài 97km, sâu 24km tính từ bãi biển. Tuy nhiên, những cuộc giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn.

Mãi đến cuối tháng 7, khi hàng trăm nghìn binh sĩ được tăng cường, kết hợp với lực lượng quân kháng chiến Pháp hỗ trợ, quân Đồng minh mới làm chủ thế trận, đẩy quân Đức vào thế bất lợi. Cuối tháng 8, chiến dịch đổ bộ kết thúc, 2 triệu quân Đồng minh bắt đầu tiến công vào sâu trong đất liền.

Tính chung cả chiến dịch Normandy, quân Đồng minh có hơn 226.000 người thiệt mạng, bị thương hoặc mất tích; hơn 4.100 máy bay và 4.000 xe tăng, thiết giáp bị phá hủy. Phía quân Đức thiệt hại khoảng 200.000 người, cùng 2.100 máy bay và 2.400 xe thiết giáp bị tiêu diệt. Khoảng 15.000 - 20.000 người dân Pháp thiệt mạng, hàng nghìn người phải bỏ nhà đi lánh nạn.

Cuộc đổ bộ Normandy đã đẩy lùi phát-xít Đức khỏi bờ biển Pháp, tạo ra vị trí tập kết lực lượng và bàn đạp để quân Đồng minh phản công tại Tây Âu, phối hợp với Hồng quân Liên Xô tạo nên gọng kìm siết chặt quân đội Đức từ hai phía. Gần một năm sau cuộc đổ bộ, Đức quốc xã bại trận, kết thúc cuộc chiến tranh đẫm máu nhất lịch sử nhân loại.

Nguyên Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/quan-su/chien-dich-do-bo-lon-nhat-trong-lich-su-chien-tranh-640157.html