Chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc: Hai ủy ban quan trọng

Sau Đại hội toàn quốc lần thứ XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 11/2012, một chiến dịch chống tham nhũng chưa từng có được phát động, trở thành nỗ lực có tổ chức chống tham nhũng lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc. Đây còn được mệnh danh là chiến dịch 'đả hổ, diệt ruồi', bắt nguồn từ phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Kỳ họp thứ 2 Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XVIII, khi đề xuất công tác chống tham nhũng phải đánh cả 'hổ' (tham nhũng lớn) lẫn 'ruồi' (tham nhũng nhỏ). Trong cuộc chiến này, hai cơ quan trung ương nắm giữ vai trò quan trọng là Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Ủy ban Chính pháp.

1 + 1 > 2

Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật (UBKTKL) Trung ương do Đại hội Đảng bầu ra. Tổ chức của UBKTKL bao gồm: Trung ương, tỉnh, thành phố, huyện, xã, thôn. UBKTKL có nhân viên thường trực trong các cơ quan Chính phủ. Tổng số có 200.000 cán bộ chuyên trách. UBKTKL các địa phương chịu sự lãnh đạo của cấp ủy địa phương và UBKTKL cấp trên. Hội nghị Trung ương 3 (Khóa XVIII) quyết định chuyển đổi mô hình UBKTKL cấp dưới trực thuộc UBKTKL cấp trên nhiều hơn trước đây nhằm tránh sự phụ thuộc vào cấp ủy địa phương.

UBKTKL Trung ương có nhiệm vụ bảo vệ kỷ cương, kỷ luật Đảng. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất, gồm: Kỷ luật chính trị, kỷ luật tổ chức, kỷ luật công tác kinh tế, kỷ luật công tác quần chúng, kỷ luật sinh hoạt…; kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ thị của Trung ương theo nguyên tắc “Cấp ủy đảng lãnh đạo, UBKTKL giám sát”; tham gia xây dựng tác phong Đảng, điều phối và tiến hành công tác phòng chống tham nhũng (PCTN). Công tác xây dựng tác phong và PCTN do cấp ủy đảng các cấp phụ trách. UBKTKL các cấp điều phối các cơ quan Đảng, chính quyền để phòng và chống tham nhũng.

Năm 1993, UBKTKL Trung ương sáp nhập với Bộ Giám sát của Chính phủ, phương thức làm việc là “một nhà hai cửa”, “một đội ngũ hai khối công việc”, “một đầu óc hai cánh tay”, với sự lãnh đạo trực tiếp của Ủy ban Thường vụ UBKTKL Trung ương. Mô hình này hoạt động rất hiệu quả và từ đó Trung Quốc rút ra công thức: 1 + 1 > 2. UBKTKL Trung ương vừa có quyền kiểm tra, điều tra, xử lý, vừa có quyền giám sát, kiến nghị. Cụ thể là: Giáo dục kỷ luật, giám sát thực thi quyền lực, xét xử các vụ án, bảo vệ quyền lợi đảng viên không bị xâm phạm…); vừa giáo dục đảng viên vừa giám sát quyền lực của đảng viên, tiến hành xử lý một số vụ án cụ thể và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của đảng viên.

Một nhà hai cửa

Ủy ban Chính pháp Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, trước là Ủy ban Pháp luật (thành lập năm 1948), đến năm 1990 đổi tên thành Ủy ban Chính pháp (UBCP). Với nhiệm vụ là cơ quan chỉ đạo, điều phối, giám sát, kiểm tra hoạt động của các cơ quan tư pháp Trung ương, UBCP đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc.

Về bộ máy tổ chức, UBCP Trung ương gồm các cơ quan: Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ An ninh quốc gia, Bộ Tư pháp, Tổng cục Chính trị Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, Bộ đội cảnh sát vũ trang nhân dân. Người đứng đầu của các cơ quan trên là Ủy viên UBCP Trung ương. UBCP có 4 cấp: Trung ương, tỉnh, thành phố, huyện. Bí thư UBCP ở địa phương là Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy cùng cấp. Cơ quan UBCP Trung ương là thường trực của UBCP, có khoảng 160 cán bộ, nhân viên. Văn phòng thường trực của UBCP Trung ương (Tổng Thư ký, Phó Tổng Thư ký, các ủy viên chuyên trách) thực hiện các công việc thường ngày. UBCP Trung ương hiện có 9 đơn vị trực thuộc và 4 đơn vị sự nghiệp.

Làm việc theo phương châm “một nhà hai cửa”, UBCP cũng là cơ quan thường trực của Ủy ban Cải cách tư pháp Trung ương. Văn phòng thường trực của UBCP tiến hành công tác hàng ngày thông qua Hội nghị thư ký.

Cả UBCP và UBKTKL Trung ương đều là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Ban Chấp hành Trung ương. UBCP thực hiện PCTN trong lĩnh vực tư pháp, UBKTKL thực hiện việc bảo vệ kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. Về điều tra vụ án tham nhũng, UBKTKL Trung ương phụ trách các vụ án đi trái với kỷ luật, kỷ cương của Đảng. Khi phát hiện đối tượng vi phạm kỷ luật đảng liên quan đến hình sự (tham nhũng, chức vụ, lạm quyền...) UBKTKL Trung ương thực hiện điều tra ban đầu và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao để tiếp tục điều tra, truy tố.

Đối với những vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, giao UBCP chỉ đạo điều tra, xử lý. Sau khi UBKTKL Trung ương bàn giao đối tượng cho cơ quan Tư pháp, UBCP điều phối, phối hợp điều tra, truy tố, xét xử. Ví dụ: Vụ án Bạc Hy Lai do UBCP chủ trì, điều phối các cơ quan tư pháp trong toàn bộ công tác điều tra, truy tố, xét xử.

1 tháng phạt gần 6.000 quan chức lãng phí ngân sách

Chỉ tính riêng trong tháng 4/2018 đã có gần 6.000 quan chức Trung Quốc bị phạt hành chính vì vi phạm các quy định về tiết kiệm, chống lãng phí. Chiếm số lượng lớn nhất trong các vi phạm là hành vi nhận trợ cấp hoặc các khoản tiền thưởng trái phép, tiếp đến là tặng quà hoặc nhận quà tặng và tiền mặt trái phép, sử dụng xe công vụ sai mục đích, lạm dụng ngân quỹ vào các cuộc tiệc tùng.

Tổng cộng, trong vòng 4 tháng đầu năm 2018, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc đã xét hơn 14.000 trường hợp, xử phạt 19.900 quan chức ở những cấp độ khác nhau.

Hồi đầu tháng 12.2012, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua “8 quy tắc” hành vi đạo đức đối với các đảng viên, hướng tới loại bỏ tệ quan liêu, lãng phí và hành vi không đúng mực tại cơ quan.

Đ. Quốc

TS. Phan Văn Tâm

Theo Báo Đại biểu Nhân dân

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/the-gioi/chien-dich-chong-tham-nhung-cua-trung-quoc-hai-uy-ban-quan-trong-18522.html