Chiến địa Bạch Đằng năm 1288, hai vua Trần bắt sống Ô Mã Nhi

Mỗi lần giặc phương Bắc dẫn thủy quân qua Bạch Đằng giang, chúng lại đón nhận kết cục thảm hại. Về phía ta, trận Bạch Đằng giang năm 1288 quyết định thắng lợi trước giặc Nguyên.

Dạo đi sứ sang Trung Hoa, Thám hoa Giang Văn Minh đã có câu đối thể hiện sức mạnh nước nhà khi dõng dạc giữa triều đình phương Bắc: “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng” - Sông Bạch Đằng từ xưa máu vẫn đỏ. Câu đối chan chát ấy làm vua quan Trung Hoa nghe xong phải tím tái mặt nhục nhã khi đường đường là cường quốc mà mỗi khi đem quân xâm lấn nước Nam, phần nhiều thất trận.

Lời đối trên, nhắc tới những thất bại đau đớn, nhục nhã của kẻ thù phương Bắc mà trên dòng sông Bạch Đằng năm 938 và 1288, cũng là chiến công đã đi vào lịch sử nước Nam là những trận đánh tiêu biểu cho tài quân sự, sự đoàn kết nhất trí chống kẻ thù xâm lăng.

Quân Nguyên lần thứ ba thất bại

Với trận Bạch Đằng giang năm 1288, lời Trương Hán Siêu trong Bạch Đằng giang phú đã hồi tưởng:

Đây là chiến địa buổi trùng hưng nhị thánh bắt Ô Mã,

Cũng là bãi đất xưa, thuở trước Ngô chúa phá Hoằng Thao.

Viết về cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược lần thứ ba, Đại Nam quốc sử diễn ca không bỏ qua sự kiện Bạch Đằng giang, đã ghi rằng:

Bạch Đằng một cõi chiến trường,

Xương bày trắng đất, máu màng đỏ sông.

 Trương Hán Siêu, tác giả bài "Bạch Đằng giang phú".

Trương Hán Siêu, tác giả bài "Bạch Đằng giang phú".

Thất bại trong hai lần xâm lược Đại Việt năm 1258 và 1285, vua Nguyên Hốt Tất Liệt không từ bỏ mộng bành trướng về Nam, cuộc xâm lược lần thứ ba được tiến hành. Tháng 2 năm Đinh Hợi (1287), lực lượng quân thủy, bộ hùng hậu của nhà Nguyên do Thái tử Thoát Hoan cầm đầu tiến sang nước ta.

Nhà Trần, với kinh nghiệm và khí thế của hai lần đại thắng trước đây, đã sẵn sàng đương đầu với giặc. Và đúng như lời của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn với vua Trần “Năm nay thế giặc nhàn”, đã báo trước một thắng lợi tất yếu cho cuộc chiến tranh chính nghĩa của quân dân nhà Trần.

Với chiến thắng Vân Đồn của Trần Khánh Dư, quân Nguyên mất nguồn lương thực tiếp tế, lại bị quan quân nhà Trần vây đánh, thêm dịch bệnh hoành hành nên phải rút quân khỏi Đại Việt, chấp nhận thất bại thêm lần nữa.

Nhưng, cuộc trở về của quân Nguyên không toàn vẹn, quân Trần đã đón tiếp nói lời chào giã biệt kẻ cướp bằng chiến thắng Bạch Đằng vang dội năm Mậu Tý (1288). Trong khi Thoát Hoan cùng quân bộ rút qua đường Lạng Sơn, bị quân ta tập kích, phải mở đường máu mà rút, thì ở Bạch Đằng…

Bạch Đằng giang Ô Mã Nhi thất trận

Theo ghi chép trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Hưng Đạo Đại vương “trước hết cho người đóng cọc gỗ ở sông Bạch Đằng, lấy cỏ phủ lên đầu cọc, sẵn sàng chờ đợi”. Quân thủy nhà Nguyên do Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp chỉ huy rút theo hướng Bạch Đằng về nước, nhưng chúng không biết số phận của mình giống với Hoằng Thao xưa.

“Hôm ấy, nhân lúc nước triều lên, Vương [Trần Quốc Tuấn] cho quân khiêu chiến rồi giả cách thua chạy, bọn giặc đuổi theo, quân ta cố sức đánh lại. Nước triều xuống, thuyền giặc vướng cọc hết. Nguyễn Khoái chỉ huy quân Thánh dực dũng nghĩa đánh nhau với giặc, bắt sống Bình chương Áo Lỗ Xích. Hai vua đem quân tiếp đến, tung quân đánh lớn, quân Nguyên chết đuối nhiều không kể xiết, nước sông do vậy đỏ ngầu cả.

Đến khi Văn Hổ tới quân mai phục hai bên bờ hăng hái xông ra đánh, lại đánh bại chúng. Nước triều rút nhanh, thuyền lương của Văn Hổ mắc trên cọc, nghiêng đắm gần hết. Quân Nguyên chết đuối rất nhiều. Bắt được 400 chiếc thuyền. Nội Minh tự Đỗ Hành bắt được Ô Mã Nhi và Tích Lê Cơ Ngọc dâng lên thượng hoàng”.

Ấy là những ghi chép trong Đại Việt sử ký tiền biên. Sử sách đời sau như Cương mục hay đầu thế kỷ 20 là Việt Nam sử lược, Quốc sử huấn mông cũng có những tường thuật tương tự.

Tranh dân gian thể hiện Quốc công Tiết chế Hưng Đạo đại vương đại phá quân Nguyên.

Còn sử phương Bắc, đặc biệt là Nguyên sử khi chép tới chiến bại lần thứ ba xâm lược, lờ hẳn đi thất bại nhục nhã nơi Bạch Đằng giang, chỉ để vài dòng “Sai Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp đem quân thủy về trước, còn Trình Bằng Phi, Tháp Xuất đem quân hộ tống. Tháng ba, Trấn Nam vương đem hết các quân về”. Theo sử cũ, trận Bạch Đằng diễn ra ngày mùng 8 tháng 3 của năm Mậu Tý (1288).

Với chiến thắng Bạch Đằng, quân dân nhà Trần đã hoàn thành công cuộc kháng chiến chống Nguyên xâm lược lần thứ ba, một lần nữa ghi vào lịch sử quân sự Việt Nam như một vũ công hiển hách, để Bạch Đằng mãi ghi dấu ấn là nơi giặc đến, giặc tan.

Bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ thuộc xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng được khai quật cuối năm 2019.

Trận Bạch Đằng ngày 8 tháng 3 năm ấy, cũng là tiêu biểu cho kháng chiến chống Nguyên lần thứ ba mà muôn đời sau sử sách mãi còn ghi. Và nơi những ngọn sóng bạc đầu của dòng sông Rừng đuổi nhau chảy ra biển lớn, lịch sử vẫn ngưng đọng những chiến công, như Việt sử mông học có ghi:

Bạch Đằng muôn lớp sóng,

Quân giặc thua tơi bời.

Cái nghĩa đại nghĩa thắng hung tàn, chí nhân thay cường bạo rõ là hiển hiện nơi này, mà lời Bạch Đằng giang phú còn để lại:

Sông Đằng một dải dài ghê,

Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông.

Những người bất nghĩa tiêu vong,

Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh!

Trần Đình Ba

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chien-dia-bach-dang-nam-1288-hai-vua-tran-bat-song-o-ma-nhi-post1071920.html