Chiến đấu trên đất lửa Đường vào khu bốn

Đối với tôi, thông báo về việc sang Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực là bất ngờ, tuy rằng thông tin về những sự kiện xảy ra bên đó khá là nhiều, trong đó có tin chuyên gia quân sự Liên Xô đã đến đất nước hữu nghị đó tham chiến với máy bay Mỹ.

Ảnh tư liệu do tác giả cung cấp.

Đấy là cuối tháng tám 1966, đúng một ngày sau khi tôi trở về từ thao trường, nơi cùng tiểu đoàn tên lửa phòng không tham gia bắn tập và được điểm “xuất sắc”.

Sau gần một tháng tắm mình trong cát bụi miền Trung Á, mệt rũ bởi nắng nóng nhưng đầy cao hứng, tôi (đang còn chưa vợ) được chỉ huy tiểu đoàn cho mấy ngày tự do, vào thành phố nghỉ ngơi và gặp bạn bè. Buổi chiều ấy thật đẹp, ca nhạc và rượu vang, vừa sắp xong bữa tối thì thủ trưởng trực tiếp bất ngờ xuất hiện và thông báo rằng tôi có lệnh gọi đột xuất lên Sở chỉ huy trung đoàn vì một việc rất quan trọng. Hóa ra đó là lệnh cử tôi cùng đoàn chuyên gia quân sự Xô viết sang Việt Nam vào tháng 10/1966.

Chuyến Il-18 bay qua lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với một vài điểm trung chuyển hóa ra không đơn giản. Máy bay đáp xuống sân bay Gia Lâm gần Hà Nội vào tối khuya. Tất cả đều căng thẳng, dẫu sao cũng là lần đầu tiên của phần lớn những người vừa đặt chân đến vùng đất binh lửa này. Những ánh chớp trên nền trời tối và tiếng bom dội về gần đó. Từ sân bay sang Hà Nội, chúng tôi ngồi trong xe bus, đèn chỉ bật sáng chỗ bánh xe, bằng cách đó chúng tôi đi trên đất Việt Nam trong suốt thời hạn công vụ của mình – đó là một năm.

Sau một thời gian không lâu, liên quan đến quyết định về tổ chức ở Hà Nội, tôi vào tổ tám người do tổ trưởng là đại tá Vasily Grigorievich Baikov – người từng tham gia chiến tranh Vệ quốc vĩ đại – đi vào phía nam, tỉnh Nghệ An, trong vùng kiểm soát của trung đoàn phòng không 238 Quân đội Nhân dân Việt Nam - để thay thế những đồng chí đã “hết hạn”. Đi hết hai ngày hai đêm, trong chuyến đó, chúng tôi rơi vào hàng loạt hoàn cảnh không báo trước, nhưng rồi về sau với chúng tôi cũng trở nên bình thường. Ví dụ, đêm đầu tiên chúng tôi bất ngờ gặp một ngáng chắn bằng nước, ở chỗ cắt ngang đường là một dòng suối nhỏ (ở Việt Nam có hàng nghìn suối như thế), do mưa lũ vùng nhiệt đới đã hóa thành sông rộng đến năm chục mét, sâu đến một mét rưỡi. Tình thế buộc chúng tôi phải cởi hết quần áo, buộc lên đầu, rồi khiêng bằng tay hai chiếc xe GAZ-69 sản xuất tại Liên Xô sang bờ bên kia tiếp tục hành trình.

Đêm thứ hai, đường núi, trước mắt chúng tôi xuất hiện một hố sâu hoắm tạo bởi quả bom mới nổ. Đường tắc, một dãy dài xe vận tải (chở hàng vào miền Nam) đứng chờ. Nông dân địa phương đến giúp chúng tôi quả là đã tạo nên điều kỳ diệu. Trời tối om, không có chiếu sáng và không có thiết bị kỹ thuật đặc biệt của ngành giao thông (chỉ sử dụng gạch đá, cuốc xẻng và quang gánh) nhưng trong thời gian tương đối ngắn đã thông đường và xe tiếp tục chuyển động.

Đến nơi, chúng tôi gặp hai chuyên gia Xô viết từ nhóm chuyên gia đợt trước ở lại và cùng chúng tôi tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao. Đó là kỹ sư trưởng của Trung đoàn, trung tá Viktor Zabelnikov và thượng úy bác sĩ quân y Vitaly Tsurikov. Sau khi làm quen với bạn chiến đấu và các nhân viên Việt Nam phục vụ, chúng tôi về căn lán ở cuối làng dựng riêng cho chuyên gia, làm bằng tranh tre nứa lá. Trong lãnh thổ của tiểu thành phố đó người ta đã đào sẵn hầm hào tránh bom, song những công trình ấy, phần vì kém độ vững chãi, phần bên trong ẩm ướt và có lắm thứ côn trùng, rắn rết, nên trên thực tế chúng tôi ít dùng.

Chỗ ở của chúng tôi cực kỳ đơn giản: 3-4 chiếc giường có cọc màn, bàn ghế, còn tất cả tiện nghi khác thì ở ngoài. Nguồn sáng chủ yếu là đèn pin cá nhân.

Ở vùng đất lửa

Chúng tôi không để ý nhiều đến những chuyện đó và bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ chính. Sau thời gian ổn định chỗ ở và nghỉ ngơi ngắn ngủi, chúng tôi gặp gỡ chỉ huy trung đoàn tên lửa 238 và các chỉ huy tiểu đoàn cao xạ, nhận định tình hình trong vùng hỏa lực của trung đoàn, tiếp nhận thông tin về hiện trạng của khí tài và xác định nhiệm vụ trước trung đoàn. Thời gian đó ở trung đoàn 238 chỉ huy trưởng là đại tá Hội, phó của ông là thiếu tá Cảnh, kỹ sư trưởng là thiếu tá Ngọc, cả ba đều là những chỉ huy đã qua đào tạo chuyên nghiệp, có kinh nghiệm chiến đấu chống không kích của giặc Mỹ.

Đặc điểm của trung đoàn 238, nơi tổ chuyên gia chúng tôi đến, là nó một mình ở phía nam thuộc hệ thống phòng không của Quân đội Nhân dân Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình mà không có sự che chở của các phương tiện khác (pháo cao xạ, máy bay). Cho nên để tránh tổn thất, mỗi đơn vị chiến đấu của nó (các tiểu đoàn tên lửa phòng không) buộc phải di chuyển trận địa ngay sau khi phát hỏa. Tất cả các hoạt động của tiểu đoàn được thực hiện trong điều kiện ngụy trang nghiêm ngặt, di chuyển từ trận địa này sang trận địa khác vào ban đêm. Rút vào trong rừng, ở đấy đã bày sẵn trận địa, và... thiếp đi. Trong vòng vài hôm, chỉ huy trung đoàn và các tiểu đoàn (phối hợp với các chuyên gia quân sự Xô viết) nghiên cứu tình hình, lịch trình, các cách bay lượn của máy bay Mỹ và chỉ sau đó mới dùng hỏa lực phòng không để tiêu diệt địch, tức là các tiểu đoàn dùng phương pháp “mai phục”.

Cùng với các tiểu đoàn, tổ chúng tôi chuyển quân về phía nam.

Rất khó khăn chúng tôi mới quen được khí hậu nặng nề của miền nhiệt đới, khi nhiệt độ suốt ngày ở quãng từ +30 đến +40 độ, độ ẩm từ 80 đến 100%. Chúng tôi thường xuyên phải hành quân đêm qua những con đường đất nhão nhoét sau mưa, qua những sông ngòi lớn nhỏ bằng cầu, cầu phao, phà... Những chỗ qua sông, theo quy luật, có một lượng lớn ô tô và người, hàng ngày bị quân địch thả bom và rocket. Bởi vì phương tiện qua sông chỉ hoạt động về đêm, nên máy bay Mỹ thả pháo sáng để nâng cao hiệu quả của trận bom. Dưới những “hào quang” như thế chúng tôi nhiều lần mắt thấy tai nghe mọi chuyện, và chỉ có nhờ các đồng chí Việt Nam luôn luôn ưu tiên cho chuyên gia Liên Xô đi trước, chúng tôi mới tránh được sự tổn thất nghiêm trọng về người.

Làm việc trong cabine tổ hợp tên lửa phòng không rất nặng nề, nhiệt độ thường xuyên lên tới +70 độ mà cần tính toán liên tục nhiều tiếng đồng hồ, mặt mũi thân thể đầm đìa mồ hôi, quần áo chúng tôi không bao giờ khô. Phần lớn côn trùng, nhiều loài độc hại, chứa chất phosphore, từ cây cối và bụi khóm rơi vào người, bò theo thân thể, để lại những vết bỏng, mưng mủ và mất một thời gian dài không lành. Rắn ở khắp nơi, với số lượng lớn, nên chúng tôi rất ít khi dùng đến hầm hào trú ẩn đào sẵn quanh trận địa. Tình hình vệ sinh dịch tễ chỗ đóng quân khá phức tạp, nước ở sông suối ao hồ rất bẩn, chứa nhiều vi trùng gây bệnh, không thể uống, ngay cả tắm bằng thứ nước đó cũng rất nguy hiểm.

Nhiệm vụ chính của tổ chúng tôi là bảo trì tổ hợp tên lửa ở trạng thái kỹ thuật tốt nhất và thường xuyên nâng cao kỹ năng kỹ chiến thuật cho các chuyên gia của trung đoàn. Phần kỹ thuật được giải quyết bằng cách đưa chuyên gia tương ứng ra trận địa để sửa chữa hỏng hóc hoặc phối hợp với chuyên gia Việt Nam tiến hành bảo dưỡng và huấn luyện tính toán. Những chuyến đi như thế không cố định và không đếm được, sự cần thiết, tính cấp bách và bất ngờ được các chuyên gia trong tổ tiếp nhận điềm đạm, coi như bổn phận, nói theo cách ở Liên Xô là NADƠ (CẦN)! Chúng tôi đồng thời tiến hành huấn luyện chuyên gia Việt và truyền đạt kinh nghiệm thực tế. Để giải quyết phần hai của nhiệm vụ chính – huấn luyện – thì chú ý đến thời gian, phải vào lúc các đơn vị chiến đấu của trung đoàn vì lý do này khác (ví dụ, sau khi trận địa bị oanh tạc) không thể chiến đấu.

Chắn chắn rằng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, tổ chuyên gia còn gặp nhiều hoàn cảnh khác nhau do đặc điểm vùng hỏa lực của trung đoàn. Ấy là trên thực tế không ngớt máy bay trinh sát hoặc máy bay ném bom của địch, cầu qua sông (ở Việt Nam rất nhiều) bị bom ném sập, và máy bay Mỹ liên tục bắn phá các bến phà cần qua để đến trận địa (ban đêm – chúng thả pháo sáng). Ấy là còn chưa kể điều kiện khí hậu nặng nề làm hao tổn cơ thể và đôi khi cả tâm trí con người. Về điều này, tôi muốn kể một ví dụ. Để ném bom, Mỹ rất hay dùng máy bay chiến lược B-52 xuất phát từ quần đảo Guam, Okinawa và các sân bay quân sự Thái Lan. Được phủ nhiễu tích cực và bao bọc bằng các máy bay khác, B-52 với sức chở khủng 27 tấn bom nổ chậm, bom napalme và bom bi rải thảm xuống, gây nhiều thiệt hại cho Việt Nam. Do đó, Bộ tư lệnh Phòng không - Không quân cử hai tổ hợp tên lửa phòng không vào vùng phi quân sự (vĩ tuyến 17), tổ chức mật phục và tấn công bất ngờ. Để thực hiện chiến dịch đó, phải tận dụng thời kỳ ngưng chiến giữa quân đội hai bên Việt – Mỹ từ đầu tháng 2/1967 nhân dịp Tết Nguyên đán. Chính trong thời gian đó, cùng với các tiểu đoàn, tổ chuyên gia chúng tôi hành quân.

Hạ B-52 giữa khu phi quân sự

Bầu không khí nơi vĩ tuyến 17 thực sự gợi lên một vùng ven mặt trận theo đúng nghĩa của nó. Phần lớn các ngôi nhà ở đây bị phá hủy bởi những trận bom không dứt. Đa số người dân địa phương sống trong địa đạo, cùng với chúng tôi.

Trên thực tế trong mỗi gia đình (ở địa đạo, nơi chúng tôi trú quân), đều treo súng trường và lựu đạn trên vách đất. Dân tình đã sẵn sàng lao vào cuộc đấu không cân sức với quân xâm lược chiếm đóng miền Nam và có thể xông ra miền Bắc vào bất cứ thời điểm nào. Mặc dù ngưng chiến dịp Tết, trọng pháo của Mỹ tiếp tục bắn phá sang, đạn thường rít qua trên đầu chúng tôi. Cuộc chuyển quân không ngừng từ Nam ra Bắc (để nghỉ ngơi) và ngược lại (để tiếp tục chiến đấu) của các đoàn chiến sĩ quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Trên nền ấy, có cả cảnh phi công Mỹ nối thành từng vòng, cách chỗ chúng tôi chừng 5-10 km, để luyện cách ném bom trúng mục tiêu.

Sau đợt nghỉ ngắn, chúng tôi đến trận địa của tiểu đoàn tại khu phi quân sự. Trước đó, tổ hợp tên lửa phòng không đã được triển khai và ngụy trang khá kỹ. Bắt đầu chuẩn bị cặn kẽ khí tài để thực hiện trọng trách. Công việc phải làm cả ngày lẫn đêm, bởi vì thời gian ngưng chiến rất ngắn, mà nhiệm vụ đề ra đòi hỏi các tiểu đoàn phải sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trước khi hết hạn ngưng chiến. Nhờ nỗ lực chung của các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam, tất cả công việc chuẩn bị chiến đấu được thực hiện đúng hạn, các thông số của tổ hợp tên lửa phòng không đều đạt chuẩn.

Cũng cần nhấn mạnh, các đồng chí Việt Nam rất trân trọng chuyên gia Liên Xô và trong lúc nguy nan họ dồn hết sức để giữ gìn tính mạng cho chúng tôi. Về việc này, đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lệnh, điều đó thể hiện rõ trong hoàn cảnh mà chúng tôi đang ở. Hết thời gian ngưng chiến, tổ hợp tên lửa phòng không đã sẵn sàng vào trận, Quân đội Nhân dân Việt Nam đề nghị chúng tôi rút khỏi khu vực để tránh nguy hiểm. Thấy lãnh đạo tổ chuyên gia cố gắng phản đối ý kiến đó, chỉ huy trung đoàn lịch thiệp tuyên bố: “Phần việc của các đồng chí đã xong, chúng tôi sẽ hoàn thành nốt phần còn lại. Chúng tôi có trách nhiệm với tính mạng của từng đồng chí”.

Sự quan tâm, chú ý tương tự được dành cho chúng tôi cả trong thời gian địch oanh tạc trận địa, cả trong lúc chuyển quân và những hoàn cảnh nguy hiểm khác. Về chuyện nguy hiểm rình rập từng bước đi, chúng tôi còn nghiệm ra khi đã rút khỏi khu bốn.

Chúng tôi rút đi khi đã hết hạn ngừng chiến, Mỹ ném bom tăng cường hơn. Chuyến đi rất là phức tạp, vào ban đêm, mặt đất và bầu trời rung chuyển bởi tiếng bom, pháo sáng treo khắp nơi. Xe đi chậm, chúng tôi thường phải dừng lại nấp dưới tán lá hoặc nép mình vào hầm hào. Vượt qua đoạn đường bị bom, chúng tôi nghĩ hiểm nguy đã ở đằng sau. Nhưng...

Rất khuya chúng tôi mới đến một bờ sông rộng chừng 500-600 mét, xung quanh im ắng, có lẽ các chiến sĩ đã rút vào nghỉ ngơi, và chúng tôi nhanh chóng lên phà, vượt qua sông nước. Các đồng chí Việt Nam xếp chúng tôi trú quân ở một làng ven sông, ngủ trên chiếu. Sau chặng đường âu lo, giấc ngủ bất an, sáng ra, dân địa phương cho chúng tôi biết: chiếc phà chở chúng tôi đêm qua đã bị nổ tung bởi thủy lôi, thứ bọn Mỹ bắt đầu thả ở những khúc sông lớn có nhiều xe qua lại. Hóa ra, vụ nổ phà diễn ra sau chúng tôi đúng một chuyến, thành ra lần này chúng tôi gặp may.

Rời “địa chỉ thường trú” được một thời gian, chúng tôi nhận tin bộ đội trung đoàn tên lửa phòng không 238 đã bắn hạ những chiếc máy bay ném bom chiến lược B-52 tại vĩ tuyến 17. Những “pháo đài bay” đầu tiên chịu thất bại sau khi Mỹ ném bom hàng loạt lãnh thổ Việt Nam. Chi tiết sự kiện đó như sau...

Ngụy trang tốt, hoàn toàn giữ chế độ im lặng không phát sóng, các tiểu đoàn mật phục. Bọn phi công Mỹ tin là mình sẽ không bị trừng phạt, bèn dùng ba chiếc B-52 oanh tạc vào các mục tiêu ở gần vĩ tuyến 17 và lập tức bị trả giá – hai B-52 bị hạ bởi ba quả tên lửa, một rơi vào dãy núi bên Lào, chiếc thứ hai rơi xuống biển, còn chiếc thứ ba vội lỉnh mất.

Chắc chắn, vai trò lớn trong thành công đó là yếu tố bất ngờ – mật phục, và kỹ thuật không tồi. Thành công đó là kết quả nỗ lực chung của các chuyên gia quân sự Liên Xô và Việt Nam.

Rất tiếc, tổ hợp tên lửa đã không tránh khỏi tổn thất. Trên thực tế – bọn Mỹ không thể bình tĩnh cam chịu thất bại - những máy bay hộ tống đã bắn phá, gây mất mát lớn trong đội ngũ các tiểu đoàn tên lửa phòng không.

***

Tôi muốn dành những lời tốt đẹp cho các thành viên tổ chuyên gia quân sự Liên Xô ở Việt Nam. Đó là:

Chỉ huy trung đoàn, đại tá Vasily Grigorievich Baikov;

Kỹ sư trưởng trung đoàn, trung tá Viktor Zabelnikov;

Kỹ sư trưởng trung đoàn, trung tá Yuri Mensych;

Trưởng phòng thực hiện nhiệm vụ sĩ quan điều khiển, đại úy Yuri Karataev;

Kỹ thuật cabine “P”, thượng úy Vasily Igrevski;

Kỹ thuật SVK, thượng úy Alexandr Popadenko;

Kỹ thuật RPK, thượng úy Vladimir Pasko;

Chỉ huy đơn vị phóng, trung úy Ivan Morozov;

Chỉ huy đơn vị trinh sát, thượng úy Yuri Zhdanov;

Bác sĩ quân y, thượng úy Vitaly Tsurikov;

Bác sĩ quân y đại úy Vladimir Kokarev;

và ghi nhận thiện ý, tinh thần giúp đỡ lẫn nhau trong những hoàn cảnh phức tạp, những điều kiện nặng nề mà chúng tôi từng gặp và cùng vượt qua khi thực hiện nghĩa vụ quốc tế bảo vệ nhân dân Việt Nam anh em.

Tôi rời Việt Nam về nước vào đầu tháng 10/1967, chuyến đi không hề đơn giản: các chuyên gia quân sự Liên Xô về nước thành từng nhóm nhỏ, không phải chuyến bay đặc biệt, mà là chuyến bay thông thường Hà Nội – Bắc Kinh và Bắc Kinh – Moskva với nhiều lần dừng để chuyển tiếp và chậm giờ. Đặc biệt ở Trung Quốc, chúng tôi còn phải dừng lại qua đêm.

Rốt lại, trong thời gian làm chuyên gia quân sự Liên Xô tham chiến ở Việt Nam, chúng tôi đã tích cóp được kinh nghiệm đáng kể về ứng dụng trong chiến đấu những phương tiện phát sóng, cách sử dụng chúng trong những điều kiện nhiệt đới cực đoan. Những kinh nghiệm đó được áp dụng sau khi chúng tôi trở về từ Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển và hoàn thiện hỏa lực của quân chủng tên lửa phòng không đất nước.

* Dmitri Danilovich Voitko sinh ngày 1/11/1942 tại Vinnitsia nay thuộc Ukraina. Ông là người theo đạo, ngoài đảng, hiện là thành viên Tổ chức xã hội liên vùng Cựu chiến binh ở Việt Nam và Cựu chiến binh toàn Liên bang Nga “Chiến hữu”.

Học tại trường thông tin liên lạc quân sự Zhitomir (1960-1963), ra làm Trưởng kỹ thuật rồi Trưởng phòng trung đoàn tên lửa phòng không, 3 lần tham gia bắn tại thao trường phía nam (1963-1970). Tham chiến tại Việt Nam (1966-1967).

Học viên Học viện Thông tin liên lạc mang tên nguyên soái L. A. Govorov tại thành phố Kharkov (1970-1974), ra làm phó, rồi nghiên cứu viên chính, phụ trách phòng thí nghiệm, trưởng phòng, đại tá, phó tiến sĩ, phó giáo sư (1974-1996). Hoàn thành sự nghiệp quân nhân, ông làm việc với nhiều cương vị khác nhau ở Bộ Tài chính Liên bang Nga (1996-2009).

Được nhà nước CCCP, Liên bang Nga tặng thưởng huân chương Cờ Đỏ, 12 huy chương, huy hiệu “Chiến sĩ quốc tế” và huy chương Hữu nghị của Việt Nam.

Đại tá Dmitri Voitko
(Nguyễn Đăng chuyển ngữ)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/chien-dau-tren-dat-lua-duong-vao-khu-bon-tintuc416063