Chiến đấu cơ Rafale Pháp tới Việt Nam, động thái nhỏ, tín hiệu lớn?

Ba chiến đấu cơ Rafale cùng các máy bay khác của không quân Pháp sẽ đến Việt Nam vào cuối tháng này trong chiến dịch PEGASE. Đây là dịp hiếm có để Pháp giới thiệu tính năng chiến đấu đỉnh cao của loại vũ khí này.

Pháp cho biết tới đây vào ngày 26 - 29 tháng 8, họ sẽ triển khai đội hình bay gồm ba chiến đấu cơ Rafale, một máy bay vận tải A400M, một máy bay tiếp vận C-135 và một máy bay A310 ghé thăm Việt Nam.

Phía Pháp dự kiến gặp các cơ quan địa phương, họp đội hình bay, bay trình diễn và đón tiếp công chúng.

Các thành viên đội bay của Pháp và Việt Nam cũng có kế hoạch gặp gỡ, theo Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam.

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ chiến dịch PEGASE (Triển khai Đội hình không quân Tầm cỡ tại Đông Nam Á) ở châu Á – Thái Bình Dương, diễn ra sau đợt diễn tập Pitch-Black ngày 27-7 tới ngày 17-8 của Pháp tại Australia.

Ngoài Việt Nam, không quân Pháp còn ghé thăm Indonesia, Malaysia, Singapore và Ấn Độ. Pháp huy động đến 100 thành viên đội bay cho chiến dịch, được dẫn đầu bởi tướng Patrick Charaix.

Đây là lần đầu tiên đội hình máy bay này của Pháp đến Việt Nam, diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ đối tác chiến lược.

Chiến dịch này nhằm góp phần tăng cường sự hiện diện của Pháp tại khu vực có lợi ích chiến lược và làm sâu sắc thêm mối quan hệ của Pháp với các đối tác chiến lược chính trong khu vực.

Ngoài ra, chiến dịch cũng nhằm duy trì và phát huy năng lực của không quân Pháp, đồng thời giới thiệu tính năng của một số dòng máy bay đỉnh cao của nước này trong đó có tiêm kích Rafale.

Việc chiến đấu cơ Rafale lần đầu tới Việt Nam có thể mở ra cơ hội cho dòng máy bay này tiếp cận thị trường khu vực Đông Nam Á.

Giới quan sát cho rằng rất có thể trong tương lai Việt Nam sẽ mua thêm vũ khí phương Tây bên cạnh vũ khí của Nga và một trong những loại chiến đấu cơ đó chính là tiêm kích Rafale.

Trong quá khứ Việt Nam từng có hợp đồng mua chiến đấu cơ Mirage-2000 của Pháp. Tuy nhiên dưới sức ép của Mỹ thương vụ này đã bị hủy bỏ.

Tiêm kích Rafale từng nhiều lần được đồn đoán là ứng cử viên để thay thế tiêm kích MiG-21 đã nghỉ hưu.

Được coi là nét tinh hoa của người Pháp, Dassault Rafale là một máy bay chiến đấu đa nhiệm vụ, cánh tam giác hai động cơ rất linh hoạt và hiệu quả trong việc tấn công đối phương.

Năng lực chiến đấu của loại chiến đấu cơ này được xếp cùng nhóm với Typhoon EF-2000, F-15 và cả Su-35 của Nga.

Loại máy bay này có khả năng hoạt động rất tốt ở độ cao thấp, diện tích phản xạ radar hiệu dụng nhỏ khiến máy bay khó bị phát hiện từ phía chính diện - tính năng này tương đương Super Hornet và kém chút ít so với F-22 Raptor.

Lần đầu tiên trong lịch sử hàng không, Rafale mang một hệ thống điện tử tích hợp được đặt tên SPECTRA với tính năng tàng hình dựa trên kỹ thuật phần mềm ảo.

Thành phần nòng cốt và quan trọng nhất chính là radar quét điện tử đa phương thức Thales RBE2.

Thales tuyên bố, đã đạt tới một mức độ nhận thức tình huống cao nhất từ trước tới nay thông qua việc thám sát và theo dõi sớm nhiều mục tiêu trên không cho cận chiến và can thiệp tầm xa.

Các bản đồ ba chiều thời gian thực cho việc theo dõi mặt đất, và các bản đồ thời gian thực độ phân giải cao mặt đất cho hoa tiêu và ngắm mục tiêu.

Trong những trường hợp cần sự điều khiển, Rafale có thể sử dụng nhiều hệ thống cảm biến thụ động như: hệ thống cảm biến điện quang học (electro optical system) phía trước (front-sector) hay Optroniques Secteur Frontal (OSF).

Tất cả những hệ thống này đều do Thales phát triển, hoàn toàn được tích hợp bên trong máy bay và có thể hoạt động cả ở tầm sóng nhìn thấy được và sóng hồng ngoại.

Hệ thống chiến tranh điện tử SPECTRA, được hợp tác phát triển giữa Thales và EADS France, khiến chiếc máy bay có khả năng tồn tại cao nhất trước những mối đe dọa từ trên không và dưới mặt đất.

Các đường nối dữ liệu thời gian thực cho phép máy bay không chỉ liên lạc với các máy bay khác, mà còn với các trung tâm chỉ huy và điều khiển cố định, di động dưới mặt đất

Đặc biệt, tuy là máy bay hạng trung nhưng Rafale lại mang được số lượng vũ khí lên tới 9,5 tấn, nhiều hơn cả máy bay tiêm kích hạng nặng Su-35 của Nga vốn chỉ mang được 8 tấn.

Các vũ khí Rafale trang bị khá đa dạng từ pháo bắn nhanh, các loại tên lửa đối không, đối đất và cả đối hạm.

Ngoài ra Rafale còn có thể mang được các loại bom thông minh có thể tấn công mục tiêu với độ chính xác cực cao. Với những tính năng ấn tượng kể trên, Rafale là đối thủ trực tiếp của Su-35 trên thị trường xuất khẩu.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-chien-dau-co-rafale-phap-toi-viet-nam-dong-thai-nho-tin-hieu-lon/778084.antd