Chiến đấu cơ NATO 'vô tình' gây hành động 'khủng khiếp' ngay sát sườn Nga

Chiến đấu cơ Tây Ban Nha đã phóng nhầm tên lửa trong một chuyến bay huấn luyện ngay sát sườn Nga. Thủ tướng Estonia Juri Ratas miêu tả vụ việc là 'khủng khiếp'.

Vụ phóng nhầm tên lửa kinh hoàng

Theo RT, các chiến đấu cơ Tây Ban Nha tham gia nhiệm vụ kiểm soát trên không của không quân NATO ở Estonia đã tạm thời bị đình chỉ nhiệm vụ sau khi một phi công phóng nhầm tên lửa trong một chuyến bay huấn luyện.

Cụ thể khi 2 tiêm kích của Tây Ban Nha là Eurofighter Typhoon 2000 và 2 tiêm kích Mirage 2000 của Pháp tham gia huấn luyện ở phía Tây Nam Estonia trong ngày 7/8 thì xảy ra sự việc một trong các tiêm kích của Tây Ban Nha vô tình phóng nhầm tên lửa.

Thông tin trên được bộ Quốc phòng Tây Ban Nha chia sẻ trong một thông cáo đồng thời nói thêm rằng tên lửa được bắn ra “không trúng bất cứ máy bay nào".

Chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon EF2000 của Tây Ban Nha.

Sau sự cố, tất cả các chiến đấu cơ an toàn trở lại căn cứ không quân Saiuliai ở Lithuania. Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha cũng mở một cuộc điều tra về vụ việc.

Trong khi đó, chính quyền Estonia quyết định cấm máy bay Tây Ban Nha tham gia vào các nhiệm vụ kiểm soát trên không trên lãnh thổ nước này trong một thời gian.

"Tôi đã ra lệnh đình chỉ tất cả các xuất kích quân sự (của các máy bay Tây Ban Nha) cho đến khi tình hình được giải quyết", Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Juri Luik cho hay.

Người đứng đầu quân đội Estonia cũng nói thêm, nhiệm vụ trên không của NATO sẽ tiếp tục. Không quân Bồ Đào Nha sẽ thay vị trí của không quân Tây Ban Nha trong thời gian này.

"Điều quan trọng nhất là đảm bảo an toàn và tìm hiểu những gì đã xảy ra, cùng với các đồng minh của chúng tôi", ông Luik cho biết. Tên lửa bị bắn nhầm đi đáng ra phải tự hủy nhưng rõ ràng chuyện đó đã không xảy ra.

Theo truyền thông Estonia, tên lửa phóng từ chiến đấu cơ của Tây Ban Nha là tên lửa không đối không AMRAAM với tầm bắn 100 km, có đầu đạn chứa tới 10kg chất nổ. Tên lửa này được cho là đã rơi xuống mặt đất cách thành phố Tartu của Estonia 40km về phía Bắc.

Lực lượng Không quân Estonia tối qua đã mở một chiến dịch tìm kiếm. Giới chức Estonia cũng đề nghị các địa phương cảnh giác và thông báo với quân đội hoặc các cơ quan khẩn cấp trong trường hợp phát hiện ra tên lửa hoặc các bộ phận của nó.

Thủ tướng Estonia Juri Ratas miêu tả vụ việc là “khủng khiếp” và “đáng tiếc”. Tuy nhiên, ông này vẫn ca ngợi hoạt động giám sát bầu trời của NATO “là rất quan trọng và cần thiết cho việc đảm bảo an ninh của Estonia”.

Estonia cùng với các nước Baltic và Ba Lan trong thời gian qua liên tục kêu gọi NATO đưa lực lượng quân sự vào khu vực với lý do là để chống lại mối đe dọa từ Nga.

Căng thẳng leo thang?

Cuộc đối đầu Nga-NATO hiện đang trong giai đoạn leo thang lớn nhất như thời Chiến tranh Lạnh. Tại hội đồng an ninh Liên bang Nga năm ngoái khi đề cập đến việc mở rộng về sườn Đông của NATO, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố: Liên minh không ngừng nỗ lực khiêu khích Nga, tìm cách lôi kéo Moscow vào một cuộc đối đầu và luôn cố gắng can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước.

Cờ Gruzia và cờ Mỹ trong một cuộc tập trận quân sự chung giữa Gruzia và các nước NATO.

Tổng thống Vladimir Putin cho biết, việc khối quân sự phương Tây này mở rộng vốn đã có từ trước, nhưng giờ đây các nước thành viên đã tìm được mục đích lớn hơn cho việc mở rộng của mình.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev mới đây cũng cảnh báo, các năng lực quân sự của NATO, bao gồm cả năng lực hạt nhân, đều đang nhằm vào nước Nga.

“Bất kể chúng tôi nói gì, NATO vẫn luôn coi Nga là đối thủ tiềm năng. Và rõ ràng, sức mạnh quân sự của họ, bao gồm cả bộ ba hạt nhân đều đang chĩa về Nga", ông Medvedev nói trong cuộc phỏng vấn với tờ Kommersant.

Nhận định trên còn liên quan tới cả những vũ khí phi hạt nhân và lực lượng chiến thuật hạt nhân của NATO - một khi chúng bắt đầu đóng vai trò vũ khí chiến lược sau khi được triển khai gần với các biên giới của Nga, ông Medvedev cho biết thêm.

Những năng lực quân sự này có thể gây ra những thiệt hại “kinh khủng”, vì vậy nước Nga cần phải hiểu rõ cách đối phó với mọi mối đe dọa có thể xảy đến, Thủ tướng Nga nhận định.

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/chien-dau-co-nato-vo-tinh-gay-hanh-dong-khung-khiep-sat-nga-a381113.html