Chiến công của những người lính 'áo gấm đi đêm'

Sở dĩ gọi cán bộ, chiến sĩ Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Trung, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP là 'áo gấm đi đêm' bởi mặc dù đã xác lập và phá thành công hàng trăm chuyên án liên quan đến tội phạm ma túy, mua bán người, buôn lậu và gian lận thương mại, nhưng tuyệt nhiên không ai xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thậm chí, người thân cũng chỉ biết 'đi công tác' chứ ít ai biết được vinh quang cũng như những hiểm nguy mà các anh phải đối mặt.

Bài 1: Triệt phá các chuyên án ma túy “khủng”

Bài 2: Không lùi bước trước hiểm nguy

Gắn với nhiệm vụ đấu tranh với các loại tội phạm đầy nguy hiểm, nhưng những người lính Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Trung (Đoàn 2), Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP lại không bao giờ lùi bước và luôn tìm thấy “niềm vui” trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Bởi vậy, trong mỗi câu chuyện về những người lính đặc nhiệm đều mang bóng dáng của niềm đam mê, sự can trường và lòng quyết tâm.

Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP thăm và làm việc với Đoàn 2, tháng 7-2018. Ảnh: Trúc Hà

Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP thăm và làm việc với Đoàn 2, tháng 7-2018. Ảnh: Trúc Hà

Thượng tá Nguyễn Thanh Bình, Phó Đoàn trường Đoàn 2 có hơn 20 năm công tác cũng là bấy nhiêu năm anh thực hiện nhiệm vụ đấu tranh với các tội phạm. Hơn 10 năm làm Đội trưởng Đội phòng, chống ma túy, Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Nam, anh là khắc tinh của tội phạm ma túy và số lượng ma túy thu giữ trong các chuyên án, vụ án mà anh tham gia gấp đôi trọng lượng cơ thể của anh - người đàn ông nặng gần 70kg. Chúng tôi khá bất ngờ khi biết Thượng tá Nguyễn Thanh Bình là em trai của Thiếu tướng Nguyễn Sinh Xô, nguyên Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP, thủ trưởng của những chuyên án ma túy gây chấn động một thời. Thượng tá Bình thừa nhận, sự nổi tiếng của người anh trai Nguyễn Sinh Xô tạo nên một cái bóng lớn trong anh. Tuy vậy, sự tâm huyết với nghề của Thượng tá Bình khiến ai cũng phải ghi nhận. Ngay cả khi giữ chức vụ Phó Đoàn trưởng Đoàn 2, Thượng tá Bình vẫn luôn cùng đồng đội lăn lộn khắp các địa bàn, trực tiếp tham gia đánh án.

Đối với tội phạm ma túy, chúng luôn xác định, nếu vận chuyển ma túy với số lượng lớn khi bị bắt sẽ đối diện với án tử hình. Thế nên, mỗi chuyến “đi hàng” chúng thường mang theo vũ khí nóng sẵn sàng chống lại lực lượng chức năng khi bị phát hiện, vây bắt. Thượng tá Bình vẫn nói với cánh lính trẻ rằng, làm lính đặc nhiệm đánh ma túy, ngoài việc can đảm ra thì còn phải xác định “mang tiền túi ra làm”. Có những chuyên án lần theo dấu vết tội phạm mất gần 3 năm trời, cứ ngược xuôi Nam - Bắc, “cơm đường cháo chợ”. Nhiều lúc phải theo đối tượng vào nhà hàng sang trọng, khách sạn 4-5 sao mà tiền công tác không bao giờ đủ chi phí. Thế nên, lính đặc nhiệm chỉ theo được nghề khi có đủ lòng đam mê.

Tháng 1-2018, Đoàn 2 và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an phối hợp đấu tranh thành công Chuyên án 079A. Suốt mấy tháng trời, Thượng tá Nguyễn Thanh Bình cùng các sĩ quan điều tra, trinh sát viên phải bám theo đối tượng Lê Văn Liệt (sinh năm 1974, quê quán An Giang, trú tại phường Quang Trung, thành phố Kon Tum). Suốt hành trình từ Hải Phòng vào Đà Nẵng. Anh thường xuyên phải cải trang, thay đổi phương tiện để không đánh động đối tượng. Ngày 22-1, tại bến xe Trung tâm thành phố Đà Nẵng, các trinh sát bắt quả tang đối tượng Lê Văn Liệt khi đang tàng trữ trái phép 200g hê-rô-in.

Đại tá Phạm Văn Hải, Đoàn trưởng Đoàn 2 chia sẻ: Lính Biên phòng thuộc nằm lòng câu: “Trái tim nóng, trí óc lạnh và bàn tay sạch”, điều ấy càng đúng với những người lính đặc nhiệm trên mặt trận đấu tranh với các loại tội phạm. Bản lĩnh trước sự cám dỗ về vật chất, tinh thần cũng như trước sự uy hiếp của những đối tượng không phải ai cũng có. Bởi vậy, tố chất đầu tiên của lính đặc nhiệm phải can trường, bản lĩnh chính trị vững vàng. Tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại tìm mọi cách để mua chuộc, rồi đe dọa khống chế bắt làm theo yêu cầu của chúng. Điện thoại của Đại tá Phạm Văn Hải còn lưu rất nhiều tin nhắn “xin hẹn gặp, mời uống nước, trao đổi riêng”, hay “hãy cẩn thận tính mạng của mình và gia đình”... Những tin nhắn “hẹn gặp riêng” anh bỏ qua, còn những tin nhắn nhằm đe dọa, anh chỉ nhắn lại: “Là người lính, tôi chấp nhận tất cả”...

Với phương châm, lính đặc nhiệm cũng có nghĩa là phải “việc gì cũng giỏi” thế nên, cán bộ của Đoàn 2 ai cũng là tay lái cừ khôi, bắn súng giỏi, võ thuật điêu luyện và nghiệp vụ tinh thông. Có như vậy, mọi người mới có thể “ứng biến” trong mọi tình huống bất ngờ. Như trong Chuyên án 694LV, ngày 11-9-2018, tại Lào, vì đối tượng bất ngờ yêu cầu giao hàng, trong khi các trinh sát viên Đội phòng chống ma túy và tội phạm lại đang xử lý vụ việc ở Kon Tum. Thời gian không đủ để cơ động từ Kon Tum về nên Đại tá Phạm Văn Hải quyết định cử các trinh sát viên Đội phòng chống buôn lậu đang bám nắm địa bàn ở cửa khẩu Lao Bảo tham gia phá án. Trong chuyên án này, các trinh sát đã hoàn thành nhiệm vụ và thu giữ 114.000 viên ma túy tổng hợp trước khi các đối tượng đưa vào Việt Nam tiêu thụ.

Đại tá Hà Xuân Phú, Chính trị viên Đoàn 2 cho biết: “Ngoài những chuyên án đã được xác lập, thực hiện theo kế hoạch, các đội nghiệp vụ vẫn thường xuyên bám, nắm địa bàn và xử lý các vụ việc trong thẩm quyền. Có những ngày, đơn vị xử lý 2-3 vụ liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và tội phạm ma túy. Để có được thành tích đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải nỗ lực trong công tác và phải hy sinh tình cảm cá nhân. Một số cán bộ “hợp thức hóa gia đình” bằng việc đưa vợ con từ Bắc vào, nhưng vẫn chịu cảnh xa gia đình vì đi công tác cả tháng trời. Có cán bộ để gia đình ở lại miền Nam ra miền Trung nhận công tác như Trung tá Hoàng Đức Thiện, Đội trưởng Đội phòng chống mua bán người. Anh vốn là cán bộ Phòng Trinh sát, BĐBP Đà Nẵng. Năm 2015, anh xin chuyển về Đoàn 2 thành ra “xa nhà” bởi những chuyến công tác nằm vùng kéo dài có khi vài tháng ròng rã. Đội phòng, chống mua bán người mới được thành lập, nên ngoài việc xây dựng mạng lưới cơ sở, anh vẫn thường xuyên tham gia các chuyên án của Đội phòng chống ma túy và tội phạm, Đội phòng chống buôn lậu.

Cán bộ Đoàn 2 phối hợp với lực lượng Hải quan Quảng Trị bắt giữ đối tượng trong một vụ vận chuyển ma túy trái phép. Ảnh: Trúc Hà

Trung tá Đỗ Trung Trực, Đội trưởng Đội phòng chống ma túy và tội phạm là người từng có thời gian gắn bó với biên giới Tây Nguyên. Bởi vậy, lần này trở lại phụ trách địa bàn Tây Nguyên, anh lấy đó làm lợi thế để tham gia đánh án. Trước đó, anh là Đội trưởng Đội phòng, chống buôn lậu, Đoàn đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Bắc và 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì những thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Bởi vậy, khi vào nhận nhiệm vụ ở Đoàn 2, anh cũng không ngại ngần “tả xung hữu đột” vây bắt các đối tượng buôn lậu ở cửa khẩu Lao Bảo.

Tuy phụ trách các đội chuyên môn, nghiệp vụ khác nhau, nhưng trên thực tế, khi có việc, Trung tá Hoàng Đức Thiện và Trung tá Đỗ Trung Trực vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ của nhau, khi được giao phó. Với các anh, lính đặc nhiệm là những người “đa-di-năng” và luôn nỗ lực để làm tròn mọi nhiệm vụ được giao.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chien-cong-cua-nhung-nguoi-linh-ao-gam-di-dem-c4i/