'Chiến binh'dũng cảm khởi nghiệp từ hoa lan

Có lẽ, những đại biểu dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khóa XI không ai là không mê mẩn với muôn ngàn sắc hoa lan rực rỡ mang thương hiệu vườn lan của Sang 'còi' được tạo hình ý nghĩa trong không gian Trung tâm Hội nghị quốc gia để chào mừng Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI.

Phan Thanh Sang Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt.

Phan Thanh Sang Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt.

Để có được tác phẩm ý nghĩa này, Phan Thanh Sang - UV BCH Hội LHTN VN tỉnh Lâm Đồng, Đại biểu HĐND TP Đà Lạt, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt Lâm Đồng đã lặn lội mang 600 chậu lan hồ điệp, 1.000 nhành lan Monkara và 1.000 cành lá trang trí từ mảnh đất Ninh Thuận, Lâm Đồng ra thủ đô Hà Nội.

Khởi nghiệp với 50 giỏ lan khi là sinh viên năm thứ 2

Đến bây giờ, khi lạc vào vườn lan của Sang “còi”, nhiều du khách và cả dân chơi phong lan cũng không thể tưởng tượng nơi đây là cả một bộ sưu tập các loại phong lan. Hoa lan nơi đây không chỉ đẹp mà còn đặc sắc bởi có các mùi hương như bưởi, dừa, gừng, chocolate, vani, trầm hương...

“Năm học lớp 9, được người bạn tặng một giỏ lan Cattleya, tôi mang về nâng niu chăm sóc rồi cây ra hoa rất đẹp. Dù trân trọng món quà này, nhưng do cần tiền mua sách vở, tôi ngậm ngùi mang giỏ lan ra chợ bán được 90.000 đồng, số tiền thời bấy giờ là rất lớn. Từ đó, tôi nuôi quyết tâm sẽ trồng hoa lan, vừa để thỏa đam mê vừa có thể kiếm được tiền”, Sang nhớ lại.

Thích thú với hoa lan nhưng phải đến khi bước vào Đại học Đà Lạt, Phan Thanh Sang mới nghĩ đến chuyện lập nghiệp từ hoa lan. Khởi nghiệp với 50 giỏ phong lan ở năm thứ 2, đến những năm cuối đại học, vườn lan mang thương hiệu Sang “còi” đã được hình thành, mở rộng, tạo việc làm cho một vài lao động.

Tốt nghiệp với bằng kỹ sư nông nghiệp, Sang “còi” quyết định về nhà làm... nông dân trong sự ngỡ ngàng của bạn bè, người thân.

Lúc đó, nhiều người ngăn lắm. Mọi người bảo, đam mê là một nhẽ nhưng nếu đã chọn nghề nông cần gì phải đi học đại học cho tốn công sức, tiền bạc... Mặc cho những lời can ngăn, Sang “còi” vẫn kiên định với quyết định của bản thân. Sang về thuyết phục bố mẹ cầm cố, vay mượn được 200 triệu đồng làm vốn khởi nghiệp.

“Cha đẻ” của nhiều giống phong lan mới...

Sang dành gần hết số tiền vốn để đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm với đầy đủ thiết bị kỹ thuật phục vụ việc nghiên cứu và lai tạo giống. Từ đây, Sang đã lai tạo nhiều loại lan đặc sắc, trong đó phải kể đến những loại lan có hương bưởi, hương dừa, vũ nữ nâu có mùi chocolate như Mitoniopsis, Cattleya, Hồ Điệp, lan Hài, Thiên Nga và các loại phong lan Việt Nam...

Sau hơn 10 năm lập nghiệp, Sang đã xây dựng thương hiệu YSA Orchid với 3 khu vực trồng lan khác nhau, tổng diện tích hơn 10ha, tạo công ăn việc làm cho hơn 60 lao động, hơn 30 cửa hàng phân phối trên toàn quốc, doanh thu mỗi năm khoảng 20 tỉ đồng. Đầu năm 2016, Sang trồng thí điểm và thành công với diện tích 1ha giống lan ưa nóng như Trầm Hương, Ngọc Điểm, Monkara và đặc biệt là lan Hồ Điệp cây giống tại Ninh Sơn, Ninh Thuận - nơi được ví như sa mạc đầy nắng gió mà không ai nghĩ có thể trồng được hoa lan đẹp.

Giúp nông dân phát triển kinh tế

Tại YSA Orchid, Sang dành một khu vực riêng để bảo tồn và lai tạo các giống lan quý hiếm đã dày công thu thập suốt gần chục năm qua. “Những giống như lan Hài, một số loại phong lan rừng quý hiếm có tên trong sách đỏ thì tôi để phục vụ cho mục đích bảo tồn, khôi phục giống và nghiên cứu khoa học, không bán cũng không chuyển nhượng”, Sang cho biết.

Sang đã đề xuất xây dựng khu phố Hồ Xuân Hương (phường 9, Đà Lạt) thành Làng du lịch nông nghiệp Xuân Hương với thế mạnh về trải nghiệm trồng hoa lan, xương rồng, hoa chậu, dâu tây thủy canh, rau sạch. Sang cho biết, khu vực đón khoảng 100 khách du lịch/ngày, mùa cao điểm con số này còn nhiều hơn. Mô hình của Sang được UBND tỉnh Lâm Đồng chọn làm điểm về du lịch nông nghiệp của tỉnh để có cơ chế hỗ trợ đầu tư, nhân rộng sau này.

Chia sẻ những trăn trở về khởi nghiệp, Sang cho rằng cần có cơ chế ưu đãi kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam, cơ chế chấp nhận tài sản là nhà kính sản xuất nông nghiệp CNC là tài sản đảm bảo để được thế chấp mua bảo hiểm trong thời gian khấu hao, từ đó liên kết đào tạo, chuyển giao cho người dân học hỏi, phối hợp bao tiêu sản phẩm xuất khẩu. Nhà nước cũng cần có cơ chế phù hợp để các nhà khoa học trẻ khi có đề tài đưa ra mang tính hiện thực cao, hiệu quả, nhất là những đề tài áp dụng sản xuất công nghệ cao vào trong nông nghiệp.

NGUYỄN HUYÊN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/chien-binhdung-cam-khoi-nghiep-tu-hoa-lan-590160.ldo