Chiếm trại nhờ giỏi… vận động

Sau khi Nhật đảo chính Pháp, bắt đầu từ tháng 4-1945, thực hiện chỉ đạo của trên, Thành ủy Hà Nội chủ trương phát triển mạnh mẽ hơn nữa các đội tự vệ, tự vệ chiến đấu, tuyên truyền xung phong… đẩy mạnh vũ trang tuyên truyền nhằm động viên, tập dượt cho quần chúng chuẩn bị khởi nghĩa.

Đến tháng 8-1945, lực lượng vũ trang Thủ đô phát triển rất mạnh, khiến kẻ địch hoang mang run sợ, tạo tình thế cách mạng chín muồi cho tổng khởi nghĩa giành thắng lợi. Trước ngày 19-8-1945, lực lượng vũ trang Hà Nội đã có 3 chi đội tự vệ chiến đấu, tuyên truyền xung phong gồm khoảng 700 người, nhưng chỉ có khoảng 70-80 súng trường, súng lục, còn lại là vũ khí thô sơ.

Sáng 19-8, khoảng 20 vạn nhân dân cả nội, ngoại thành do lực lượng vũ trang làm nòng cốt rầm rập kéo về mít tinh trước quảng trường Nhà hát Lớn, sau đó chuyển thành tuần hành vũ trang đi giành lại các vị trí quan trọng của địch trong thành phố. Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong của thành phố nhận nhiệm vụ dẫn đầu lực lượng đánh chiếm trại bảo an binh. Tại đây, lực lượng này đã bất ngờ khống chế hai lính bảo an canh cổng, buộc chúng mở cổng. Tên chỉ huy phải ra mở cổng và xin gặp chỉ huy của đội. Nhân cơ hội đó, toàn đội nhanh chóng tràn vào, chiếm các vị trí quan trọng, hạ cờ Nhật, treo cờ đỏ sao vàng lên cột cờ của trại. Số lính bảo an được giác ngộ từ trước giúp tự vệ ta chiếm kho vũ khí. Không còn đường thoát, chỉ huy trại buộc phải tuân theo yêu cầu của ta.

Vừa chiếm được trại, bên ngoài, quân Nhật bất ngờ đem xe tăng đến bao vây uy hiếp, đòi trả lại trại và tước vũ khí của đội. Trước tình thế đó, một mặt đại diện lực lượng cách mạng dùng lời lẽ thuyết phục, kéo dài thời gian, mặt khác, bí mật cho người đi huy động hàng vạn quần chúng từ các nơi đổ về, khép chặt vòng vây xung quanh xe tăng của quân Nhật, hô vang khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh!”. Cùng lúc đó, một đoàn đại diện của ta đã tới bộ tổng tham mưu quân Nhật yêu cầu chúng phải rút đi. Trước áp lực của các lực lượng, đến 5 giờ chiều, xe tăng và lính Nhật phải rút lui, quân cách mạng hoàn thành việc chiếm trại bảo an binh mà không phải đổ máu, cũng không tốn một viên đạn.

VĂN CHIỂN

(theo “Di tích cách mạng kháng chiến ở Hà Nội, NXB Hà Nội)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/chiem-trai-nho-gioi-van-dong-588755