Chiêm ngưỡng 'Vũ điệu sắc màu' của họa sĩ Hoàng Định và Somsak Chaituch

Ngày 28-10, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội),

triển lãm “Vũ điệu sắc màu - Dancing colors of nature” của hai họa sĩ Hoàng Định và Somsak Chaituch (Hà Lan) đã khai mạc.

Tác phẩm "Âm nhạc cho đôi mắt".

“Vũ điệu sắc màu” trưng bày 14 tác phẩm sơn dầu khổ lớn của họa sĩ Hoàng Định và họa sĩ Somsak Chaituch. Đến từ hai đất nước khác nhau, nhưng các tác phẩm của hai người bạn như một bản phối tài tình, góp phần minh chứng cho sức truyền cảm không biên giới của hội họa.

Các tác phẩm này đều thuộc trường phái trừu tượng biểu hiện, khổ lớn; được bố trí thành 2 không gian riêng biệt nhưng hoàn toàn kết nối với nhau để người xem có thể vừa trải nghiệm trọn vẹn những biểu đạt độc đáo của từng họa sĩ, đồng thời thưởng thức một bản phối mà ở đó là những sắc màu riêng hòa quyện, nâng tầm cho nhau.

Tác phẩm "Vũ điệu của tre" của Hoàng Định.

Tranh của Hoàng Định chứa đầy tinh thần lạc quan của vịnh Bắc Bộ Việt Nam thiên sáng, trong khi tranh của họa sĩ Hà Lan, dù sử dụng các gam màu ấm nóng rất Đông Nam Á, lại bộc lộ một chiều sâu lý tính đặc trưng của mỹ thuật Bắc Âu. Nét vẽ của Hoàng Định rất thoát, ngẫu hứng, gần như không muốn kết thúc trong khuôn khổ bức tranh, đối lập với sự tỉ mẩn đến lạ kỳ của Somsak.

Nói Somsak vẽ, thật ra là ông đang dệt màu, từng sợi màu như những sợi vải được dệt vào nhau, xoắn xuýt nhưng không trộn lẫn, đủ phức tạp nhưng lại tách bạch, không rối rắm. Sự chuyển động của từng sợi màu, với những điểm chấm phá lặp lại theo quy luật, gam màu nhiệt đới, tính thâm trầm kết hợp giữa tôn giáo viễn đông và suy tưởng Bắc Âu, tạo cho tranh của Somsak sức thôi miên thiên về cảm xúc mộng mị, cuốn người xem vào trạng thái phi tuyến tính, nơi nhìn xa tưởng rõ, đến gần lại thành mơ hồ. Xem tranh của Somsak, dù là về cánh đồng hoa tulip hay ấn tượng với âm nhạc, mỗi người xem đều sẽ trôi về một miền riêng mơ ảo của mình.

Tác phẩm "Cánh đồng hoa Tulip" của Somsak Chaituch.

Sự mạch lạc của Hoàng Định không nằm ở chi tiết mà là ở tổng hòa, trái ngược với Somsak; và tranh của ông hướng đến một thế giới quan rất khác. Nét nhòe mờ, biến dị của phong cách trừu tượng biểu hiệu trong tranh của người họa sĩ Việt Nam thực ra lại hàm chứa rất nhiều thông tin chứ không phải là giản lược đi. Ông không mô phỏng hiện thực bằng các tín hiệu thị giác thông qua màu sắc, đường nét hay hình khối; mà trong tranh chứa đủ cả những rung động vật lý, các trạng thái cảm xúc và cả những ứng xử xã hội, tâm tình của thời đại; một thế giới lập thể không chỉ về mặt không gian hay hình khối, mà bao trùm được tất cả cảm thức của người xem, chứ không chỉ đơn thuần thỏa mãn thị giác. Nếu nói người xem bị thôi miên mà tò mò cuốn vào trong thế giới đệm giữa nhận thức và vô thức với tranh của Somsak, thì Hoàng Định lại thuyết phục người xem bằng sự tỉnh thức để họ tự bước vào thế giới trong tranh.

“Mộng hay thực”, “ở hay về” trôi nhẹ như một bản nhạc jazz mượt mà, đầy năng lượng, và rộng lớn như một chương nhạc thính phòng. Xem tranh của Hoàng Định và Somsak Chaituch, người xem hãy cứ thả lỏng để bản thân được tận hưởng một thế giới nơi mọi thứ đều đẹp, và ai cũng biết yêu.

Triển lãm diễn ra từ ngày 28-10 đến 8-11-2018.

Tuyết Minh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Van-hoa/917034/chiem-nguong-vu-dieu-sac-mau-cua-hoa-si-hoang-dinh-va-somsak-chaituch