Chiêm ngưỡng nhà thờ cao nhất Việt Nam

Một công trình xây dựng nhà thờ Giáo xứ với chiều cao tháp thánh giá 110m, được cho là cao nhất Việt Nam thời điểm hiện tại.

Nhà thờ Giáo xứ Lãng Vân cao khoảng 110m đến đỉnh tháp thánh giá. Ảnh: ND

Nhà thờ Giáo xứ Lãng Vân cao khoảng 110m đến đỉnh tháp thánh giá. Ảnh: ND

Giáo xứ Lãng Vân nằm trên địa bàn xã Gia Lập (huyện Gia Viễn, Ninh Bình) được khai sinh vào năm 1885 với tước hiệu Đức Mẹ vô nhiễm. Xứ có khoảng 3.500 người, trong đó chừng 1.200 hành nghề thợ xây.

Thợ ở đây không làm ăn riêng lẻ mà được phiên chế, tổ chức chặt chẽ thành các nhóm trực thuộc cai mà nổi tiếng nhất phải kể đến cai Thành (ông Nguyễn Xuân Thành - chủ Tập đoàn Xuân Thành) và cai Tuyến Thi. Trong tay cai lớn có cả vài ngàn lao động, trong tay cai bé cũng phải vài ba chục người.

Công giáo toàn tòng 100% cũng là nét rất đặc biệt ở đây. Nhà thờ Lãng Vân hiện tại là một kiến trúc cổ được xây dựng vào khoảng năm 1933.

Theo cha xứ Giuse Trần Công Hoan, nhà thờ này tuy có tới 1.000 chỗ ngồi nhưng vẫn không thể chứa hết số giáo dân của làng nên các lễ lớn phải vẫn bắc rạp, căng phông, rất bất tiện. Thế nên từ lâu, ở đây người ta đã tính phải xây dựng thêm một nhà thờ mới. Ý tưởng đó được ông Nguyễn Xuân Thành, chủ Tập đoàn Xuân Thành (đã được đổi tên thành Thái Group) ủng hộ nhiệt tình.

Ngày 14/1/2015, giáo xứ đã tổ chức thánh lễ làm phép móng và đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ giáo xứ Lãng Vân. Trên quần thể rộng chừng 6ha trước đây là đất trống, là ruộng lúa, bờ mương giờ được tôn cao để dựng lên nhà thờ. Theo tìm hiểu nhà thờ Lãng Vân được xây dựng theo kiến trúc gothic, lấy cảm hứng từ các nhà thờ nổi tiếng ở châu Âu.

Theo thiết kế, nhà thờ Lãng Vân có diện tích khuôn viên 14.200m2, tổng diện tích mặt sàn gần 4.000m2, sức chứa 4.000 - 5.000 người - tương đương với dân số của một xã loại trung bình vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Vì vậy, nhà thờ giáo xứ Lãng Vân được xem là nhà thờ lớn nhất Việt Nam. Tổng chi phí cũng là lớn nhất trong giáo phận. Toàn bộ nguyên vật liệu và phương tiện thi công do Tập đoàn Kinh tế Xuân Thành tài trợ. Phần nhân công do giáo xứ đảm nhiệm.

Tháp chuông chính cộng cả cây thập tự giá có tổng chiều cao xấp xỉ 110m. Hai tháp phụ cũng có chiều cao tới 60m. Ở tháp chuông chính những cọc nhồi đường kính 1,6m được khoan xuyên qua các tầng đất tới tận lớp đá gốc bên dưới, âm sâu chừng 40 - 50m. Ở khu vực nhà thờ, hệ thống cọc ép bằng bê tông đóng xuống đất đến khi nào không thể tiến được nữa mới thôi. Tại đây, người ta cũng đã hoàn thành toàn bộ mặt sàn rộng hơn một sân đá bóng cỡ vừa.

Có lẽ, nhà thờ giáo xứ Lãng Vân không chỉ lớn nhất Việt Nam mà còn lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Công trình này sẽ góp phần vào sự đa dạng kiến trúc Thiên chúa giáo tại Việt Nam, giúp sự hòa hợp tín ngưỡng giữa các tôn giáo ngày một rõ nét, sự hài hòa giữa phương Đông và phương Tây.

Dưới cung thánh là một hầm lớn với sức chứa 700 - 800 thực khách để tiện cho việc tổ chức đám cưới tránh bày biện bừa bãi trên đường làng, ngõ xóm như hiện nay.

Với hàng trăm ngàn tấn gạch, cát, sắt thép, xi măng đã, đang và sẽ được huy động cho công trình khổng lồ này… ước tính trị giá không dưới 300 - 400 tỉ đồng.

Cho đến thời điểm hiện tại,nhà thờ Ulm Minster ở thành phố Ulm, nước Đức vẫn là nhà thờ cao nhất thế giới, khoảng 160m. Công trình này cũng giữ luôn kỷ lục xây dựng lâu vào dạng nhất nhì khi bắt đầu khởi công năm 1377 mà đến tận năm 1890 mới hoàn thành, vắt qua nhiều thế kỷ.

Dưới đây là một số hình ảnh về nhà thờ Giáo xứ Lãng Vân mà PV đã ghi lại được:

Đường vào nhà thờ Giáo xứ Lãng Vân. Ảnh: ND

Hình ảnh nhà thờ Giáo xứ Lãng Vân cũ được xây dựng từ năm 1933. Ảnh: Xóm Nhiếp ảnh

Mô hình nhà thờ Giáo xứ Lãng Vân được thiết kế để xây dựng mới. Ảnh: ND

Hình ảnh nhà thờ nhìn từ ngoài đường vào. Ảnh: ND

Nhà thờ được xây dựng bao quanh là các hộ gia đình giáo dân. Ảnh: ND

Mặt tiền nhà thờ có hướng nhìn ra phía xa cánh đồng. Ảnh: ND

Với chiều cao 110m khiến một người đứng lọt thỏm. Ảnh: ND

Bên trong là thánh đường khổng lồ. Ảnh: ND

Với những cây cột bê tông cốt thép với đường kính nhiều người ôm. Ảnh: ND

Nhà thờ có thế lưng tựa vào dãy núi đá phía sau gần đó. Ảnh: ND

Và nổi trội hẳn so với các công trình xung quanh và bao quát cả khu vực. Ảnh: ND

Nam Dũng

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/van-hoa-giai-tri/du-lich/chiem-nguong-nha-tho-cao-nhat-viet-nam_t114c24n145050