Chiêm ngưỡng dinh Tổng lãnh sự quán Pháp ở TP.HCM

Nhân ngày hội di sản châu Âu 2018, Tổng lãnh sự Vincent Floreani đích thân dẫn đoàn khách tham quan dinh thự tổ chức nhiều sự kiện của Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM.

 Ngày 15/9, nhân ngày hội di sản châu Âu 2018, Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM mở cửa dinh thự trên đường Lê Duẩn cho khách tham quan. Công trình được xây dựng từ năm 1872 bởi các kỹ sư Hải quân Pháp, mang kiến trúc đặc trưng thời cuối thế kỷ 19 với khung tòa nhà được làm bằng thép và kim loại.

Ngày 15/9, nhân ngày hội di sản châu Âu 2018, Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM mở cửa dinh thự trên đường Lê Duẩn cho khách tham quan. Công trình được xây dựng từ năm 1872 bởi các kỹ sư Hải quân Pháp, mang kiến trúc đặc trưng thời cuối thế kỷ 19 với khung tòa nhà được làm bằng thép và kim loại.

Ngoài dinh thự này, nhiều công trình do người Pháp xây dựng tại TP.HCM trong thời kỳ trên đều mang lối kiến trúc này, ví dụ Dinh Norodom (xây dựng từ năm 1868 - 1873, nay là Dinh Độc lập), Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn (xây năm 1863) hay Nhà thờ Đức Bà (xây dựng từ năm 1877 - 1880), và Bưu điện Thành phố (xây trong khoảng năm 1886 - 1891).

"Khi người Pháp đến Sài Gòn, họ phát hiện khí hậu tại đây nóng ẩm, nhiều mối mọt, nên các kỹ sư sử dụng khung thép và kim loại để xây dựng các công trình tại đây, giúp tòa nhà tồn tại lâu hơn, bảo dưỡng dễ dàng hơn", Tổng lãnh sự Floreani cho biết. Nội thất bên trong dinh thự cũng được bày trí theo kiểu Pháp, xen lẫn một vài vật dụng và đồ trang trí theo phong cách phương Đông.

Trong quá trình dẫn đoàn khách tham quan dinh thự, Tổng lãnh sự Floreani giới thiệu từng vật dụng độc đáo, ví dụ bộ sưu tập dụng cụ bếp bằng bạc có từ thời Napoleon Đệ Tam (cuối thế kỷ 19).

Khách tham quan, trong đó gồm nhiều trẻ em, thích thú quan sát cách bày trí và các vật dụng độc đáo trong tòa dinh thự. Khách thăm dinh thự Pháp trong buổi sáng 15/9 khá đông, đi thành nhiều đoàn liên tiếp nhau, họ chăm chú nghe hướng dẫn viên của Tổng lãnh sự quán Pháp giới thiệu về lịch sử và đặc trưng của từng món đồ.

Một trong những đặc trưng của tòa dinh thự Pháp là cầu thang xoắn ốc dẫn từ tầng trệt đến mái nhà, được ông Floreani giới thiệu là "độc nhất vô nhị" tại Sài Gòn. Nguyên liệu làm nên chiếc cầu thang này là gỗ lấy từ bộ phận của một chiếc tàu chiến của Pháp, có thể tháo rời để di chuyển đến địa điểm khác trong trường hợp cần thiết.

Trò chuyện với khách tham tham và các phóng viên, Tổng lãnh sự Floreani cho biết ông rất thích không gian xanh của tòa dinh thự, với những tán cây có tuổi đời hơn 150 năm và nhiều loài động vật như sóc, chồn và một số loài chim quý. Toàn bộ khuôn viên dinh thự, gồm tòa nhà và khu vườn, có tổng diện tích 15.000 m2, đây được xem là khu vườn tư nhân rộng nhất TP.HCM, được sử dụng để tổ chức các buổi tiệc quan trọng của Tổng lãnh sự quán Pháp, có thể chứa đến 1.500 người.

Giữa khu vườn này là 2 bức tượng Phật, được một phụ nữ người Pháp có địa vị tặng cho Tổng lãnh sự quán từ năm 1960 sau khi bà quay về Pháp. Ông Floreani cho biết người phụ nữ này không muốn hai bức tượng bị mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, đồng thời muốn Tổng lãnh sự quán cam kết giữ gìn chúng. Hàng năm, vào mỗi dịp lễ tết, người Việt Nam làm việc tại Tổng lãnh sự quán Pháp đều dâng hoa, dâng hương dưới bức tượng. "Các đời tổng lãnh sự dù không có tín ngưỡng này nhưng họ đều rất trân trọng văn hóa của người Việt", ông Floreani nói.

Trong ảnh là ba bia mộ không hài cốt đặt ở cuối khu vườn trong khuôn viên dinh thự Pháp. Trên 3 tấm bia có khắc biểu tượng Hồi giáo, Thiên chúa giáo và Do thái giáo, với ý nghĩa binh lính chiến đấu trong cuộc chiến tại Việt Nam không quan trọng quốc tịch nào, tôn giáo nào, đều sẽ được tưởng nhớ. Dòng chữ tiếng Pháp đề trên bia mộ ghi rõ tưởng nhớ cả chiến sĩ Pháp và Việt Nam.

Ngày hội di sản châu Âu, sự kiện tổ chức thường niên, là ý tưởng của Bộ Văn hóa Pháp, đưa ra vào năm 1984 dưới tên gọi "Ngày hội mở cửa cho di sản lịch sử". Cơ quan đại diện của các nước châu Âu tại gần 50 quốc gia sẽ mở cửa một số tòa nhà cho công chúng tham quan. Bình thường, các công trình này được sử dụng cho những mục đích khác, như hành chính, ngoại giao, kinh tế,... nên không được mở cửa công khai. Sự kiện này đã thành công đến mức Hội đồng châu Âu đã mở rộng việc tổ chức ngày hội di sản trên toàn châu Âu vào năm 1991.

Dinh thự Pháp là nơi trưng bày nhiều hiện vật độc đáo từ nhiều nơi trên thế giới. Trong ảnh là một bức tượng Phật được đúc bằng đồng nguyên khối.

Tổng lãnh sự Floreani xem tranh do các học sinh vẽ sau khi tham quan dinh thự. Ông trò chuyện bằng tiếng Anh với các em, khen từng bức tranh "đẹp và sinh động".

Hoàng Việt - Chi Mai

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/chiem-nguong-dinh-tong-lanh-su-quan-phap-o-tphcm-post877132.html