Chiêm ngưỡng đàn ngựa cứu người ở trại Suối Dầu

Ngựa ở trại chăn nuôi Suối Dầu (Khánh Hòa) mang một sứ mệnh đặc biệt 'hiến máu' phục vụ công tác phòng và chữa bệnh cho con người.

Cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 25 km về phía Nam, nằm ngay cạnh đường quốc lộ 1A (đoạn thuộc Suối Dầu, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) là trại chăn nuôi ngựa Suối Dầu.

Quang cảnh trại chăn nuôi nhìn từ Quốc lộ 1A. Ảnh: CÔNG THI

Quang cảnh trại chăn nuôi nhìn từ Quốc lộ 1A. Ảnh: CÔNG THI

Nơi đây, hàng chục năm qua đã nuôi dưỡng đàn ngựa hơn 300 con. Ngựa ở đây được chăm sóc theo chế độ đặc biệt từ bữa ăn đến giấc ngủ trong khuôn viên rộng khoảng trên 100ha, thuộc Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC).

Đến đây chúng ta ngỡ ngàng nhìn thấy đàn ngựa dưới những tán cây dầu cổ thụ, đồng cỏ xanh mênh mang…

Những chú ngựa ngoan ngoãn bước theo người công nhân đến nơi “hiến máu”.

Đàn ngựa ở đây được cho là lớn nhất Đông Nam Á, những chú ngựa này có thân hình vạm vỡ như ngựa chiến. Ngựa ở đây mang một sứ mệnh đặc biệt, đó là thường xuyên “hiến máu” phục vụ công tác phòng và chữa bệnh cho con người.

Nếu có dịp đến thăm trại chăn nuôi ngựa Suối Dầu, ta sẽ bắt gặp ngay từ lúc trời còn mờ sương, các nhân viên chăm sóc ngựa ở đây đã đi cắt những bó cỏ tươi nhất để phục vụ bữa sáng cho đàn ngựa.

Nhóm nhân viên khác thì cần mẫn quét dọn, vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, máng ăn, chuẩn bị hệ thống nước uống…

Các công nhân cho ngựa ăn cỏ ngay từ sáng sớm.

Khẩu phần ăn mỗi ngày của một con ngựa ngoài cỏ, còn có thức ăn tinh được chế biến từ các thành phần giàu dinh dưỡng: cám, gạo, ngô, đậu nành, vitamin...

Vào những ngày mát mẻ, đàn ngựa còn được tung tăng trên bãi cỏ rộng vài chục hecta nằm trong khuôn viên trại. Chiều đến, cả đàn được tắm mát, chải lông sạch sẽ trước khi ăn.

Hệ thống nước cung cấp cho ngựa uống phải đạt tiêu chuẩn, chuồng trại luôn được vệ sinh thường xuyên. Đàn ngựa được các bác sĩ thú y theo dõi, kiểm tra và đo thân nhiệt từng con ngựa mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe.

Nếu con nào có dấu hiệu bất thường như buồn bã, ủ rũ, sốt, bỏ ăn… sẽ được cách ly để chẩn đoán, điều trị. Tuy nhiên phải có phương pháp chăm sóc đặc biệt giúp ngựa mau hồi phục chứ không để xảy ra tình trạng “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”.

Chú ngựa vui đùa và bày tỏ tình cảm với nhau.

Ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng trại chăn nuôi Suối Dầu, cho biết: “Đàn ngựa ở trại được chăm sóc tuân thủ nghiêm ngặt hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2008. Để được nhập trại, ngựa được tuyển chọn kỹ lưỡng, đảm bảo tiêu chuẩn 4-6 tuổi, trọng lượng 230kg trở lên.

Ngựa được chọn phải qua một cuộc tổng kiểm tra sàng lọc sức khỏe nghiêm ngặt như không dị tật bẩm sinh, không mắc bệnh ngoài da, không có ký sinh trùng đường ruột và phải đạt các chỉ tiêu về hằng số huyết học, sinh hóa và sinh lý.

Các bác sĩ thú y lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, tâm lý, chỉ định chế độ nuôi dưỡng. Mỗi con đạt đủ tiêu chuẩn khai thác huyết thanh sẽ được đóng mã số cập nhật vào hồ sơ để theo dõi và quản lý trước khi đưa vào hòa nhập với đàn ngựa chính”.

Chiếc xe ngựa mà bác sĩ Yersin sử dụng từ năm 1932 đến năm 1940.

Đàn ngựa ở trại được chăm sóc kỹ như con cưng như vậy để lấy huyết thanh dự phòng điều trị các bệnh nguy hiểm cho người như bệnh uốn ván, bạch hầu, dại, rắn độc…

Trại chăn nuôi Suối Dầu chính là trại thực nghiệm trồng trọt và chăn nuôi động vật như ngựa, chuột bạch, thỏ…do nhà bác học lừng danh Alexandre John Emile Yersin khai phá và thành lập từ năm 1896.

Những giống cây và nhiều động vật, gia cầm…được tuyển chọn đưa về đây nuôi dưỡng hàng chục năm qua đều nhằm phục vụ nghiên cứu, điều chế các loại vaccine và huyết thanh để phòng, chữa bệnh cho người.

CÔNG THI

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/chiem-nguong-dan-ngua-cuu-nguoi-o-trai-suoi-dau-918753.html