Chiêm ngưỡng cây cầu hơn 200 tuổi ở xứ Huế

'Ai về cầu ngói Thanh Toàn/Cho em về với một đoàn cho vui'. Đó là câu thơ nói về cầu ngói Thanh Toàn, một cây cầu cổ xưa, mang kết cấu đặc biệt, nằm ở làng Thành Toàn (thuộc xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế), cách trung tâm TP. Huế chừng 8 km về hướng Đông.

Toàn cảnh cầu ngói Thanh Toàn. Ảnh: PĐ.

Lịch sử ghi lại, làng Thanh Toàn được thành lập vào thế kỷ 16. Những người di dân từ đất Thanh Hóa theo chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa, có 12 vị tộc trưởng đã dừng chân lập nghiệp ở đây, tạo nên 12 họ khai canh của làng.

Lối vào cầu ngói. Ảnh: PĐ.

Năm 1776, một người cháu gái thuộc thế hệ thứ sáu của họ Trần là bà Trần Thị Ðạo đã cúng tiền cho làng xây dựng chiếc cầu gỗ để dân làng qua lại được thuận tiện. Ðây cũng là nơi cho lữ khách cùng người tha phương tạm dừng chân khi lỡ bước.

Cầu ngói không chỉ thu hút du khách trong nước mà nó còn hấp dẫn với cả du khách nước ngoài. Ảnh: PĐ.

Cầu ngói Thanh Toàn có kiểu kết cấu "Thượng gia hạ kiều" (giống với cầu Chùa ở Hội An). Chiều dài 17m và chiều rộng 4m. Cầu nằm trên hệ thống trụ đỡ gồm ba hàng, mỗi hàng có 6 trụ.

Qua hàng trăm năm các trụ gỗ của cầu vẫn đứng vững. Ảnh: PĐ.

Trên cầu có mái che, lợp ngói ống tráng men chia làm 7 gian. Gian chính giữa làm đặt ban thờ để tưởng nhớ người có công xây dựng cầu.

Ban thờ- nơi thờ người có công xây dựng nên cây cầu. Ảnh: PĐ.

6 gian còn lại đều có bục gỗ hai bên để nghỉ ngơi mang hình giống những bộ ghế được bày trong nhà.

Thường ngày có rất nhiều người dân đến cầu để nghỉ ngơi. Ảnh: PĐ.

Xung quanh cây cầu là bãi đất rộng, người ta dùng để sinh hoạt, vui chơi và họp chợ. Người xưa kể lại rằng, trước đây chợ không lớn như bây giờ, người ta thường chỉ buôn bán các mặt hàng như mớ rau, mớ cá,.. tạo nên một cái chợ làng.

Bánh bèo- một món ăn nức tiếng của xứ Huế. Ảnh: PĐ.

Dần dần đời sống ngày càng phát triển, các mặt hàng cũng trở nên đa dạng hơn. Nhưng nó vẫn mang trong mình nét chợ quê của Việt Nam. Vì thế, nơi đây được chọn làm lễ hội chợ quê vào những ngày lễ hội Festival.

Một góc lễ hội chợ quê. Ảnh: PĐ.

Trải qua hơn hai thế kỷ hình thành và phát triển, với nhiều biến cố về thiên tai và lịch sử, nhưng cây cầu vẫn mang giá trị nghệ thuật cao trong kho tàng kiến trúc cầu cổ ở Việt Nam.

Mái ngói rêu phủ nhuốm màu thời gian. Ảnh: PĐ.

Cầu ngói Thanh Toàn mang trong mình bề dày lịch sử, chứa đựng nhiều giá trị thẩm mỹ và nhân đạo sâu sắc. Thanh Toàn không còn là cái tên xa lạ với du khách thập phương khi nhắc đến Huế, đó là "Món quà của một tấm lòng được vua và dân ghi khắc".

"Thanh Toàn tiếng dậy khắp gần xa

Công đức Trần hương sáng mọi nhà

Sắc tứ vua ban ghi sử sách

Toàn dân qua lại nhớ ơn bà".

PHÚC ĐẠT

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/chiem-nguong-cay-cau-hon-200-tuoi-o-xu-hue-631596.ldo