Chiêm ngưỡng các công trình thời Pháp tại Hà Nội qua tài liệu lưu trữ

Công cuộc kiến thiết thành phố Hà Nội trong suốt gần 1 thế kỷ đã đem lại một diện mạo mới với phong cách kiến trúc đa dạng, phong phú. Bên cạnh những công trình đậm nét phương Đông, sự hiện diện của các công trình mang phong cách kiến trúc tân - cổ điển, kiến trúc địa phương Pháp, kiến trúc Art Deco, kiến trúc Neo-Gothic... được xây dựng trong những năm cuối thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20 không chỉ ghi dấu những chuyển biến mạnh mẽ của thành phố Hà Nội giai đoạn này mà còn được đánh giá là làm cho thành phố thêm yêu kiều, quyến rũ.

Bản vẽ mặt chính Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương.

Trung tâm Lưu trữ quốc gia I hiện bảo quản khá nhiều bản vẽ kỹ thuật và tài liệu hành chính liên quan đến một số công trình văn hóa xây dựng từ thời Pháp mà đến nay vẫn được sử dụng, trong đó có Nhà hát thành phố Hà Nội (Nhà hát Lớn Hà Nội ngày nay), Bảo tàng Louis Finot (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ngày nay), Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương (Thư viện Quốc gia Việt Nam ngày nay)...

Bảo tàng Louis Finot

Bảo tàng Louis Finot trước đây thuộc Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp, do các kiến trúc sư Charles Batteur và Ernest Hébrard thiết kế năm 1925, khởi công xây dựng năm 1926 và hoàn thành vào năm 1932 trên phố Concession (nay là phố Phạm Ngũ Lão).

Đây là một trong những công trình tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Đông Dương với sự nỗ lực kết hợp các giá trị của nền kiến trúc Pháp với các giá trị kiến trúc bản địa. Mặc dù cấu trúc mặt bằng, hình khối đăng đối theo kiểu Châu Âu kinh điển nhưng có sự biến đổi về mặt không gian và sử dụng các chi tiết kiến trúc cổ truyền Việt Nam như nhiều cột, mái và hệ thống cửa lấy ánh sáng, thông gió tự nhiên được tác giả thiết kế công trình đặc biệt chú ý nhằm tạo cho công trình sự thích nghi với điều kiện khí hậu, cảnh quan cũng như văn hóa truyền thống bản địa.

Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I hiện bảo quản một số tài liệu về công trình Bảo tàng Louis Finot, bao gồm: Bản vẽ mặt phía bắc, phía tây, mặt cắt dọc, tầng trệt... của Bảo tàng Viện Viễn Đông Bác Cổ, do kiến trúc sư Charles Batteur, thành viên của EFEO lập năm 1925; một số nghị định của Toàn quyền Đông Dương liên quan đến công trình này như: Nghị định ngày 11.3.1932 của Toàn quyền Đông Dương về việc đổi tên Bảo tàng Viện Viễn Đông Bác Cổ thành “Bảo tàng Louis Finot”, Nghị định số 2197 ngày 15.5.1928 của quyền Toàn quyền Đông Dương về việc hủy bỏ hợp đồng xây dựng Bảo tàng Viện Viễn Đông Bác Cổ ký với nhà thầu Aviat...; Biên bản phiên đấu thầu công trình xây dựng Bảo tàng Viện Viễn Đông Bác Cổ lần 1 diễn ra ngày 9.11.1925; Báo cáo của kiến trúc sư chính - Chánh Sở Nhà cửa Dân sự ngày 12.6.1929 về việc tổ chức đấu thầu công trình xây dựng Bảo tàng Viện Viễn Đông Bác Cổ lần 2 diễn ra ngày 11.6.1929; Báo cáo số 1142 ngày 24.2.1925 của Tổng Thanh tra Công chính về việc xây dựng lại Bảo tàng của Viện Viễn Đông Bác Cổ pháp với tổng diện tích là 1.835m2...

Năm 1958, người Pháp bàn giao lại công trình này cho chính quyền cách mạng mới. Từ đó đến nay, công trình đang được Bảo tàng Lịch sử Việt Nam quản lý và sử dụng.

Nhà hát thành phố Hà Nội

Nhà hát thành phố Hà Nội ở phố Paul Bert (phố Tràng Tiền ngày nay) được khởi công xây dựng vào năm 1901 và hoàn thành năm 1911, theo thiết kế của kiến trúc sư Harlay và Broyer, trong quá trình xây dựng có sự tham gia sửa chữa của kiến trúc sư F.Lagisquet.

Đây là một trong những công trình tiêu biểu cho phong cách kiến trúc tân cổ điển - phong cách kiến trúc khá phổ biến, được sử dụng cho nhiều công trình công cộng lớn ở Hà Nội thời kỳ này với những đặc trưng: Giữ bố cục đối xứng nghiêm ngặt; các cấu trúc hình học và tỉ lệ vẫn được tuân thủ; phong cách cổ điển vẫn mang tính chủ đạo nhưng có kết hợp các chi tiết của kiến trúc Phục hưng...

Nhà hát thành phố Hà Nội là sự kết hợp hài hòa của đường nét kiến trúc cổ Hy Lạp Coranhtơ với kiểu lâu đài Tuylory và kiểu nhà hát ở miền Nam nước Pháp, đặc biệt với kết cấu kiến trúc, kiểu mái hai mảng lợp ngói đá đen cùng các họa tiết trang trí bên trong. Trong buổi lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh: Nhà hát Lớn Hà Nội là chứng tích thiêng liêng, ghi dấu và lưu truyền những sự kiện lịch sử và cách mạng quan trọng bậc nhất của quốc gia cũng như thủ đô.

Quả thực, Nhà hát Lớn là công trình có nhiều giá trị về lịch sử, kiến trúc và giá trị sử dụng, là địa điểm không thể bỏ qua trong hành trình khám phá các công trình văn hóa thời Pháp trong lòng Hà Nội.

Trung tâm Lưu trữ quốc gia I hiện bảo quản: Bản vẽ mặt trước Nhà hát Lớn Hà Nội do Francois Lagisquet và Harlay lập năm 1909; Bản vẽ mặt đứng sau và mặt đứng bên do Harlay, Chánh thanh tra Nhà cửa dân sự lập năm 1905; Chi tiết hoàn thiện phòng diễn viên do Adolphe Bussy lập năm 1914; Bản vẽ thay đổi giới hạn đường quanh nhà hát năm 1905 do Chánh Sở Công chính thành phố Hà Nội vẽ ngày 10.1.1905 đã được Thống sứ Bắc Kỳ phê chuẩn ngày 27.2.1905; Nghị định số 398 ngày 25.5.1900 của Thống sứ Bắc Kỳ thành lập một ủy ban để đánh giá các bản đồ xây dựng Nhà hát thành phố...

Đại học Đông Dương

Tòa nhà chính của khu Đại học Đông Dương được coi là công trình đầu tiên mang phong cách kiến trúc Đông Dương được xây dựng ở Hà Nội do kiến trúc sư E.Hébrard thiết kế năm 1924. Trước đó, khu nhà cánh trái được xây dựng năm 1913 - 1922, khu nhà cánh phải bắt đầu được xây dựng năm 1921 - 1923. Sau đó, những năm 1928 - 1945, công trình được xây mới thêm sân tennis, tường rào, hệ thống cống...

Ban đầu công trình được thiết kế theo phong cách tân cổ điển nhưng trong quá trình xây dựng, E.Hébrard đã đưa vào thêm nhiều chi tiết kiến trúc Á Đông như: Bộ mái ngói nhiều lớp theo hình bát giác, giữa các lớp mái là các cửa nhỏ trang trí hoa văn bên cạnh hàng con sơn đỡ mái theo kiểu Trung Hoa cổ; mặt tiền tòa nhà, các diềm mái được trang trí bởi các hình hoa văn chữ triện, hình bát giác - rất phổ biến trong kiến trúc đình chùa Việt cổ... Hiện nay, công trình do Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Dược Hà Nội quản lý và sử dụng.

Trung tâm Lưu trữ quốc gia I hiện bảo quản một số tài liệu liên quan đến công trình Đại học Đông Dương, trong đó có: Bản vẽ mặt trước tòa nhà trung tâm Đại học Đông Dương do kiến trúc sư Charles Lacolonge, Chánh Sở Nhà cửa dân sự lập năm 1924; bản vẽ mặt trước khu học đường của Trường Y do Charles Lichtenfelder, Chánh Sở Kiến trúc Trung ương lập năm 1907...

Khu học xá Đông Dương

Đây là công trình cuối cùng do chính quyền Pháp ở Đông Dương đầu tư xây dựng trước khi chúng ta giành độc lập. Năm 1941 công trình được quyết định xây dựng theo đồ án thiết kế của các kiến trúc sư Louis Chauchon, Robert Gilles và Maurice Masson. Đây là đồ án được giải nhất trong 14 đồ án tham gia cuộc thi ý tưởng kiến trúc xây dựng khu học xá do phu nhân Toàn quyền Đông Dương Jean-Decoux làm chủ tịch ban giám khảo. Đồ án được giải nhất trên sau đó được các kiến trúc sư Félix Godard và Moncet (Sở Nhà Dân sự) vẽ bản đồ quy hoạch tổng thể và được Toàn quyền Jean-Decoux thông qua.

Theo hồ sơ thiết kế còn lưu lại về khu học xá Đông Dương thì công trình này được xây dựng theo phong cách kiến trúc Việt Nam kết hợp kiến trúc hiện đại, cách trang trí nội thất theo phong cách địa phương ở Đông Dương.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên công trình mới chỉ có một số hạng mục được thi công, nhiều hạng mục còn chưa kịp thực hiện. Sau ngày hòa bình lập lại, khu học xá Đông Dương được Trường Đại học Bách khoa tiếp quản.

Trung tâm Lưu trữ quốc gia I hiện còn lưu giữ một số tài liệu về công trình này, trong đó có: Bản vẽ quy hoạch khu học xá do kiến trúc sư Cérruti, Chánh Sở đô thị và kiến trúc trung ương lập năm 1941...

Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương

Sau khi thành lập năm 1917, Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương tiếp nhận khu nhà từ Sở Nông nghiệp ở Tràng Thi làm kho sách. Công trình này được xây dựng từ năm 1903. Năm 1920 công trình được quy hoạch lại theo hình chữ U quay ra vườn trước, hai bên cánh là kho sách, lối vào chính có một cửa cuốn lớn...

Công trình là sự kết hợp các yếu tố kiến trúc tân cổ điển với bố cục đối xứng, sảnh chính có 2 cột Tuscan, chi tiết trang trí diềm mái có nguồn gốc kiến trúc phục hưng...

Tài liệu về Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I gồm có: Bản vẽ tổng thể Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương do Chánh Thanh tra Nhà cửa dân sự lập năm 1920; Bản vẽ mặt chính Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương do kiến trúc sư, Trưởng khu Công chính Bắc Kỳ lập năm 1921; Bản vẽ kho sách vẽ năm 1943; Bản vẽ nhà ở của ban thư ký Phòng Nông nghiệp Hà Nội (sau là nhà ở của Giám đốc Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương) do thanh tra Sở Nhà cửa dân sự vẽ năm 1908...

Hiện nay, công trình này do Thư viện Quốc gia quản lý và sử dụng.

Bản vẽ mặt bên Nhà hát thành phố Hà Nội.

Bản vẽ mặt chính Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương.

Trải qua gần 100 năm, đến nay những công trình văn hóa trên vẫn đang được sử dụng với nhiều giá trị lịch sử, kiến trúc và thẩm mỹ, đem lại cho Hà Nội một dáng vẻ rất riêng. Tuy nhiên, với những tác động của nhiều yếu tố, hiện nay một số công trình đã có phần hư hỏng và xuống cấp, làm cho công trình không còn giữ được kiến trúc nội thất nguyên gốc ban đầu. Thực tế đã ghi nhận, trong công tác bảo quản, mở rộng, sửa chữa, nâng cấp các công trình này, sự tham khảo các bản vẽ thiết kế ban đầu và nhiều tài liệu lưu trữ liên quan có thể đem lại hiệu quả cao như rút ngắn thời gian, công sức cũng như chi phí thực hiện.

Với mục đích giới thiệu tới công chúng những tài liệu có giá trị về mặt kiến trúc và thẩm mỹ về các công trình hiện vẫn đang là điểm đến văn hóa đáng chú ý ở Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I lựa chọn một số tài liệu lưu trữ về 3 công trình văn hóa: Nhà hát thành phố Hà Nội, Bảo tàng Louis Finot, Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương với trên 30 văn bản tài liệu, bản vẽ thiết kế và ảnh trong số hơn 100 công trình xây dựng tại Hà Nội để trưng bày với chủ đề “Kiến trúc các công trình văn hóa xây dựng tại Hà Nội thời kỳ Pháp thuộc”. Trưng bày mở cửa tự do tại sảnh tầng 1 của trung tâm.

Hồng Nhung

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/chiem-nguong-cac-cong-trinh-thoi-phap-tai-ha-noi-qua-tai-lieu-luu-tru-605494.bld