Chiêm ngưỡng 10 công trình kiến trúc ấn tượng nhất tại Ashui Awards 2018

Hệ thống giải thưởng thường niên của ngành Xây dựng tại Việt Nam – Ashui Awards vừa công bố danh sách đề cử chính thức cho 9 danh hiệu của năm 2018 tại các hạng mục: Kiến trúc sư, Công trình, Nhà thầu, Chủ đầu tư, Hãng kỹ thuật, Dự án tương lai, Xây dựng xanh, Nhà ở, Nội thất.

Giai đoạn bình chọn bắt đầu từ ngày 1/12 đến 0 giờ ngày 31/12 tại website http://ashui.com/awards. Kết quả sẽ được công bố rộng rãi vào ngày cuối cùng của năm 31/12/2018.

Báo điện tử Xây dựng mời bạn đọc cùng chiêm ngưỡng 10 đề cử cho danh hiệu “Công trình của Năm” dưới đây.

Công trình Brick Cave (Nhà “Hang Gạch”) / thiết kế: H&P Architects

“Hang gạch” là một ý tưởng sáng tạo cho khí hậu thay đổi liên tục của Việt Nam. Để đưa ra giải pháp cho bối cảnh này, H&P Architects đã thiết kế một căn nhà nằm ở ngoại ô Hà Nội, khu vực hiện đang trải qua quá trình đô thị hóa liên tục, thể hiện tư duy kiến trúc độc đáo.

Với kết cấu giống một hang động, các kiến trúc sư đã lấy cảm hứng từ thiên nhiên nhiều hơn là nhân tạo. Hình khối linh hoạt của ngôi nhà gợi đến sự thay đổi liên tục của khí hậu và truy về gốc gác nhà trong hang đầu tiên của con người.

Hai lớp cấu kiện của ngôi nhà có chức năng như một màng lọc. Chúng loại bỏ yếu tố tiêu cực từ bên ngoài như bụi, tiếng ồn, nắng hướng Tây và đem ánh sáng tự nhiên, gió mát, nước mưa vào các khu vực cần thiết. Lớp tường ngoài cùng là một tấm che ngăn cách không gian bên trong với bên ngoài, liên kết nội thất với mặt tiền và làm mờ ranh giới đô thị – nhà ở thường thấy.

Công trình Cozy House / thiết kế: Hinzstudio

Mật độ xây dựng dày đặc, thiếu ánh sáng tự nhiên, không gian ngột ngạt và thiếu tính kết nối là đặc trưng dễ nhận thấy ở các công trình nhà phố tại Việt Nam. Đặc trưng này cũng chính là hình thái cũ của ngôi nhà mà chủ nhà từng ở. Một điều gì đó cần phải thay đổi, đó là tiếng nói chung đầu tiên giữa chủ nhà và kiến trúc sư, cho căn nhà tại TP Đà Nẵng này.

Từ mọi vị trí trong nhà, thậm chí là phòng ngủ, đều có thể cảm nhận được sự thay đổi của ánh sáng, không khí và gió trời. Vật liệu sử dụng chính là gạch trần và gỗ tự nhiên. Hình dáng mái và vật liệu sử dụng gợi nhớ đến hình ảnh những ngôi nhà ở miền thôn quê Việt Nam. Đây cũng chính là cảm hứng chính xuyên suốt của thiết kế.

Công trình D House 1 / thiết kế: Kientruc O

Với hiện trạng đối diện một con đường ồn ào bởi xe máy và xe tải vào bậc nhất của Sài Gòn, ngôi nhà khoảng 70 năm tuổi. Từ một khối nhà cấu trúc gạch ban đầu, 20 năm trước, ngôi nhà được bổ sung thêm vào một khối nhà kết cấu thép. Trong lần cải tạo này, kiến trúc sư đã “thêm” vào ngôi nhà một khoảng trống – kết nối và tạo nên sự yên bình tâm linh trước những biến động.

Chính phần cốt lõi của khoảng trống mạnh mẽ này tạo ra sự trải nghiệm về tính thuần khiết của cảm xúc, khơi gợi sự tinh tế trong cảm nhận về tự nhiên của người Việt trong bối cảnh hỗn mang của thời đại, mặc cho các phòng chức năng bao quanh có bị thay đổi mục đích sử dụng trong tương lai.

D House 2 / thiết kế: ARO Studio

Ngôi nhà nằm trong khu đô thị cũ của Hà Nội, vốn có mật độ xây dựng rất cao và hộn độn. Ngôi nhà nằm ở khu vực trũng nhất của thành phố nên quanh năm bị ngập nước vào mùa mưa, bởi vậy tầng đầu tiên của ngôi nhà phải được nâng lên cao hơn mực nước ngập cao nhất hàng năm.

Hình thể của khu đất là một hình nhiều hướng, có nhiều góc méo, bình thường là một bất lợi. Nhưng các kiến trúc sư đã tận dụng bất lợi đó tạo nên lợi thế để làm cho không gian trở nên vuông vắn và dễ sử dụng hơn, các góc méo được tận dụng tối đa để tạo ra các khoảng trống lấy ánh sáng và kết hợp với các không gian xanh.

Các khu vườn xanh trên mái nhà không những bảo vệ cư dân khỏi ánh sáng trực tiếp của mặt trời, tiếng ồn đường phố và ô nhiễm mà còn là nơi sản xuất rau sạch cung cấp dư thừa cho ngôi nhà và hàng xóm xung quanh.

Hơn nữa, thông gió tự nhiên qua mặt tiền cùng với ba giếng trời cho phép ngôi nhà này tiết kiệm năng lượng lớn trong điều kiên khí hậu khắc nghiệt của miền bắc Việt Nam.

Ngôi nhà Đức TP Hồ Chí Minh (Deutsches Haus HCMC) / thiết kế: Gmp

Ngôi nhà Đức TP Hồ Chí Minh là công trình cao ốc văn phòng cao cấp tiên phong về sáng tạo và tiết kiệm năng lượng, tọa lạc ngay trung tâm thành phố tại vị trí chiến lược ở góc đường Lê Duẩn – Lê Văn Hưu. Tòa nhà 25 tầng với tổng diện tích sử dụng lên tới khoảng 30.000 m2 được dùng làm văn phòng cao cấp.

Đây là một công trình được thiết kế trong suốt và lôi cuốn của thành phố, với mặt dựng thể hiện yếu tố kỹ thuật của Đức. Mặt dựng hai lớp của công trình nhấn mạnh yếu tố tiết kiệm năng lượng của tòa nhà trong điều kiện khí hậu của Việt Nam.

Tòa nhà cao tầng được chia thành hai khối được nối với nhau bằng một khe bằng kính, thông với không gian lưu thông trung tâm và một số chức năng khác như nhà hàng và Tổng lãnh sự.

Hình dáng của các khối nhà tạo ấn tượng cho công trình như một tác phẩm điêu khắc, phù hợp với yêu cầu chung về thiết kế đô thị. Vẻ ngoài lôi cuốn của mặt dựng kính càng tôn lên ấn tượng về tính điêu khắc của công trình.

Công trình Hoàng Tường House & Studio / thiết kế: Trường An architecture

Khu đất mà căn nhà được thiết kế và dựng lên được ngăn cách với con đường đầy hoa và cây bóng mát bởi một dòng kênh nối liền với sông Sài Gòn. Một cây cầu nhỏ bắc qua kênh nước để đi vào khu đất thấp hơn mặt đường độ chừng 1m.

Ý tưởng xuyên suốt trong quá trình thiết kế là một ngôi nhà sàn thời hiện đại. Bố cục gồm hai khối nhà hình chữ nhật. Đan cài vào bố cục là hai hồ nước tự nhiên – nước hồ thông lấy từ kênh. Đất lấy từ đáy ao hồ được dùng đắp nền cho xưởng vẽ, cây cối lâu năm được giữ lại và vun trồng.

Sự giản dị chân thực của đường nét, hình khối của vật liệu phổ thông cùng những lớp không gian tầng bậc chuyển tiếp, của những khoảng trống…được hòa quyện vào nhau một cách tự nhiên, tạo nên một tổng thể hài hòa, làm cho công trình có những yếu tố riêng biệt. Con người sống trong môi trường này như được chở che, bao bọc.

Công trình Pizza 4P’s Quận 3 / thiết kế: Nishizawa Architects

Nằm ở trung tâm TP Hồ Chí Minh, các tấm che của công trình tạo bóng mát và làm dịu ánh nắng chiếu trực tiếp, giúp cây cối trồng tại đây phát triển hiệu quả hơn.

Nishizawa Architects mô tả không gian trên nóc công trình là một “sự chuyển tiếp yếu tố đan xen giữa kiến trúc và thành phố, một không gian được tối ưu hiệu quả”.

Toàn bộ không gian bên trong, ban công, vườn được liên kết bởi các loại cây sắp xếp quanh nội thất. Nishizawa Architects chia sẻ, họ không thiết kế đây là một nhà hàng đơn thuần, mà là nơi mọi người thưởng lãm cây cối, nơi kiến trúc hòa hợp với thiên nhiên.

Công trình Terra Cotta Studio/ thiết kế: Tropical Space

Công trình nằm cạnh sông Thu Bồn thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Con sông có sự tương tác rất lớn đối với cuộc sống cư dân hai bờ. Cuộc sống phần lớn của cư dân ven sông là nông nghiệp cùng tồn tại với một số làng nghề truyền thống như gốm, chiếu, bánh tráng…

Công trình là không gian làm việc và sáng tác của nghệ nhân Lê Đức Hạ. Công trình là một khối lập phương 7x7x7m. Tiếp cận công trình là hệ hàng rào khung tre dùng để phơi gốm và ngồi chơi, uống trà thư giãn ngoài trời. Đồng thời cũng là hàng rào giới hạn không gian làm việc và khu vườn rộng lớn của xưởng gốm.

Qua hàng rào tre và vườn rau nhỏ là lớp vỏ công trình được tạo bằng gạch đất sét nung, gợi lại hình ảnh xưa kia của những lò nung gốm truyền thống, có ảnh hưởng ít nhiều từ văn hóa tinh thần của người Chăm.

Nhóm thiết kế muốn công trình trở thành nơi chứa đựng, chiêm nghiệm và lan truyền những cảm xúc của nghệ sĩ với những tác phẩm đang hình thành và cũng như sự tồn tại của nó. Công trình cũng là nơi đến để gặp gỡ, chia sẻ của những người yêu đất nung và muốn có những trải nghiệm với đất.

Thư viện VAC / thiết kế: Farming Architects

Ở công trình này, Farming Architects lý giải mô hình VAC đô thị, tạo ra một vòng khép kín vườn – ao - chuồng giữa thành phố. Mô hình này được gọi là VAC bởi nó có điểm tương đồng với mô hình VAC ở vùng nông thôn Việt Nam, đó là trồng rau kết hợp nuôi cá. Tuy vậy kết cấu chính của nó dựa trên hệ thống aquaponics - sử dụng nước tuần hoàn từ bể cá để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng.

Vi khuẩn nitrite/nitrate hóa sẽ chuyển chất thải từ bể nuôi cá sang dạng dinh dưỡng phù hợp cho cây trồng. Nước cũng được lọc sạch bởi cây trồng và cung cấp cho bể cá. Hệ thống này hy vọng có thể giải quyết được hai xu hướng nói trên.

Đây đồng thời là không gian thư viện mở trực quan dành cho trẻ em. Những đứa trẻ ở trong khu vực và nơi khác có thể đến đây chơi đùa cùng nhau, đọc sách tại thư viện và học về mô hình sinh thái này một cách trực quan ngay tại công trình.

Công trình VH house / thiết kế: ODDO architects

VH house lấy cảm hứng từ nhà cổ của Hà Nội, được thiết kế với nhiều sân vườn mở. Những khoảng trống mở tạo điều kiện cho luồng thông gió tự nhiên và cung cấp ánh sáng tự nhiên.

Trong thế giới hiện đại với nhịp sống bận rộn ngày nay, con người đã bị rời xa thiên nhiên. Con người cũng như các động vật khác nguồn gốc từ thiên nhiên, nên chúng ta cần kết nối lại với thiên nhiên để tạo ra một mối quan hệ tích cực trong sự phát triển bền vững.

Nhà VH house được thiết kế với nhiều không gian cây xanh. Trên mái nhà có 2 vườn xanh để trồng cây ăn quả và rau sạch. Ý tưởng công trình là trả lại gia đình một không gian vườn để trồng cây và tạo ra không gian nghỉ dưỡng giữa một TP bận rộn. Việc duy trì, chăm sóc vườn hàng ngày sẽ là một phần giáo dục trẻ em để tạo ra mối quan hệ tốt giữa con người và thiên nhiên.

Phúc Minh

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/quy-hoach-kien-truc/chiem-nguong-10-cong-trinh-kien-truc-an-tuong-nhat-tai-ashui-awards-2018.html