Chiêm ngắm nhà nguyện toàn bằng xương

Mới đây, trong hành trình khám phá bán đảo Iberia, đoàn chúng tôi đã trải qua cảm giác sợ hãi khi lần đầu được thấy kiểu trang trí kiến trúc vô cùng độc đáo.

Bầu trời Evora xanh ngắt

Nằm lưng chừng con dốc nhỏ tại thành phố cổ Evora, miền nam đất nước Bồ Đào Nha là Igrega de San Francisco, tức nhà thờ Thánh Francis (người Việt Nam quen gọi là Thánh Phanxicô), xây dựng từ năm 1475 - 1555 và đã được công nhận là Di sản quốc gia vào năm 1919.

Nép mình phía sau gian chính điện của ngôi thánh đường này là Capela dos Ossos, được biết đến nhiều hơn với tên gọi tiếng Anh là Chapel of Bones. Đây là nhà nguyện hết sức đặc biệt, bên trong trang trí hơn 5.000 mảnh xương và sọ người đủ mọi hình dáng khác thường.

Ngay lối vào nhà nguyện, các hàng cột, tường, mái vòm, xương người xếp san sát nhau và điểm xuyến bằng những hàng sọ trắng phếu..., du khách can đảm nhất cũng phải thoáng rùng mình khi đặt chân vào đây. Nhà nguyện không quá lớn, không khí lặng như tờ, chỉ vài ba tiếng xì xào của du khách. Khi lướt qua từng hàng cột, dãy tường, khách tham quan có cảm giác nhồn nhột sau gáy như hàng trăm đôi mắt vô hồn từ các hố mắt sâu hoắm của những chiếc đầu lâu trên tường dõi theo và gặng hỏi: "Lại một kẻ tò mò nữa à?".

Gian chính của nhà nguyện xương

Khi đã bớt cảm giác là lạ, lành lạnh lúc mới bước chân vào nhà nguyện đặc biệt này, mọi người lại cảm thấy quái gở và tự hỏi: Ai đã mang xương người quá cố ra làm vật liệu trang trí như vậy?

Nhưng rồi những suy nghĩ ấy thoáng chốc tan biến khi biết nguồn cơn của sự việc. Tồn tại từ hàng ngàn năm trước, từ thời La Mã, ngôi thành cổ Evora này từng là điểm giao thương phồn thịnh và hiện nay là một trong những thành phố lưu giữ nhiều kiến trúc còn lại của thời La Mã trọn vẹn nhất tại Bồ Đào Nha.

Cần biết thêm rằng, khi xưa tại châu Âu, nhà thờ thường là trung tâm của cộng đồng địa phương, từ lúc người ta còn sống cho đến khi đã chết. Giáo dân sống thì đi lễ hằng ngày, khi qua đời thường được chôn ngay trong nghĩa trang phía bên ngoài nhà thờ, các vị chức sắc tôn giáo hay quý tộc thì mai táng ở các gian thờ bên trong. Các nhà thờ lớn tại châu Âu xưa đều như vậy, bởi thời xa xưa, tín hữu Công giáo tin rằng xương người quá cố phải được cất giữ nguyên vẹn để còn sử dụng vào Ngày Phán xét chung (còn gọi là Ngày tận thế).

Một tác phẩm trang trí kiến trúc độc đáo

Vào thế kỷ XVI, khi thành phố Evora mở rộng, người ta phải di dời và giải tỏa các khu nghĩa trang thì vô số mộ phần có độ tuổi trên vài trăm năm không có gia đình hay con cháu nhận cải táng nơi khác. Mà tại Evora có hơn 40 nghĩa trang như thế từ xa xưa để lại, lúc ấy các vị tu sĩ thuộc dòng Francis đã nảy ra ý nghĩ dùng những bộ xương này để trang trí nhà nguyện của nhà thờ Thánh Francis đang xây dựng.

Một công đôi việc, vừa giải quyết rắc rối cho thành phố, vừa tạo ra công trình ý nghĩa, đồng thời linh hồn những người đã mất cũng được an ủi khi sớm chiều nghe kinh kệ nguyện cầu.

Ngay cổng vào nhà nguyện du khách sẽ thấy dòng chữ nhắc nhớ thân phận phù du từng người gánh chịu: "Nós ossos que aqui estamos pelos vossos esperamos - We bones that here are, for yours await" (Chúng tôi, những đống xương này đây chờ xương các bạn gia nhập).

Trong nhà nguyện toàn xương là xương

Ai rồi cũng phải chết, đời vốn dĩ hư vô, sống hay chết chỉ là một dạng chuyển tiếp mà thôi. Chắc có lẽ chẳng ai đủ thành tâm ở lại đây mà cầu nguyện thật lâu. Thôi nhón chân bước vội ra khỏi nhà nguyện để còn khám phá thế giới xinh tươi bên ngoài. Ngước mắt lên cao, bầu trời thành phố Evora xanh ngắt, tuyệt đẹp... hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu Di sản thế giới mà UNESCO đã ban tặng.

Lịch sử mấy ngàn năm của Evora không chỉ thấm đậm chất văn hóa La Mã mà còn là văn hóa Moore Hồi giáo, văn hóa Do Thái, văn hóa Bồ Đào Nha... Chỉ cần vài phút rảo bộ tỏa ra từ Praca de Giraldo (quảng trường) là du khách đã có thể cảm thấy mình đang lạc bước vào quá khứ.

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/diem-den/chiem-ngam-nha-nguyen-toan-bang-xuong-1085801.html