Chiếm lĩnh thị trường nội địa

Chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất, phối hợp với nhau và với các đơn vị trong ngành Công Thương để đẩy mạnh phân phối hàng Việt vào các đơn vị cùng ngành… Đó là các giải pháp được doanh nghiệp (DN) ngành dệt may triển khai trong thời gian qua nhằm chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - cho biết, những năm qua, ngành dệt may coi phát triển thị trường trong nước là nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, các DN trong ngành đã chủ động sản xuất các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam; đồng thời chủ động nguồn nguyên liệu trong nước như sợi, vải… để phục vụ sản xuất. "Đến nay, DN đã chủ động 70% nguyên liệu trong nước, chỉ còn nhập khẩu vải dệt thoi, bông. Đồng thời, phát triển được 158 thương hiệu, trong đó có nhiều thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng như An Phước, Việt Tiến, Nhà Bè, May 10…" - ông Giang cho hay.

Chủ động các giải pháp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa nguồn nguyên liệu

Bên cạnh đó, để hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (CVĐ), các DN trong Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã liên kết để trao đổi và phân phối hàng hóa hai chiều trong hệ thống của nhau. Đồng thời, các trang thiết bị phục vụ sản xuất các mặt hàng nội địa cũng được lãnh đạo các đơn vị trong tập đoàn chú trọng đầu tư theo dây chuyền, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển thị phần tại thị trường trong nước.

Ngoài ra, với thế mạnh và kinh nghiệm nhiều năm trong việc tham gia CVĐ, Vinatex đã tích cực phối hợp, liên kết hợp tác kinh doanh với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương để cung cấp sản phẩm đồng phục, đẩy mạnh công tác sử dụng sản phẩm của nhau. Cụ thể, Vinatex đang liên kết để cung cấp đồng phục cho 8 tập đoàn, tổng công ty thuộc các ngành xăng dầu, điện lực, dầu khí, hóa chất, thuốc lá với doanh thu từ vài tỷ đồng đến vài chục tỷ đồng/năm…

Trong thời gian tới, ông Vũ Đức Giang chia sẻ, DN dệt may sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa các sản phẩm dệt may vào các khu công nghiệp để phục vụ người lao động. Đồng thời, chủ động các giải pháp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa nguồn nguyên liệu. Dự kiến, tác động của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã, đang và sẽ tác động đến kích cầu đầu tư vào nguồn cung thiếu hụt, giúp nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Doanh thu cung cấp đồng phục của Vinatex tại Tổng công ty Điện lực miền Bắc trong 9 tháng năm 2018, đạt 45 tỷ đồng (cả năm 2017, đạt 38 tỷ đồng); Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đạt 25 tỷ đồng (cả năm 2017, đạt 29 tỷ đồng); Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, đạt 19 tỷ đồng (cả năm 2017, đạt 13 tỷ đồng)…

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chiem-linh-thi-truong-noi-dia-111808.html