Chiếm đoạt tiền từ thẻ tín dụng nhặt được, phạm tội gì?

Anh Nguyễn Duy M (SN 1982) đến nhà ông Hoàng Mạnh K (SN 1969) chơi, do vô ý nên anh M đã đánh rơi 1 thẻ tín dụng tại đây. Sau khi M ra về, con của ông K là Hoàng Huy H (SN 1995) đã nhặt được chiếc thẻ nói trên. Khi M quay lại nhà ông K tìm thẻ tín dụng và hỏi H có nhặt được thẻ thì trả lại, nhưng H đã phủ nhận. Sau đó, H đến cây ATM nhập thử mật khẩu rút tiền thì thấy máy chấp thuận (do anh M đặt mật khẩu rất đơn giản và dễ đoán), H đã rút được tổng số tiền là 20 triệu đồng và tiêu xài hết. Sau khi thấy tiền bị rút, anh M đã trình báo cơ quan công an. Trích xuất hình ảnh camera tại cây ATM, cơ quan công an đã xác định được Hoàng Huy H là người rút số tiền 20 triệu đồng từ thẻ tín dụng của anh Nguyễn Duy M. Vấn đề đặt ra là, với hành vi của mình Hoàng Huy H đã phạm tội gì?

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ý kiến bạn đọc

Phạm tội trộm cắp tài sản

Tôi cho rằng hành vi của Hoàng Huy H đã phạm vào tội trộm cắp tài sản, bởi lẽ khi H nhặt được thẻ tín dụng của anh Nguyễn Duy M, mặc dù lúc này chưa biết được số tiền trong thẻ là bao nhiêu nhưng H đã nảy sinh ý định chiếm đoạt. Ý đồ chiếm đoạt tiền trong thẻ của H được thể hiện rõ hơn khi anh M trở lại gặp H và hỏi xem có nhặt được thẻ tín dụng không thì H đã phủ nhận. Sau đó chính H đã đến cây ATM để rút 20 triệu đồng. Hành động này của H đã chứng minh sự lén lút khi chiếm đoạt tiền của anh M. Do đó theo tôi, Hoàng Huy H phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Nguyễn Thị Lan Hoa (Ý Yên - Nam Định)

Chiếm giữ trái phép tài sản

Theo tôi, hành vi của Hoàng Huy H trong vụ việc này đã phạm vào tội chiếm giữ trái phép tài sản của người khác. Theo quy định của pháp luật, tội chiếm giữ trái phép tài sản thể hiện bởi hành vi biến tài sản đang tạm thời không có người hoặc chưa có người quản lý thành tài sản của mình một cách trái phép dưới hình thức không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp tài sản. Khi H tình cờ nhặt được thẻ tín dụng của anh Nguyễn Duy M thì H đã không trả lại cho người sở hữu hợp pháp là anh M mà đã cố tình giữ lại luôn để sau này đi rút tiền. Vì vậy, Hoàng Huy H phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ tài sản trái phép theo quy định tại Điều 176 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đậu Ngọc Duyệt (Ứng Hòa - Hà Nội)

Không phạm tội hình sự

Có thể thấy trong vụ việc này Hoàng Huy H đã tình cờ nhặt được thẻ tín dụng của anh Nguyễn Duy M. Khi anh M tìm đến yêu cầu H trả lại nhưng H đã nói dối là không nhặt được thẻ. Tôi cho rằng bản thân thẻ tín dụng thì không có giá trị, hơn nữa hành vi chiếm đoạt tiền trong thẻ tín dụng của Hoàng Huy H không có sự lén lút, vì H đã đến cây ATM rút tiền một cách công khai nên H không phạm tội trộm cắp tài sản. Còn đối với tội chiếm giữ trái phép tài sản của người khác, do thẻ tín dụng không có giá trị nên H cũng không phạm tội này. Theo tôi, trong vụ việc này chỉ yêu cầu Hoàng Huy H trả lại tiền cho anh M và sau đó xử phạt hành chính đối với H.

Nguyễn Kim Tuyến (Kim Bôi - Hòa Bình)

Bình luận của luật sư

Trong vụ việc này, để trả lời được câu hỏi Hoàng Huy H phạm tội gì, chúng ta cần phải trả lời được câu hỏi mấu chốt: Tài sản trong vụ việc này là chiếc thẻ tín dụng hay là tiền gửi ở ngân hàng?

Theo chúng tôi, tài sản trong giao dịch dân sự cũng như tài sản trong vụ án hình sự phải là tài sản được quy định bởi Bộ luật Dân sự hiện hành. Theo Điều 105 - Bộ luật Dân sự 2015: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Như vậy có 4 loại được xác định là tài sản. Đối với “vật, tiền” thì dễ thống nhất về nhận thức. Còn quyền tài sản được quy định tại Điều 115 - Bộ luật Dân sự 2015 như sau: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”. Đối với giấy tờ có giá thì tại điểm 8, Điều 6 - Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 16-6-2010 thì giấy tờ có giá “là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”.

Theo quy định này thì giấy tờ có giá có thể là một trong các loại giấy tờ sau đây: Hối phiếu đòi nợ, Trái phiếu Chính phủ, Trái phiếu công ty, Tín phiếu, Công trái, Các loại chứng khoán… Thẻ tín dụng không phải giấy tờ có giá nên không phải là tài sản. Nếu trường hợp H chiếm đoạt được thẻ tín dụng của anh M mà không biết mật khẩu (mã PIN) thì không rút được tiền từ máy ATM, và anh M không bị mất tài sản thì H sẽ không phạm tội. Tuy nhiên, trên thực tế H đã chiếm đoạt thẻ tín dụng của anh M, đã rút được tiền từ máy ATM và anh M đã bị mất tài sản, thì hành vi của H đã cấu thành tội phạm. Chính vì vậy, ý kiến cho rằng H không phạm tội hình sự là không phù hợp. Bởi lẽ, trên thực tế, H đã thực hiện hành vi chiếm đoạt số tiền 20 triệu đồng của anh M một cách bất hợp pháp. Vậy vấn đề đặt ra trong vụ việc này, H đã phạm tội trộm cắp tài sản hay tội chiếm giữ tài sản trái phép? Tội trộm cắp tài sản tại Điều 173 và tội chiếm giữ trái phép tài sản tại Điều 176 - Bộ luật Hình sự 2015 có những điểm giống và khác nhau như sau:

Về giống nhau: Cả 2 tội này đều có khách thể của tội phạm là quan hệ sở hữu, lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm giữ, đoạt được tài sản của người khác. Về khác nhau: Đối tượng của tội trộm cắp tài sản là tài sản đang có chủ sở hữu như điện thoại trong túi, xe máy trong nhà… tài sản đang nằm trong khu vực quản lý, bảo quản, như đồ trong công ty, tổ chức… hoặc tài sản có người bảo vệ trông coi, hoặc không có người trông coi như tài sản trong nhà kho, phân xưởng…

Trong khi đó, đối tượng của tội chiếm giữ trái phép tài sản là những tài sản không có chủ hoặc chưa có chủ (như tài sản bị đánh rơi, bỏ quên, giao nhầm…) hoặc là những tài sản chưa được phát hiện (như kim khí quý, những vật báu còn trong lòng đất). Về hành vi khách quan của tội trộm cắp tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác một cách lén lút, với thủ đoạn lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của người quản lý tài sản, không trông giữ cẩn thận hoặc lợi dụng vào hoàn cảnh khách quan khác như: chen lấn, xô đẩy, nhằm tiếp cận tài sản để thực hiện hành vi chiếm đoạt mà người quản lý tài sản không biết. Trong đó, chiếm đoạt được hiểu là “hành vi cố ý chuyển dịch trái pháp luật tài sản đang được sự quản lý của chủ sở hữu tài sản thành tài sản của mình”. Còn ở tội chiếm giữ trái phép tài sản thì người phạm tội có được tài sản là do ngẫu nhiên, có thể là do bị giao nhầm, nhặt được hoặc tìm được. Tuy nhiên sau khi có được tài sản, người phạm tội cố tình biến tài sản đó thành tài sản của mình một cách trái phép, thể hiện dưới dạng một trong các hành vi: không trả lại tài sản được giao nhầm cho chủ sở hữu; hoặc không giao nộp cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tài sản mà mình bắt được, tìm được… mà tiếp tục chiếm hữu, sử dụng hoặc định đoạt tài sản đó.

Trở lại nội dung vụ việc, căn cứ vào cấu thành của những tội danh này, theo chúng tôi Hoàng Huy H không phạm tội chiếm giữ trái phép tài sản của người khác. Bởi lẽ, chiếm giữ trái phép tài sản là hành vi cố tình không trả lại tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cho cơ quan có trách nhiệm về tài sản do bị giao nhầm, do tìm được, bắt được sau khi đã có yêu cầu nhận lại tài sản đó. Trong trường hợp này, rõ ràng là H nhặt được thẻ tín dụng và cố tình không trả lại. Tuy nhiên, đối tượng là thẻ tín dụng chứ không phải là số tiền trong thẻ. Mặt khác, thẻ tín dụng lại không có giá trị, không thỏa mãn cấu thành tội chiếm giữ trái phép tài sản của người khác nên H không phạm tội này.

Theo những tình tiết trong vụ việc, chúng tôi cho rằng hành vi của Hoàng Huy H đã phạm vào tội trộm cắp tài sản. Bởi lẽ, một trong các biểu hiện của tội phạm trộm cắp là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác. “Chiếm đoạt” như đã phân tích ở trên là việc cố ý chuyển dịch trái pháp luật tài sản của người khác thành tài sản của mình. Còn “lén lút” là hành vi cố ý giấu giếm, vụng trộm không để lộ ra nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác; việc che giấu có thể là che giấu toàn bộ (với tất cả mọi người) hoặc công khai trước sự chứng kiến của nhiều người nhưng vẫn che giấu hành vi phạm tội với chủ tài sản… Mặc dù thẻ tín dụng đã bị mất nhưng tài sản vẫn thuộc quyền sở hữu của anh Nguyễn Duy M. Khi anh M nghi ngờ H nhặt được thẻ tín dụng và đã xin lại, nhưng H đã cố tình không trả. Ý thức chiếm đoạt tài sản của H là ngay từ đầu, do đó Hoàng Huy H phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Luật sư Phạm Thái Sơn (Văn phòng Luật sư Sơn Phạm)

ANTĐ

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/phap-luat/chiem-doat-tien-tu-the-tin-dung-nhat-duoc-pham-toi-gi/810969.antd