Chiếm đoạt tài sản hay tổ chức đánh bạc khi lừa người quay số trúng thưởng bằng chíp điện tử?

Nguyễn Hữu T. rủ Nguyễn Hữu K., Trịnh Tứ Đ. và Phạm Văn H. đến Hội chợ thương mại để tổ chức trò chơi quay số trúng thưởng (kiểu quay giống chương trình 'Chiếc nón kỳ diệu'). Tại hội chợ, với bộ đồ nghề gồm một bàn quay số có đặc điểm mô phỏng hình chiếc nón kỳ diệu, dưới gầm bàn quay số, bên trong các thanh gỗ của bàn quay có lắp các thiết bị gồm bảng mạch điện tử, mô tơ điện và các thiết bị bánh quay, công tắc…

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Nội dung vụ việc

Mọi công việc do T. phân công, chỉ đạo. Đ. là người trực tiếp quay nón, thu tiền đặt cửa của người chơi thua và trả tiền cho người chơi thắng. K. và H. làm “cò mồi” - tức là đứng xung quanh nón, giả làm người chơi và đặt tiền vào các cửa không có người đặt ở trên nón, đồng thời có lời nói nhằm kích động lôi kéo người đi hội chợ tham dự trò chơi. Thỉnh thoảng T. cũng tham gia đặt cửa giả làm người chơi nhưng công việc chính là ở xa điều khiển chíp điện tử. Cuối mỗi buổi quay số, Đ., K. và H. phải nộp lại toàn bộ số tiền thu được cho T. Khi các đối tượng đang tổ chức trò chơi thì bị cơ quan công an phát hiện bắt quả tang và thu giữ toàn bộ tang vật cùng hơn 90 triệu đồng tiền bất chính thu được từ trò chơi. Các đối tượng này khai nhận có gắn chíp điện tử điều khiển từ xa để người chơi không bao giờ thắng, chỉ những người giả làm người chơi mới quay trúng ô được tiền, chính vì vậy mới thu được khoản tiền lớn kể trên.

Vấn đề đặt ra là với hành vi lừa đảo người quay số trúng thưởng bằng chíp điện tử, các đối tượng trong vụ việc này đã phạm tội gì?

Ý kiến bạn đọc

Phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Có 2 trường hợp xảy ra: Nếu các trò chơi này được thực hiện bằng những máy móc không có hỗ trợ con chip điện tử điều khiển từ xa mà chúng hoạt động hoàn toàn mang tính khách quan, may rủi (tức là không có yếu tố gian dối) thì xử lý những người tổ chức trò chơi về tội tổ chức đánh bạc và những người tham gia trò chơi về tội đánh bạc là điều tất yếu. Trường hợp thứ hai, nếu các trò chơi quay số trúng thưởng được gắn chip điều khiển từ xa (có yếu tố gian dối), thì phải xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là chính xác.

Hà Quốc Định (Ân Thi - Hưng Yên)

Tội tổ chức đánh bạc

Trong vụ việc này, có thể thấy Nguyễn Hữu T. đã có hành vi tổ chức quay số trúng thưởng trái phép ăn tiền. Đây chính là hành vi tổ chức đánh bạc đã được quy định trong Bộ luật Hình sự với vai trò là người chủ mưu. T. không thể phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bởi lẽ hành vi lừa đảo phải nhằm chiếm đoạt tài sản hợp pháp của cá nhân. Trong khi đó những người tham gia quay số trúng thưởng để ăn tiền đã có hành vi vi phạm pháp luật, do đó tài sản họ dùng để đánh bạc không thể được coi là tài sản hợp pháp. Ngoài ra, như chúng ta đều đã biết chuyện gian dối trong cờ bạc là đương nhiên. Vì vậy, trong vụ việc này, T. đã phạm tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc theo Điều 322, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Hoàng Thị Thúy (Yên Mô - Ninh Bình)

Các đối tượng đã dùng thủ đoạn gian dối

Bộ luật Hình sự hiện hành quy định các tội phạm về đánh bạc phải có tính chất được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị, tức là mang tính sát phạt, bóc lột nhau hoàn toàn dựa trên yếu tố may rủi, không có sự sắp xếp, gian dối, lừa đảo trong quá trình tham gia chơi của các bên. Còn những hành vi dùng thủ đoạn gian dối, đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm để người khác tin đó là sự thật và chiếm đoạt tài sản của người đó thì phải xác định là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nguyễn Hữu T. và các đối tượng trong vụ việc này đã có hành vi dùng thủ đoạn gian dối, gắn chíp điện tử điều khiển từ xa khiến người tham gia tưởng giả thành thật, từ đó chiếm đoạt tài sản của họ. Vì vậy, các đối tượng này đều phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Nguyễn Văn Dương (Thanh Thủy - Phú Thọ)

Bình luận của luật sư

Trên thực tế, các vi phạm hành chính và tội phạm “cờ bạc” là hiện tượng diễn ra phổ biến, có sức thu hút không nhỏ đối với nhiều bộ phận dân cư. Lợi dụng sự ham mê này, đã diễn ra thực trạng một số đối tượng lợi dụng cờ bạc, sử dụng các mánh khóe, thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của những người tham gia. Người tham gia có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự về hành vi “đánh bạc”, riêng đối với hành vi của đối tượng dùng thủ đoạn gian dối, tùy trường hợp cụ thể mà có thể cấu thành tội “tổ chức đánh bạc” hoặc “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Để làm rõ trong vụ việc này Nguyễn Hữu T. và đồng bọn phạm tội gì cần đi vào tìm hiểu những điểm khác biệt giữa hai loại tội phạm cụ thể này:

Về khách thể, tội tổ chức đánh bạc xâm phạm tới trật tự xã hội (tác động thông qua việc làm biến đổi xử sự bình thường của con người), tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xâm phạm tới quyền sở hữu tài sản (tác động thông qua việc làm thay đổi tình trạng bình thường của tài sản: chiếm đoạt tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của cá nhân).

Về mặt khách quan, tội tổ chức đánh bạc thể hiện ở hành vi chủ mưu (sắp đặt địa điểm, cung cấp công cụ đánh bạc…), rủ rê, lôi kéo, kích động các đối tượng khác tham gia đánh bạc. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thể hiện ở hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho người có tài sản tưởng giả thành thật nên tự nguyện giao tài sản cho người có hành vi gian dối. Nói cách khác, hành vi khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bao gồm hai hành vi: hành vi gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản. Hành vi gian dối là điều kiện, tiền đề để thực hiện hành vi chiếm đoạt, và ngược lại chiếm đoạt là kết quả của hành vi gian dối.

Từ những khác biệt này, theo chúng tôi trong vụ án trên hành vi của Nguyễn Hữu T. và đồng bọn cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015. Căn cứ để khẳng định điều này là việc T. đã có hành vi gian dối, thể hiện qua việc gắn chíp điện tử điều khiển từ xa để người chơi không bao giờ thắng, chỉ những người giả làm người chơi mới quay trúng ô được tiền. Hành vi đó nhằm tới việc chiếm đoạt tài sản của những người tham gia vào trò chơi quay số trúng thưởng này. Việc tổ chức trò chơi quay số trúng thưởng ở đây là được xem là thủ đoạn để thực hiện mục đích chiếm đoạt tài sản của T. và đồng bọn.

Bên cạnh đó, theo hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, “đánh bạc” được hiểu là nhiều người tham gia thực hiện hành vi dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật. Cần phải hiểu “đánh bạc” là quá trình những người tham gia chơi bạc với nhau trên cơ sở sòng phẳng, sát phạt lẫn nhau để giành phần thắng, hành vi gian dối có thể có ở đây, nhưng thời điểm nó phát sinh phải nằm trong quá trình các con bạc đã thực hiện trên thực tế hành vi “đánh bạc”.

Các đối tượng khởi đầu tham gia đều với động cơ sát phạt nhau thu lợi, nhưng trong quá trình chơi, để đạt được mục đích giành phần thắng, kiếm lời và kiếm lời cao nhất nên sử dụng thủ đoạn gian lận. Hành vi gian dối ở đây tuy thể hiện sự không sòng phẳng giữa các con bạc song nó mới chỉ dừng lại ở phạm vi một thủ đoạn để giải quyết việc được thua trên chiếu bạc, chưa thể coi là hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác. Trong khi đó ở vụ án này T. đã có sự chuẩn bị chu đáo từ trước bằng cách chuẩn bị bộ đồ nghề gồm một bàn quay số có đặc điểm mô phỏng hình chiếc nón kỳ diệu, dưới gầm bàn quay số, bên trong các thanh gỗ của bàn quay có lắp các thiết bị gồm bảng mạch điện tử, mô tơ điện và các thiết bị bánh quay, công tắc….

Đây là hành vi gian dối thể hiện qua việc T. có mục đích che giấu người chơi, khiến những người này tưởng giả thành thật, dẫn đến hậu quả bị chiếm đoạt tài sản vì lầm tưởng thua bạc. Hành vi của T. và đồng bọn như vậy đã thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu về hành vi khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Một điểm khác, đương nhiên pháp luật không bảo vệ các tài sản phục vụ cho việc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, tuy vậy nếu tài sản những người tham gia chơi đưa vào đánh bạc có nguồn gốc hợp pháp thuộc về họ, thì khi xem xét về hành vi gian dối của Nguyễn Hữu T. cần nhìn nhận rằng T. đã có ý thức chính hướng đến việc “cuốn hút” các tài sản đang tồn tại ở dạng sở hữu hợp pháp của các những người chơi để chiếm đoạt, mà không đặt cao mục đích hưởng lợi qua việc tổ chức cho các những người này chơi quay số trúng thưởng.

Như vậy, hành vi của T. và đồng bọn xét đến cùng chính là hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản hợp pháp của cá nhân. Còn đối với những người chơi, việc tham gia quay số trúng thưởng là hoàn toàn dựa trên ý chí tự nguyện, do đó đối với những người này, họ là người có lỗi khi chuyển các tài sản từ dạng hợp pháp, được pháp luật bảo vệ sang dạng tài sản phục vụ cho hành vi vi phạm, không được pháp luật bảo vệ. Vì lý do này mà quyền sở hữu đối với các tài sản đó sẽ không được phục hồi.

Từ các phân tích trên, theo chúng tôi Nguyễn Hữu T. và đồng bọn đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Luật sư Đoàn Mạnh Hùng (Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh)

ANTĐ

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/phap-luat/chiem-doat-tai-san-hay-to-chuc-danh-bac-khi-lua-nguoi-quay-so-trung-thuong-bang-chip-dien-tu/786282.antd