Chiếc vợt bắt cá trong đời sống của đồng bào Cơ Tu

Từ xa xưa, người dân tộc Cơ Tu vùng núi Quảng Nam đã biết tích lũy nhiều kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi, hái lượm, săn bắt thú rừng... Đặc biệt, người Cơ Tu rất giỏi đan các ngư cụ, trong đó có chiếc vợt để trong lúc nông nhàn bắt cá ở sông, khe, suối nhằm kiếm thêm nguồn thực phẩm, cải thiện bữa ăn gia đình và phục vụ lễ hội truyền thống của làng.

Phụ nữ Cơ Tu chuẩn bị cho chuyến đi bắt cá bằng vợt. Ảnh: Nguyễn Văn Sơn

Phụ nữ Cơ Tu chuẩn bị cho chuyến đi bắt cá bằng vợt. Ảnh: Nguyễn Văn Sơn

Già làng Cơ Tu Cơlâu Blao (77 tuổi), hiện đang sống tại thôn Voòng, xã Tr’Hy, huyện Tây Giang cho biết: Tại địa bàn sinh sống của đồng bào Cơ Tu, có nguồn nguyên liệu dồi dào từ núi rừng như mây, tre, nứa, lồ ô và các loại dây leo,...mọc hoang dã. Đây là điều kiện để đồng bào Cơ Tu phát triển nghề đan lát thủ công, trong đó có nghề đan lưới, đan vợt để bắt cá, nhằm phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt cũng như vận chuyển và săn bắn, hái lượm từ thiên nhiên. Người Cơ Tu gọi vợt bắt cá là zờ nứt.

Để có vợt bắt cá (zờ nứt), đồng bào Cơ Tu vùng cao (Cơ Tu đriu) thuộc các xã: Chơ Chum, Chà Val, Zuôih (huyện Nam Giang) và các xã: Ch’Om, Ga Ry, A Xan, Tr’Hy (huyện Tây Giang) vào rừng khai thác từ cây bhơ nương. Cây bhơ nương mọc hoang dã, có thân nhỏ, dẻo, cao từ 1-1,5m, đường kính khoảng 0,5cm. Cây mọc thành từng bụi, mỗi bụi có khoảng 100 cây, nếu được chăm sóc tốt cây có thể duy trì suốt cả thời gian dài, vì sau khi chặt lấy cây già thì cây non tiếp tục lại mọc lên. Vỏ cây bhơ nương có 2 lớp: Lớp ngoài cùng màu xám xanh, lớp thứ hai gồm những sợi nhỏ và được sử dụng lấy sợi.

Phụ nữ Cơ Tu chặt cây bhơ nương về, dùng dao bóc bỏ lớp vỏ ngoài, còn lại lớp vỏ lụa để lấy sợi. Sợi của cây bhơ nương đem ngâm dưới suối khoảng một tuần, sau đó, vớt lên đem phơi khô để se sợi. Sợi bhơ nương rất hữu dụng trong việc đan vợt bắt cá. Còn với người Cơ Tu vùng thấp (Cơ Tu phương), thuộc các xã: Zơ Ngây, Sông Kôn, Mà Cooih, Tà Lu, Za Hung... (huyện Đông Giang) thường dùng lá cây dứa để lấy sợi đan lưới, làm dây câu cá, đan vợt bắt cá... Muốn đan vợt, phụ nữ Cơ Tu thường lên nương rẫy, cắt lá dứa mang về, phơi cho héo, sau đó, dùng dao cạo lớp ngoài ở hai mặt lá, chỉ còn lại những sợi tơ trắng rồi tướt lấy sợi đem phơi cho khô.

Theo đó, cách se sợi cho hai loại sợi này cũng đơn giản. Phụ nữ Cơ Tu lấy những sợi nhỏ đã tách đưa vào bắp vế rồi lấy tay se lại thành từng sợi to hơn. Se được bao nhiêu thì quấn thành bó để dành đan dần. Những lúc nông nhàn, bên cạnh dệt vải, phụ nữ Cơ Tu vùng núi Quảng Nam cũng thường đan vợt bắt cá.

Phụ nữ Cơ Tu thường rủ nhau đi bắt cá bằng vợt vào ban ngày hoặc đêm trăng sáng với số lượng đông. Từng tốp vài ba chị em chia khúc sông, suối, khe ra khuấy động làm cho nước đục, cá trú trong các hốc, hang, thấy động chạy ra. Phụ nữ chỉ cần ngâm vợt để sẵn là cá tự chui vào. Để bắt được nhiều cá, phụ nữ một tay cầm cán đẩy vợt di chuyển cho phù hợp với mực nước. Sau đó, luồng vợt từ từ lướt lên mặt nước. Công việc có vẻ đơn giản, nhưng cách bắt cá bằng vợt lại khá hiệu quả đối với phụ nữ Cơ Tu miền núi Quảng Nam, đã giúp họ kiếm thêm nguồn thực phẩm cải thiện bữa ăn hằng ngày.

Điều đáng nói, người Cơ Tu không đánh bắt tràn lan, tận diệt các loài thủy sản. Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trừ những trường hợp làng có lễ hội, cần cá để đãi khách thì làng mới cho phép, nhưng bắt buộc phải tuân theo quy định, nên cách bắt cá bằng vợt, bằng lưới của người Cơ Tu thể hiện tính nhân văn và ý thức của họ với môi trường. Người Cơ Tu chỉ bắt cá đã lớn để ăn được, chứ không bắt cá nhỏ để chúng còn sinh trưởng. Khi khai thác cá nhiều ăn không hết, người Cơ Tu thường bảo quản cá bắng cách tẩm muối và cho các loài cá bắt được vào ống lồ ô, ống tre để làm thực phẩm dự trữ trong mùa giáp hạt và phục vụ cho lễ hội truyền thống của làng.

Ngày nay, dù có nhiều mặt hàng công nghiệp có sẵn, tiện lợi, môi trường sống của người Cơ Tu vùng núi Quảng Nam cũng có nhiều thay đổi, nhưng những vật dụng làm từ vỏ cây bhơ nương, lá cây dứa để lấy sợi đan lưới, làm dây câu cá, đan vợt bắt cá vẫn còn hiện hữu trong đời sống của đồng bào Cơ Tu. Thiết nghĩ, việc lưu giữ và truyền bá những tri thức, kinh nghiệm trong việc khai thác thủy sản cho thế hệ trẻ người Cơ Tu là cần thiết và có thể xây dựng nó trở thành bản sắc văn hóa của đồng bào Cơ Tu trên vùng Trường Sơn.

Nguyễn Văn Sơn

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chiec-vot-bat-ca-trong-doi-song-cua-dong-bao-co-tu-post439383.html