Chiếc thước kẻ Bác tặng

QĐND -Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Thị Kim Liên quê ở xã Xuân Trung, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Năm 1959, khi mới 17 tuổi, chị thoát ly gia đình và công tác ở Đoàn Văn công tỉnh Nam Định; là một trong những nghệ sĩ thành công trên 3 lĩnh vực nghệ thuật: Hát chèo, hát chầu văn và ngâm thơ. Những đóng góp của chị góp phần vào việc giữ gìn và phát triển các loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt, diễn viên Nguyễn Thị Kim Liên vinh dự 4 lần được gặp Bác Hồ; được ăn cơm cùng Bác, nhận huy hiệu Bác trao và được Bác tặng chiếc thước kẻ-kỷ vật thiêng liêng.

Lần đầu nữ nghệ sĩ gặp Bác Hồ năm 1963, khi đang biểu diễn ở thành phố Nam Định. Lúc đó, chị đóng vai cô Tâm trong vở chèo “Chị Tâm bến Cốc” của tác giả Tào Mạt. Kết thúc vở diễn, Bác lên sân khấu tặng hoa cho nữ diễn viên. Bác nói: “Bó hoa này Bác tặng cho cô Tâm hát hay, múa dẻo. Bác mong Kim Liên sẽ làm được như cô Tâm trong vở chèo”. Lần thứ hai, vào tháng 12-1968, Đoàn Chèo Nam Định lên Hà Nội biểu diễn vở “Trần Quốc Toản ra quân”. Khi các diễn viên đang nghỉ ở Nhà khách số 8 Hùng Vương thì được đồng chí Vũ Kỳ thông báo 4 nữ diễn viên tiêu biểu được đến thăm Bác, trong số đó có Kim Liên.

 Chiếc thước kẻ Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng nghệ sĩ Kim Liên, được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Chiếc thước kẻ Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng nghệ sĩ Kim Liên, được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Ngày 16-7-1969, sau khi sang Pháp biểu diễn về nước, diễn viên Kim Liên cùng 11 diễn viên của Nhà hát Chèo Việt Nam được đến gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. Vinh dự nhất, chị được chọn là nghệ sĩ xuất sắc của tổ chèo, được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người. Vui hơn là ngay hôm sau, Kim Liên được Bác Hồ mời đến Phủ Chủ tịch ăn cơm cùng. Trước lúc ra về, Người lấy trên bàn làm việc chiếc thước kẻ tặng Kim Liên và gửi kẹo về cho hai con gái của chị.

Xúc động trong buổi trao kỷ vật của Bác tặng lại Bảo tàng Hồ Chí Minh, nữ nghệ sĩ Nguyễn Thị Kim Liên xúc động chia sẻ: "Khi tặng tôi chiếc thước, Bác nói: "Khi đi bôn ba một số nước, Bác đã nhặt được miếng gỗ này, tự tay gọt đẽo và Bác dùng trong suốt mấy chục năm. Bây giờ, Bác cho cháu làm kỷ niệm!".

Kỷ vật tưởng giản dị nhưng có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Trên chiếc thước kẻ, Bác Hồ đã tự tay khắc dòng chữ "SNK" rồi tô đậm bằng mực đỏ. Ba chữ ấy có nghĩa là "Suy nghĩ kỹ". Nữ nghệ sĩ Kim Liên luôn gìn giữ cẩn thận chiếc thước kẻ, mỗi khi dự định làm bất kỳ một việc gì, bà đều nhớ đến 3 chữ tô đỏ của Bác Hồ như một lời dạy, một phương châm sống để bà cố gắng vươn lên. Bà đã không ngừng nỗ lực phấn đấu và cống hiến hết mình cho hoạt động nghệ thuật.

Bài và ảnh: PHÍ THỊ HỒNG VÂN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/chiec-thuoc-ke-bac-tang-555818