Chiếc phao an toàn cho học sinh

Đưa môn bơi lội vào trường học là một trong những chủ trương đúng đắn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nó không chỉ giúp cho học sinh các cấp hoàn thiện chân - thiện - mỹ, rèn luyện sức khỏe mà còn phòng chống tình trạng đuối nước. Đây cũng chính là nguyện vọng của đông đảo phụ huynh học sinh.

Đuối nước - nguyên nhân gây tử vong hàng đầu

Ngày 19.7.2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1248/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 - 2030. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành giáo dục và đào tạo chú trọng “tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức; trang bị kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước; giáo dục kỹ năng bơi an toàn cho học sinh”.

Hôm qua, 5.9, sau khi dự lễ khai giảng năm học mới tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, 4 học sinh rủ nhau lên suối Trà Bói ở xã Trà Giang để tắm thì xảy ra sự việc đau lòng. Em Trần Đình D (15 tuổi) và Nguyễn Duy N (16 tuổi) đều thường trú tại xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi bị đuối nước tử vong.

Hay mới đây, chiều 22.8 tại TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, một nhóm học sinh sau khi đá bóng xong đã xuống tắm tại một hố nước thuộc Dự án khu đô thị Nam Vĩnh Yên thì xảy ra đuối nước. Sự việc khiến N.Đ.C. (11 tuổi), N.Q.V. (15 tuổi), T.V.T. (13 tuổi) tử vong. Riêng em N.Đ.K (12 tuổi) được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo thống kê của Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, từ tháng 1 - 5.2022 có 113 trẻ bị tử vong do đuối nước. Đuối nước là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em từ 5 - 14 tuổi. Tại cuộc làm việc với Đoàn liên ngành về công tác phòng, chống đuối nước ở tỉnh Thanh Hóa mới đây cho thấy, từ 2020 đến tháng 4.2022, trên địa bàn tỉnh có 99 trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích. Trong đó, có 80 trẻ em bị tử vong do đuối nước (chiếm tỷ lệ 80,8%).

Thực tế cho thấy, tỷ lệ tử vong do đuối nước cao một phần do trẻ ít được tiếp cận các chương trình giáo dục kỹ năng chống đuối nước trong nhà trường. Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân; đầu tiên là việc xác định bơi lội chỉ là môn học tự chọn trong nhà trường.

Theo Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, dạy bơi an toàn hiện được các trường thực hiện như một hoạt động ngoại khóa. Từ chương trình, các bộ, ngành, địa phương đã đặt ra các mục tiêu cụ thể, tuy vậy thực tế cho thấy, kết quả không như mong đợi. Bởi cách xác định môn bơi như một hoạt động ngoại khóa dẫn đến tâm lý xem nhẹ môn học này ở không ít nhà trường. Trước thực trạng này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện số 398/CĐ-TTg ngày 2.5.2022 yêu cầu các bô, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em.

Đưa môn bơi lội vào học chính khóa?

Anh Nguyễn Văn Lực (phường Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội) có hai con đang là học sinh THCS chia sẻ: "đáng lý ra, kỹ năng bơi lội phải được đưa vào trường học lâu rồi. Ai cũng mong con em được giáo dục toàn diện về trí tuệ, thể chất và đạo đức, bên cạnh đó môn bơi còn là giải pháp hữu hiệu ngăn chặn tai nạn đuối nước, nguyên nhân tử vong hàng đầu của trẻ em hiện nay".

Anh Đỗ Đức Mạnh là giáo viên dạy bơi tại bể bơi phường Phúc Lợi (Long Biên, Hà Nội) cho biết: "thời gian gần đây, số lượng người có nhu cầu học bơi tăng rất cao. Đặc biệt là các em đang ở độ tuổi ngồi trên ghế nhà trường. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2022, tôi đã dạy cho khoảng gần 200 học viên. Cá nhân tôi cho rằng, các nhà trường từ cấp tiểu học, cấp THCS, thậm chí là cấp THPT nên có quy định môn bơi sẽ là môn học chính khóa bởi ngoài tác dụng nâng cao thể chất thì môn bơi chính là kỹ năng sinh tồn giúp các em tránh những tai nạn đáng tiếc do đuối nước gây ra".

Mặc dù đã có nhiều cố gắng, thế nhưng để triển khai chương trình này tại các trường còn gặp nhiều khó khăn. Ông Hoàng Minh Tuân - Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Diễn Châu, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, cho hay, trường học nằm tại khu vực gần biển và có nhiều học sinh sinh sống ở khu vực có nhiều sông ngòi nên việc tuyên truyền về phòng chống đuối nước cho các em học sinh luôn được nhà trường lưu tâm. “Lợi ích mà việc dạy bơi đem lại là điều chúng ta không thể phủ nhận. Song, để có thể triển khai dạy bơi trong trường học là điều không hề dễ dàng. Bởi lẽ, kinh phí để xây dựng một bể bơi là không hề nhỏ”.

Từ thực tế cho thấy, việc tổ chức dạy bơi trong nhà trường vẫn còn hạn chế do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến số lượng trường học được đầu tư bể bơi là rất ít (hầu như chưa có), chỉ có ở một số trường điểm, trường chuẩn quốc gia (số trường này rất ít). Đội ngũ giáo viên môn giáo dục thể chất biết bơi và biết dạy bơi còn hạn chế và thiếu. Hơn nữa, trường không có bể bơi thì họ cũng không có cơ sở vật chất để dạy. Do vậy, việc triển khai công tác phòng tránh tai nạn đuối nước trong nhà trường mới chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền nhận thức giáo dục hành vi.

Có thể thấy rằng, việc đưa môn bơi vào trường học là cần thiết đồng thời đáp ứng được mong mỏi của các em học sinh, các bậc phụ huynh và cũng là mong muốn của toàn xã hội. Chính vì thế, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em, ngành giáo dục cùng các ban ngành, sớm cung cấp kinh phí, chung tay góp sức để triển khai xây dựng bể bơi đưa môn bơi vào dạy trong các trường học trong thời gian sớm nhất.

Thái Yến - Nguyễn Ngân

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/chiec-phao-an-toan-cho-hoc-sinh-i299938/