Chiếc nỏ trong đời sống của người Cơ Tu

Đến thôn Bhờ Hôồng 1, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam vào một ngày cuối Thu, chúng tôi rất ấn tượng khi được giới thiệu về một loại vũ khí thông dụng, gắn bó với người Cơ Tu trước đây, đó là chiếc nỏ mà người Cơ Tu thường gọi là pa'nanh.

Ông Alăng Bảy đang chỉnh lại chiếc nỏ của mình.

Ông Alăng Bảy đang chỉnh lại chiếc nỏ của mình.

Từ lâu, chiếc nỏ đã gắn bó với người Cơ Tu. Qua bao biến thiên của cuộc sống, người Cơ Tu vẫn luôn gìn giữ chiếc nỏ để làm vũ khí tự vệ của gia đình. Trao đổi với chúng tôi, ông Alăng Bảy (87 tuổi, trú tại thôn Bhờ Hôồng 1 cho hay, từ xa xưa, người Cơ Tu ở vùng núi Quảng Nam luôn xem cây nỏ là vật dụng không thể thiếu trong hoạt động săn bắt thú rừng bảo vệ làng bản, đây còn là thứ vũ khí chống giặc xâm lăng. Người Cơ Tu quan niệm rằng, bất kỳ đàn ông nào trong làng không biết sử dụng cây nỏ thì coi như chưa trưởng thành, những người bắn nỏ giỏi rất được nể trọng.

Trước đây, già Bríu Cơ Tí'r từng hạ con hổ dữ chỉ bằng một mũi tên của pa,nanh. Dẫu đã qua đời mấy năm nay, nhưng huyền thoại về già Bríu Cơ Tí'r vẫn còn sống mãi với thời gian.

Ông Alăng Bảy nhớ lại, ngày ấy, già Bríu Cơ Tí'r đi săn sóc, heo rừng mang theo cây pa,nanh và bó tên, trong đó có mấy mũi tên tẩm độc Ch'pơơr. Bất ngờ gặp hổ dữ tấn công, ông ấy không ngần ngại rút tên, giương nỏ nhằm vào tử huyệt mà bắn, con hổ trúng tên độc ngã nhào ngay tức khắc. Lúc đó, nhờ bắn được hổ mà tiếng tăm Bríu Cơ Tí'r vang khắp vùng cao Đông Giang, Tây Giang. Dân làng thì ca ngợi hết lời về chiếc “nỏ thần” có một không hai của Bríu Cơ Tí'r. Bởi ông chính là người trước đó đã lặn lội sang tận xã Zuôih, Nam Giang để kiếm cho được cây "toong pa,nanh", loại cây rắn chắc, vỏ cây giống màu da trăn để làm nỏ và học cho được công thức chế tạo nỏ “huyền bí” của các già làng ở Nam Giang. Thời gian sau, chiếc nỏ được trả giá bằng một con bò nhưng ông nhất định không bán, mà lưu giữ như kỷ vật thiêng liêng và giao lại cho con trai Bríu Thiện. Chiếc nỏ được Bríu Thiện gìn giữ đến hôm nay cùng bó tên của cha mình để lại.

Già Y Kông (92 tuổi, trú tại thôn Tống Coói, xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) cho hay, pa,nanh của người Cơ Tu thường có 2 loại, phân biệt dựa theo chiều dài của cánh nỏ. Cũng dựa vào đó mà sẽ có mũi tên thích hợp cho từng loại. Thân nỏ được làm bằng gỗ cứng như: Rọi, cẩm lai... Cánh nỏ thì sử dụng các loại gỗ có tính đàn hồi cao như gỗ cau rừng. Ngày xưa, để làm một chiếc nỏ phải vào rừng tìm cây, rồi đánh dấu lại, đến một thời gian nhất định trong tháng mới đến đốn, vì khi đó chất gỗ sẽ săn chắc hơn. Gỗ sau khi mang về đẵn ra thành từng bộ phận riêng biệt, rồi dùng một con dao mác nhỏ đẽo kỹ lại, công đoạn này phải mất ít nhất cả tháng trời.

Ông Bríu Thiện (60 tuổi, con của già Bríu Cơ Tí'r) cho hay: Chiếc pa,nanh theo cha tôi những ngày dài đi săn, nó mang không biết bao nhiêu con heo rừng, mãnh thú về cho dân làng. Bí quyết chế tạo, sử dụng pa’nanh, cha tôi truyền lại cho chúng tôi hết. Nhưng riêng về công thức chế những mũi tên tẩm kịch độc Ch'pơơr thì ông nhất quyết giữ kín, chỉ để lại bó mũi tên đã tẩm sẵn độc mà thôi. Từ trước đến giờ, tôi tham gia 17 lần thi bắn nỏ do huyện và tỉnh tổ chức, trong đó tôi giành được 5 Huy chương Vàng cấp tỉnh. 2 con trai tôi là Bríu Bê (32 tuổi) và Bríu Bút (29 tuổi) được tôi truyền dạy nên cũng là một trong những vận động viên bắn nỏ giỏi của huyện Đông Giang và tỉnh Quảng Nam.

Già làng Alăng Đợi, 56 tuổi, trú tại Làng văn hóa Tom Sara, Khu du lịch Suối Hoa (Đà Nẵng) cho hay, cứ đến mùa Đông, đàn bà thu hoạch lúa mùa thì đàn ông mang theo pa,nanh săn bắt thú ở núi cao. Giờ đây, hưởng ứng chủ trương của Nhà nước, người Cơ Tu không còn vào rừng săn bắn nữa, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái...

Có thể nói, với người Cơ Tu, pa,nanh là một vật dụng hết sức thiêng liêng, tượng trưng cho khả năng chinh phục thiên nhiên và sức mạnh của người đàn ông Cơ Tu. Pa'nanh lưu giữ nhiều giá trị tinh thần của người Cơ Tu nên được các lão làng vẫn miệt mài chế tạo ra nhằm truyền lại cho các thế hệ mai sau. Hằng năm, đồng bào Cơ Tu còn tổ chức các lễ hội ăn mừng lúa mới, tổ chức khánh thành Gươl mới của làng... Qua đó, thường lồng các hoạt động như: Thi bắn nỏ, thi chế tác nỏ đẹp... để giáo dục con cháu về nét “văn hóa pa,nanh” của người Cơ Tu trên dãy Trường Sơn...

Tiên Sa

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chiec-no-trong-doi-song-cua-nguoi-co-tu-post435861.html