Chiếc nhẫn đánh rơi

Khi ngón chân chạm phải vật gì đó cưng cứng trong lòng chiếc giày, Phong đã gai hết cả người, tim anh đập mạnh đến nỗi muốn bung ra khỏi lồng ngực.

Mặt Phong lúc đó có thể đã biến sắc, tái đi. Con người ta chẳng thể che giấu được những cảm xúc từ bên trong. Phong ngồi xuống, ở tư thế xỏ giày, một tay anh luồn vào nơi có vật cứng. Đúng là nó rồi! Phong rút vội tay ra, như một phản xạ, anh nhìn chung quanh trước khi đưa hẳn chân vào giày, bước ra khỏi phòng.

Phong phải rời khỏi buổi lễ khai trương trung tâm thương mại vì cuộc điện thoại của vợ, thời khắc ấy, anh đã gỡ giày khỏi chân, lên sân khấu theo yêu cầu của chủ nhãn hàng muốn anh trải nghiệm sản phẩm mới. Hoa gọi cho anh, báo tin số tiền mổ tim của mẹ lên đến hơn trăm triệu, giờ phải làm sao? Lúc đó, Hoa đang ở trong bệnh viện. "Thì phải tiến hành phẫu thuật ngay chứ sao?". "Nhưng tiền đâu ra giờ, anh? Bác sĩ nói phải đóng tiền mới xếp lịch mổ" - giọng Hoa như muốn khóc. "Để anh vô bệnh viện ngay bây giờ, rồi mình tính tiếp".

Lúc nghe điện thoại, Phong vẫn đứng trong phòng, ở chỗ ít ồn ào nhất trong không gian tiệc tự chọn. Nhưng cả căn phòng gần như náo loạn, không phải vì buổi lễ, mà vì chiếc nhẫn. Chiếc nhẫn kim cương. Một sự cố đáng tiếc xảy ra khi cô con gái ông chủ - cũng là sếp của Phong, chủ trung tâm thương mại mới khai trương này, đột nhiên đánh rơi nó trên tay. Chiếc nhẫn đó, tất cả những người có mặt trong phòng đều biết, vì nó là quà cưới của chú rể dành cho cô trong ngày cưới mới diễn ra chưa đầy 2 tháng, và nó còn khiến người ta nhớ mãi bởi có trị giá lên đến 2 tỉ đồng.

Bây giờ thì nó đang nằm dưới lòng giày của Phong. Phải kìm tay lái lắm, Phong mới đến được bệnh viện mà không để xảy ra sự cố gì. Giữa cái nắng gay gắt của buổi trưa mà người Phong vẫn lạnh toát khi nghĩ đến chiếc nhẫn trị giá 2 tỉ. Phong gửi xe, không vô thẳng chỗ mẹ nằm mà vô nhà vệ sinh. Phong gỡ chân mình ra khỏi giày, lần đến nơi có chiếc nhẫn, đây rồi! Anh gói vội vào tờ bill tính tiền cũ, cất kỹ trong ngăn nhỏ của góc ví.

Vừa thấy Phong, Hoa vội chạy tới, chân cô như quíu lại:

- Vợ chồng mình làm sao bây giờ?

Phong trấn an vợ:

- Anh lo được!

Hoa tròn mắt:

- Anh lấy tiền đâu ra?

Phong ấp úng, không biết có nên nói với vợ chuyện chiếc nhẫn không. Nhưng nếu không nói, Hoa sẽ càng thắc mắc. Toàn bộ gia tài tích góp định mua nhà của vợ chồng Phong đã bị mất trắng trong vụ làm ăn vừa rồi. Vì vậy, với cái nhẫn này, Phong vừa chữa bệnh cho mẹ vừa giải quyết luôn chuyện nhà cửa. Phong đã chán ngấy cảnh ở trọ gần 10 năm nay. Với cái nhẫn đó, cuộc đời của cả gia đình Phong sẽ bước sang trang mới, trong khi, thiếu nó, cô gái kia cũng chỉ như đánh mất một vật trang sức bình thường, chẳng ảnh hưởng gì.

Phong hít một hơi thật sâu, vẫn không tài nào đủ can đảm nói thật với Hoa. Biết đâu cô ấy coi Phong như kẻ cắp. Trong suốt quãng đường đến đây, ý nghĩ trả lại chiếc nhẫn có lướt qua đầu Phong nhưng lướt qua rất nhanh. Nếu trả lại chiếc nhẫn, Phong sẽ được tuyên dương trong buổi họp tập đoàn. Rồi sau đó thì sao? Dù có lên chức đi nữa, Phong vẫn phải vắt cạn não cho những ý tưởng, dự án mà đồng lương chỉ đủ trang trải cho bốn miệng ăn ở giữa trung tâm thành phố này. Mỗi tháng, cộng cả tiền lương giáo viên của Hoa thì cũng chỉ dư ra được vài triệu. Số tiền đó còn để phòng xa lúc ốm đau, đám đình. Làm sao có thể mua nổi nhà? Chưa kể, bệnh tình của mẹ sẽ ra sao? Mẹ sẽ chết vì không có tiền phẫu thuật kịp thời? Mới nghĩ thôi mà lòng Phong quặn đau, như có ai đó đưa tay bóp chặt lấy tim. Phong thấy choáng váng thật sự, bàn tay anh lạnh toát, hai chân như không còn chạm đất nữa, khung cảnh phía trước đột nhiên mờ đi. Anh chỉ còn nghe loáng thoáng giọng Hoa hốt hoảng: "Anh Phong. Anh Phong"…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Phong tỉnh dậy đã thấy thông tin doanh nhân trẻ K.T. vừa đánh rơi chiếc nhẫn kim cương trị giá 2 tỉ tràn lan trên các báo mạng. Ở gian bếp, Hoa đang chuẩn bị cho bữa ăn, mùi thức ăn sống lẫn chín bốc lên nồng nặc. Phong cảm giác như chính mình cũng đang bị ướp trong mùi thức ăn. Bên ngoài, những âm thanh chát chúa vang lên, xen lẫn tiếng chửi thề của một cặp vợ chồng. Chẳng biết từ bao giờ, xóm này được đặt tên là xóm đề. Chỉ một số ít có việc làm, còn lại đều thất nghiệp. Mà không phải, có nghề nghiệp gì đâu để mà "thất"? Họ chẳng thèm làm gì thì đúng hơn. Thanh niên trai tráng sáng tối gì đều thấy ở trần, có khi ngồi vắt vẻo trên chiếc xe dựng trước nhà nặn mụn, đợi đến giờ dò số…

Phong dọn đến đây sau khi bị phá sản trong một phi vụ hùn hạp làm ăn. Giá tiền thuê nhà nơi này chỉ bằng một góc giá thuê chỗ cũ. Cứ nghĩ đáp ứng nhu cầu rẻ, còn chật hẹp tí thì ráng chịu, không ngờ ngoài sự chật chội còn phải kèm theo những thứ khó chịu khác. Mà điển hình là thói vô ý thức của con người. Cả hành lang đầy rác rưởi. Tổ trưởng xuống nhắc nhở còn bị hăm dọa ngược, vài lần sợ quá im luôn. Phong an ủi vợ: đợi kinh tế ổn hơn sẽ chuyển chỗ khác. "Đợi đến bao giờ?" - Hoa nhấm nhẳng. Lần đầu tiên Hoa nói với Phong bằng giọng đó. Như một cú tát vào lòng tự trọng của Phong. Phải chăng niềm tin Hoa dành cho Phong, về một tương lai tươi sáng, đã bị rơi rớt sau những lần thất bại không ngóc đầu lên nổi?

Câu cửa miệng "tiền là giấy" của Hoa đã bặt tăm từ khi đứa con thứ hai chào đời. Một lần Phong hỏi vợ: "Sinh nhật này em muốn được tặng quà gì?". Hoa nén tiếng thở dài, cố không để cho Phong nghe: "Em chỉ thèm đúng hai thứ: ngủ và tiền". Phong ước gì mình đừng hỏi câu đó. Hình như sau đó, Hoa sợ Phong buồn nên có nói vuốt theo: "Anh không biết đó thôi, tất cả các bà mẹ hai con đều thèm hai thứ ấy!". Rồi Hoa hỏi lại: "Anh mong muốn điều gì nhất?". Lúc đó Phong không trả lời, vì mọi điều anh mong muốn đều xa vời.

Nhưng bây giờ thì khác, với 2 tỉ đồng, anh vừa trị bệnh được cho mẹ vừa đủ để mua căn nhà nhỏ cách xa trung tâm thành phố. Vẫn biết căn nhà mua được chắc cũng không rộng rãi hơn căn phòng trọ này song ít nhất cũng chấm dứt chuỗi ngày ở trọ. Số tiền chỉ như khoản tiêu vặt của những doanh nhân giàu có nhưng có khi là tài sản dành dụm cả đời của hai vợ chồng. Phong có thể ngẩng cao đầu với họ hàng, bè bạn. Rồi Phong sẽ lại cố gắng làm việc để Hoa không phải đắn đo trước giá cả ở những gian hàng trong siêu thị. Hay những chuyến du lịch của gia đình không vì chuyện đắt rẻ mà mất đi niềm vui.

Nhưng Phong vẫn chưa biết cách mở lời với vợ như thế nào. Hoa đặt tô cháo nóng hổi lên bàn ăn, nói với Phong: "Bác sĩ nói anh bị tụt can-xi, cần nghỉ ngơi". Phong nuốt trọn miếng cháo, hít một hơi thật sâu, vừa định mở miệng thì con khóc. Hoa vội chạy vào, luôn miệng: "Mẹ đây, mẹ đây". Hoa ẵm con trên tay, đứa bé vẫn khóc ngặt nghẽo. Hoa dỗ dành: "Mẹ vắng nhà nhiều quá nên con giận chứ gì, mẹ xin lỗi mà!". Rồi Hoa quay sang Phong: "Mai dì Lan đi công tác rồi, may mà có chú Út ở quê lên phụ em chăm mẹ, chứ em không biết gửi con cho ai".

Phong đi ra cửa, anh cảm thấy ngột ngạt, luôn luôn ngột ngạt từ khi dọn về nơi này. Những căn phòng không có cửa sổ khiến anh cảm thấy khó thở. Như có cái gì đó quẫy đạp, vùng vẫy trong anh, bằng mọi cách phải thoát ra khỏi đây, càng sớm càng tốt. Anh quay vào khi những tiếng chửi thề trở thành câu cửa miệng của nhà hàng xóm vang lên rổn rảng.

Trong phòng ngủ, Hoa đang lục tung đồ đạc ở cái tủ bằng nhựa, có tới ba ngăn kéo đựng quần áo của hai đứa nhỏ. Ngăn còn lại, Hoa đựng mỹ phẩm và những thứ linh tinh, cả vặt vãnh lẫn quý giá. Trong đó có hộp nữ trang của hai bên gia đình cho làm quà cưới. "Em tìm gì vậy?". Phong cũng thấy lo khi nhìn vẻ thất thần của Hoa. "Cái nhẫn cưới của em, hôm qua em bị dị ứng tay nên tháo ra, nhớ là cất đi rồi sao giờ tìm hoài không thấy". Phong giật thót mình, anh nhìn tay Hoa, chỉ thấy một đường hằn trắng trên đốt ngón tay đeo nhẫn. Hoa tặc lưỡi: "Ở đâu vậy trời"? Cô quay sang anh: "Em định bán hết mớ nữ trang này, cũng được vài chục triệu để phụ với chú Út chữa bệnh cho mẹ. Chú ấy biết hoàn cảnh mình nên nói để vợ chồng chú ấy ráng lo nhưng mình cũng phải góp vô chứ". Phong chạy vội ra nhà tắm, nơi treo chiếc quần có để ví của anh trong đó. Bên trong tờ bill gấp thành nhiều lớp lộ ra chiếc nhẫn cưới của Hoa.

Tối đó, bé Gấu bị Hoa rầy vì cái tội ném đồ đạc lung tung, may mà chiếc nhẫn chỉ rớt vô giày của ba chứ lỡ rớt ra khỏi cửa thì thành miếng mồi ngon cho cái xóm xô bồ hỗn tạp này! Phong chạnh lòng, nghe vợ nói về hàng xóm mà tưởng như đang nói mình.

Cả đêm, Phong không tài nào chợp mắt. Hoa thấy Phong trở mình liên tục, cô dịu dàng: "Chú Út nói bệnh của mẹ chuyển biến tốt. Anh đừng lo quá. Biết đâu…". Phong nằm im. Bây giờ thì chẳng còn câu chữ nào về chuyện chiếc nhẫn kim cương chịu bật ra khỏi họng…

Hai tỉ đồng! Với những đại gia thì hai tỉ đồng chỉ là món tiền tiêu vặt. Nhưng với Phong, nó có thể giúp chàng đổi đời, thoát khỏi thân phận của kẻ bị phá sản, phải đưa vợ con đi ở trọ trong một cái xóm chật chội, bê bối. Và quan trọng, cấp bách hơn cả: giúp mẹ chàng vượt qua căn bệnh hiểm nghèo. Hai tỉ ấy đang nằm gọn trong chiếc giày của chàng. Chân chàng đang đè chặt lên nó. Bạn đọc dễ dàng hiểu được tâm trạng có phần rối loạn của Phong. Hồi hộp. Hy vọng. Toan tính. Cố vẽ ra một tương lai sáng sủa mà vẫn không tránh khỏi vài gợn mây mù của lương tâm bị dằn vặt…

La Thị Ánh Hường hài hước một cách kín đáo. Chị dồn ép, xô đẩy Phong đến chân tường, rồi lại cho bức tường... tự sụp đổ! Hụt hẫng. Ngơ ngác. Khi hiểu ra thì câu chuyện về chiếc nhẫn kim cương 2 tỉ của Phong sẽ vĩnh viễn nằm lại trong cổ họng chàng, như một giấc mơ bi hài không có nổi một phần trăm cơ hội trở thành hiện thực.

Trần Đức Tiến

CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Truyện dự thi của LA THỊ ÁNH HƯỜNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/chiec-nhan-danh-roi-20190216203650568.htm