Chiếc máy bay phản lực khổng lồ hai thân lớn nhất thế giới liệu có chết yểu?

Sau khi bay thử nghiệm lần đầu tiên vào ngày 13/4/2019, chiếc máy bay hai thân lớn nhất thế giới Stratolaunch, tính theo sải cánh, chưa cất cánh trở lại và đang được rao bán.

Sải cánh rộng bằng sân bóng đá!

Sau nhiều năm phát triển trên sa mạc phía bắc Los Angeles, một chiếc máy bay phản lực khổng lồ 6 động cơ với sải cánh rộng 117 m, tương đương một sân bóng đá Mỹ, đã lần đầu tiên bay vào sáng 13/4/2019. Stratolaunch, công ty được thành lập vào năm 2011 bởi người đồng sáng lập Microsoft Paul Allen, đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của chiếc máy bay lớn nhất thế giới, tính theo sải cánh.

Stratolaunch là máy bay phản lực thuộc sở hữu của Công ty Vulcan, do Paul Allen đồng sáng lập Microsoft là cổ đông chính. Ảnh: Twitter/Stratolaunch.

Stratolaunch là máy bay phản lực thuộc sở hữu của Công ty Vulcan, do Paul Allen đồng sáng lập Microsoft là cổ đông chính. Ảnh: Twitter/Stratolaunch.

Máy bay được thiết kế có vai trò như một bệ phóng trên không. Nó cất cánh từ đường băng, bay đến độ cao hành trình để phóng tên lửa mang vệ tinh.

Nói một cách dễ hiểu, máy bay Stratolaunch là một bệ phóng bay khổng lồ, được thiết kế để ném vệ tinh vào quỹ đạo thấp của Trái đất. Nó nhằm mục đích cung cấp cho quân đội, các công ty tư nhân và thậm chí chính NASA một cách tiết kiệm hơn để vào không gian.

Stratolaunch là máy bay khổng lồ hai thân, được công bố năm 2017. Ảnh: Twitter/Stratolaunch.

Stratolaunch đã công bố máy bay của mình vào năm 2017, quá trình xây dựng sơ bộ đã bắt đầu trên cơ sở lắp ráp ở Mojave, California, nơi máy bay được chế tạo và thử nghiệm.

Thiết kế đặc biệt

Để làm cho nó vừa mạnh vừa nhẹ, Stratolaunch được làm chủ yếu bằng vật liệu sợi carbon thay vì nhôm. Để tiết kiệm chi phí, công ty đã sử dụng nhiều bộ phận của 2 chiếc Boeing 747-400 cũ của United Airlines, bao gồm động cơ Pratt & Whitney 4056, hệ thống thủy lực, hệ thống điện, thiết bị hạ cánh và kính chắn gió,..

Máy bay có sải cánh lớn nhất, rộng 117 m, là máy bay lớn nhất thế giới, tính theo sải cánh. Ảnh: Twitter/Stratolaunch.

Máy bay Stratolaunch có thiết kế thân kép, có thể chứa tổ bay ở thân bên phải và hệ thống dữ liệu chuyến bay ở thân bên trái. Nó sẽ kết hợp phần cứng điều khiển điện tử hàng không mô-đun do Orbital ATK cung cấp.

Máy bay có 3 chỗ ngồi cho phi hành đoàn và 2 ghế phụ. Với 6 động cơ phản lực cánh quạt Pratt & Whitney PW4056, sản sinh lực đẩy 56.750lb mỗi động cơ.

Stratolaunch được thiết kế là bệ phóng trên không, hay bệ phóng bay, sử dụng phóng tên lửa mang vệ tinh. Tên lửa được bố trí ở giữa 2 thân máy bay. Ảnh: Twitter/Stratolaunch.

Stratolaunch nặng hơn 540.000 kg, bao gồm cả phương tiện phóng được nạp đầy nhiên liệu và sẽ cần một đường băng dài tối thiểu 3.700 m để cất cánh. Thiết bị hạ cánh của nó, bao gồm 28 bánh xe. Nó có thể chở hơn 230.000 kg trọng tải. Tầm hoạt động của chiếc máy bay khổng lồ này khoảng 2.000 hải lý (3.700 km) và có thể triển khai trọng tải đến nhiều quỹ đạo và độ nghiêng trong một nhiệm vụ duy nhất.

Thử nghiệm thành công

Vào ngày 9/1/2019, Stratolaunch đã hoàn thành thử nghiệm lăn bánh trên mặt đất, đạt tốc độ 219 km/h và chuyến bay thử nghiệm thành công đầu tiên được thực hiện vào ngày 13/42019. Máy bay bay trong 2,5 giờ, đạt tốc độ 304 km/h và độ cao lên tới 5.181 m.

Stratolaunch được trang bị 6 động cơ phản lực cánh quạt Pratt & Whitney PW4056, sức nâng tối đa 540 tấn. Ảnh: Twitter/Stratolaunch.

Cách thức hoạt động của máy bay phản lực Stratolaunch là mang một tên lửa được nạp một vệ tinh, cất cánh và leo lên độ cao 35.000 feet (10,67 km). Tại đó, các phi công sẽ phóng tên lửa từ máy bay theo quỹ đạo về phía không gian. Chiếc máy bay sau đó sẽ hạ cánh trở lại, trong khi tên lửa mang vệ tinh vào quỹ đạo Trái đất, ở độ cao từ 300- 1.200 dặm.

Tương lai nào cho Stratolaunch?

Theo Global Market Insights, thị trường dịch vụ phóng vệ tinh thương mại đang phát triển nhanh chóng và dự kiến đạt 7 tỉ USD vào năm 2024. Đưa vệ tinh nhỏ lên vũ trụ thông qua máy bay cũng hứa hẹn rẻ hơn so với phóng tên lửa truyền thống vì nó loại bỏ nhu cầu về bệ phóng và tất cả các thiết bị và cơ sở hạ tầng đắt tiền xung quanh một vụ phóng tên lửa truyền thống.

Thiết bị hạ cánh của máy bay gồm 28 bánh xe. Ảnh: Stratolaunch Systems/AFP.

Nó cũng có thể tiết kiệm chi phí nhiên liệu, vì máy bay đốt cháy ít nhiên liệu hơn tên lửa truyền thống khi nó phóng lên từ Trái đất.

Có vẻ như đây sẽ là một dự án tiềm năng và chiếc máy bay đó rõ ràng là bước đầu tiên trong lộ trình đầy tham vọng của nhà sản xuất. Tuy nhiên, Stratolaunch Systems đã ngừng phát triển dự án.

Máy bay cất cánh thử nghiệm lần đầu tiên ngày 13/4/2019. Ảnh: Twitter/Stratolaunch.

Vào tháng 6/2019, Stratolaunch đã được rao bán, công ty mẹ Vulcan đang tìm cách bán Stratolaunch với giá 400 triệu USD, theo tin tức của CNBC.

Thật tiếc khi chiếc máy bay lớn nhất thế giới chỉ có thể thực hiện một chuyến bay duy nhất. Những nỗ lực của công ty là để tôn vinh mong muốn của Paul Allen và cũng để chứng minh ý tưởng một bệ phóng trên không đã thành công và có thể hoạt động.

Video Stratolaunch thử nghiệm bay lần đầu tiên ngày 13/4/2019. Nguồn: The Hindu/AP.

Cũng như chiếc máy bay vận tải Antonov AN-225 Mriya khổng lồ do Liên Xô sản xuất năm 1988, cơ hội cho Stratolaunch dường như là không nhiều bởi thiết kế chức năng giới hạn của nó. Liệu các nhà tỉ phú tích cực nhất trong ngành không gian là Elon Musk, Jeff Bezos và Richard Branson có xem Stratolaunch như một phương án phóng vệ tinh kinh tế, một lợi thế trong sứ mệnh chính phục không gian?.

Huy Anh/military-wiki

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/chuyen-la-bon-phuong/chiec-may-bay-phan-luc-khong-lo-hai-than-lon-nhat-the-gioi-lieu-co-chet-yeu-95448.html