Chiếc lọ đựng tiền

Hồi nhỏ, nhà tôi có một chiếc lọ đựng tiền tiết kiệm. Nó được đặt trên giá sách trong phòng mẹ. Đó là một chiếc lọ con bằng sứ.

Không rõ trước đây nó được dùng vào mục đích gì, chỉ biết khi đó nó là một chiếc lọ đựng tiền tiết kiệm của mẹ. Chúng tôi chỉ có quyền xem mà không được động vào, đương nhiên cả bố cũng không ngoại lệ. Chủ nhân của chiếc lọ không phải ai khác ngoài mẹ.

Lúc nhỏ, nhà tôi gặp rất nhiều khó khăn, chiếc lọ đựng tiền tiết kiệm của mẹ trở thành chỗ dựa vững chắc cho cả nhà. Mẹ đặt ra quy định, ngoài những tiêu pha hằng ngày, chúng tôi tổ chức một cuộc thi xem ai tiết kiệm được nhiều, mỗi tháng tổng kết nếu ai tiết kiệm được nhiều tiền nhất sẽ được miễn phí đi xem chiếu bóng.

Minh họa: MẠNH TIẾN.

Minh họa: MẠNH TIẾN.

Để đạt được mục tiêu này, một nhà bốn nhân khẩu chúng tôi làm việc không biết mệt mỏi. Vào sẩm tối mỗi cuối tháng, trước lúc ăn cơm, cả nhà tôi ngồi bên bàn ăn, mẹ ngồi ở ghế đầu tiên, miệng liên hồi nói: “Anh bạn nhỏ, tháng này anh kém nhất, vở chỉ dùng một mặt trước còn mặt sau không dùng thì thật lãng phí, đáng tiếc lắm, lần sau không được như thế nữa nhé”. Mẹ chỉ vào đầu tôi, phê bình nghiêm khắc. “Còn em út, em làm gì cũng tốt nhưng hay ăn vặt, tháng này đã vượt chỉ tiêu, tháng sau còn phải xem lại”, mẹ nói với em gái. Cuối cùng, mâu thuẫn cũng đổ dồn vào bố: “Anh hút nhiều thuốc quá, thật lãng phí...”. Bố chau mày, nói chen vào: “Tháng sau, tôi cai là được chứ gì?”. Như vậy, mẹ lấy tiền lương của tháng này và những thứ phải chi tiêu tháng sau kê rõ một danh sách, rồi đem những đồng tiết kiệm được cho toàn bộ vào lọ đựng tiền, nó dường như đã trở thành một ngân hàng không lợi tức của gia đình chúng tôi.

Hồi ấy, trong tôi luôn có suy nghĩ thường trực là muốn xem lọ có bao nhiêu tiền, và tôi đã nói cho em gái nghe, ngay lập tức được em gái ủng hộ. Sau bữa tối, bố mẹ đều không có nhà, tôi lôi ghế ra, đến gần giá sách, chuẩn bị mở lọ ra xem, nhưng lúc này mẹ bất chợt về nhà, thấy chúng tôi nghịch nên rất bực mình. “Các con làm gì thế? Trẻ con mà đã biết ăn trộm tiền hả?”. "Không, thưa mẹ, chúng con chỉ muốn biết xem trong lọ có bao nhiêu tiền thôi ạ!”, tôi ấp úng trả lời. Sau khi mẹ hiểu rõ căn nguyên, liền nói với chúng tôi những điều sâu xa: “Mẹ hiểu lầm các con rồi, làm con ngoan thì không thể ăn trộm được. Các con cũng không cần phải mở lọ ra xem, chỉ cần lắc một cái là có thể nghe thấy tiếng leng keng, chứng tỏ bên trong có nhiều tiền". Vừa nói, mẹ vừa nâng chiếc lọ đựng tiền tiết kiệm lên, lắc nhẹ nhàng, bên tai liền vọng lên tiếng leng keng, nghe thật dễ chịu, nó có thể làm cho một đời chúng ta ấm êm.

Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Năm tôi mười ba tuổi, quê nhà gặp phải một trận thiên tai lớn, không những hoa màu thất bát, tình hình ngày càng căng thẳng, thậm chí có người đã phải chết vì đói ăn. Lúc bấy giờ, địa phương tổ chức họp mặt phụ huynh học sinh, yêu cầu mọi người, mọi nhà đồng tâm hiệp lực, lá lành đùm lá rách, giúp nhau vượt qua khó khăn. Đồng thời hy vọng, nhà giàu bớt chút tiền của ra cứu tế, địa phương cũng sẽ tổ chức người đi mua lương thực.

Khi đó ở quê, nhà tôi cũng thuộc loại trung nông. Sau thông báo, những nhà có tiền trong thôn không có động tĩnh gì, họ đang xem trò cười của người khác, bởi vì cái mà họ có là tiền bạc và lương thực. Đêm hôm ấy, phòng của bố mẹ rất khuya rồi mà vẫn còn ánh đèn dầu. Tôi biết bố mẹ đang bàn chuyện gì. Quả nhiên không ngoài dự đoán, hôm sau mẹ quyết định mang một phần tiền tiết kiệm để đóng góp cứu tế. Bấy giờ, tôi rất buồn chán, không hiểu bố mẹ vì điều gì mà quyên góp. Tối hôm ấy, bố mẹ đi họp, tôi và em gái đứng trước giá sách, lắc nhè nhẹ chiếc lọ tiền tiết kiệm, quả nhiên nhẹ đi rất nhiều, trong đó không còn nhiều tiền tiết kiệm.

Thần thái mặt mày ủ dột của chúng tôi bị mẹ phát hiện ra ngay. Sau khi làm rõ nguyên nhân, mẹ nói với chúng tôi: “Các con, người người ai cũng có khó khăn riêng của mình, vả lại tiền quyên góp cũng đâu phải nhiều. Sau này bố mẹ sẽ kiếm nhiều tiền hơn nữa, lọ tiền tiết kiệm sẽ đầy ắp thôi mà”.

Sau đó, tôi lên học cấp ba, gánh nặng đối với gia đình rõ ràng ngày càng lớn. Bấy giờ, tình hình ở nhà máy của bố cũng không được lạc quan, ba bảy hai mươi mốt ngày lại nghỉ việc, chỉ dựa vào mấy mẫu ruộng bạc màu là không đủ để chi phí cho việc học hành của chúng tôi. Một buổi tối trời nhá nhem, tôi thấy bố ủ rũ trên chiếc ghế, bố già đi trông thấy. Hóa ra, bố cũng vừa mới nhận được thông báo, công ty sẽ tinh giản biên chế. Bố sẽ phải nghỉ hưu. Tin này đối với gia đình tôi không khác nào tiếng sét đánh ngang tai.

Tôi, đường đường một đấng nam nhi, không thể khuất mắt trông coi, không thể im lặng được nữa. Tôi nghiêm túc nói với mẹ: “Con không đi học nữa, con muốn về nhà phụ giúp gia đình”. Chưa kịp nói hết câu, tôi liền bắt gặp ánh mắt nghiêm nghị của mẹ. Ánh mắt ấy tôi chưa từng bắt gặp bao giờ. Ánh mắt mẹ kiên định, lạnh lùng. “Phải học, trong nhà còn tiền, đủ sức cho các con đi học”, mẹ kiên quyết.

Tôi không tin vào việc mẹ nói. Thế là tôi nghĩ ngay đến chiếc lọ đựng tiền tiết kiệm. Tôi bước vào gian sau, nhấc chiếc lọ lên, thấy lọ nặng trình trịch, lắc một cái bèn vang lên tiếng leng keng. Tôi và em gái mừng quá nhảy lên, vui vì chúng tôi tiếp tục được đi học.

Ngày hôm sau, bố đi lên thị trấn, tìm được việc phụ hồ, còn mẹ đi làm thuê, làm người giúp việc trong gia đình. Đến cuối tháng, gia đình lại quây quần bên nhau, bên mâm cơm, cùng nói chuyện trên trời dưới bể. Mẹ là người chủ trì cuộc họp gia đình. Từ lúc đó, tôi cảm thấy mình trưởng thành hơn. Tôi phát hiện ra trên đầu bố mẹ là những sợi tóc bạc trắng, giống như những bông hoa trong trắng, đẹp tuyệt trần, hoa nở trong lòng tôi, trong vườn hoa đời tôi.

Cuộc sống giống như cốc nước trắng, trong chớp mắt, tôi từ một đứa trẻ hồ đồ đã trở thành một thanh niên cao to, vạm vỡ. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi ở lại thành phố, đồng thời lập gia đình, sinh con, có một tổ ấm nhỏ cho riêng mình. Rồi tôi cũng theo tiếng gọi của tình yêu, cùng vợ đi về phương Nam, ở nhà chỉ còn lại bố và mẹ.

Công việc thường ngày bận rộn, gia đình, công việc và sinh hoạt làm tôi phải quay như chong chóng. Tôi dường như đã quên rằng, ở nơi phương xa vẫn có người luôn dõi theo từng bước đi của tôi. Đột nhiên một hôm, tôi nhận được bọc hàng, kèm theo biên bản gửi tiền, tôi và vợ đều cảm thấy ngỡ ngàng. Ở nơi đô thị xa lạ này, không thể có ai lại tốt với mình như vậy. Mở bưu kiện ra, tôi thấy bên trong toàn đồ quần áo trẻ con, có mũ, giày dép, lục lạc và trên phiếu chuyển tiền ghi rõ hai nghìn nhân dân tệ.

Hóa ra là bố và mẹ, trái tim tôi như quặn thắt lại. Bố mẹ ở nơi quê nhà vẫn dõi theo từng bước đi của con, dù con đã lập gia đình, có tổ ấm riêng của mình. Nước mắt lưng tròng, tôi muốn trở về bên bố mẹ, nghe tiếng mẹ âm vang trong cuộc họp gia đình. Vào thời gian nghỉ đông, chúng tôi về quê thăm bố mẹ. Bố mẹ già đi trông thấy. Chiếc lưỡi dao của thời gian đã khắc lên gương mặt bố mẹ tôi những nếp nhăn của sự già nua. Bố mẹ ôm cháu trong tay, vô tình làm tôi chạm vào quá khứ, trở về với thời thơ ấu. Tháng mười, lá ngô đồng rắc tả tơi, dường như muốn kể một câu chuyện về tình người sâu thẳm.

Trong lúc tình cờ, cậu con trai tôi đã làm vỡ chiếc lọ đựng tiền tiết kiệm để trên bàn, nó từng là giấc mơ và hy vọng của tôi. Tôi nổi trận lôi đình, định cho cậu quý tử một đòn nhừ xương. Tôi chạy đến, thấy trên nền nhà toàn là sỏi đá, những viên đá màu bạc giống như ngọc trai sáng trong.

Bỗng nhiên, tôi hiểu dụng tâm của mẹ. Mẹ đã dùng một phương thức khác thường để khích lệ chúng tôi. Chính nhờ có sự khích lệ này mà chúng tôi mới lớn lên thành người.

Chiếc lọ đựng tiền tiết kiệm đã biến mất trong thế giới của tôi, nhưng tôi lại nhận được một chiếc lọ vô hình từ tình mẹ. Tôi sẽ mãi khắc cốt ghi tâm lời mẹ nói, tôi sẽ truyền nó cho con trai, con trai tôi sẽ truyền cho cháu tôi, bởi vì trong lọ không chỉ chứa đựng một thời thơ ấu, mà còn là tình yêu vô bờ bến của mẹ dành cho tôi.

Truyện ngắn của CỔ BẢO TƯỜNG (Trung Quốc) PHẠM HUY QUỲNH (dịch)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/chiec-lo-dung-tien-605035