Chiếc khẩu trang và sự 'tiến hóa' qua 5 thế kỷ

Từ thế kỷ 17, nhiều loại khẩu trang hay mặt nạ bảo vệ đã được con người sử dụng. Từ mặt nạ mỏ dài của các bác sĩ chữa bệnh dịch hạch đến khẩu trang phẫu thuật hay khẩu trang FFP2 hiện đang được sử dụng, sự tiến hóa của các thiết bị y khoa này đã được điều chỉnh cho phù hợp với mục đích giữ gìn vệ sinh, ngăn ngừa bệnh lây lan.

Thông thường có hình chữ nhật, nhưng đôi khi mang hình bầu dục gợi lên hình ảnh mỏ vịt, khẩu trang hay mặt nạ có kích thước dài từ 15 đến 20cm, rộng 10cm, phần lớn có màu trắng hay xanh dương, nhưng sau đó bắt đầu có hoa văn trang trí, chụp lên mũi và miệng nối với 4 dải băng hay 2 sợi dây đàn hồi móc vào lỗ tai hay quấn và buộc quanh đầu, và đôi khi được thay thế bằng tấm che nhựa trong suốt Plexiglas.

Đó là khẩu trang phẫu thuật, khẩu trang FFP2 hay khẩu trang có thể giặt, được sử dụng trong năm 2020 này, trong đại dịch COVID-19. Nhưng khẩu trang đôi khi có hình dạng khác, được ngâm tẩm với giấm hay tinh chất có mùi thơm hay được cố định che phần trước mặt bởi khung kim loại.

Mời các bạn lui về quá khứ để tìm hiểu sự tiến hóa của thiết bị y khoa được phát minh qua các đại dịch trong lịch sử và các lý thuyết vệ sinh đề ra bởi các bác sĩ danh tiếng từ Hippocrates đến Pasteur.

***

Vào thế kỷ 17 và 18: khẩu trang tỏa mùi thơm và vải chống bệnh dịch hạch

Mặt nạ của các bác sĩ bệnh dịch hạch

Hẳn là mặt nạ của các bác sĩ bệnh dịch hạch có hình dạng kỳ lạ nhất trong lịch sử vệ sinh y tế: hình mỏ chim nhô ra trước bao gồm cặp kính, một cái áo choàng dài may bằng vải dầu không thấm nước, một cái quần, đôi găng tay bằng da và một cây gậy để chạm vào hay đẩy bệnh nhân; mặt nạ dài này thường được làm bằng bìa các tông luộc mà ngày nay chỉ còn được mang bởi các những người yêu thích ngụy trang vào các lễ hội hóa trang như Venice.

Nó được phát minh bởi vị y sĩ đầu tiên của vua Louis 13, Charles de Lorme, trong đợt bùng phát bệnh dịch hạch vào năm 1619.

Y sĩ Charles de Lorme cũng đề nghị tẩm nước hoa “cái mũi dài 16cm có hình mỏ chim với 2 cái lỗ ở 2 bên tại vị trí tự nhiên của mũi”. Thật vậy, ở Paris và sau đó ở khắp châu Âu, các miếng xốp ngâm tẩm long não, cồn thuốc phiện (laudamum) hay giấm cũng như các loại thảo mộc có mùi hương như xạ hương, đinh hương hay hoa hồng được đặt trong mõ của mặt nạ.

Chính vào thời kỳ này, các nhà bác học vĩ đại nhất vẫn tin vào lý thuyết “chướng khí” do Hippocrates đưa ra vào thời cổ đại, Tiến sĩ Bertrand Hervé giải thích trong luận án bảo vệ vào năm 2018.

Lý thuyết về khí độc

Theo lý thuyết về khí độc được soạn thảo từ thời cổ đại và tồn tại đến thế kỷ 19, bệnh tật không lây truyền bởi mầm bệnh như virus hay vi khuẩn mà do mùi hôi thúi bốc ra, nói cách khác là bởi mùi hôi. Vì vậy, để làm tan hơi thở hôi thúi và đặc biệt là để chống lại bệnh dịch hạch, nhiều chất liệu có mùi thơm được sử dụng trong y học mãi cho đến thời hiện đại.

Dân chúng và y tá nói chung sử dụng khẩu trang làm bằng vải đơn giản

Nếu mặt nạ dịch hạch được dành riêng cho các bác sĩ, vào thế kỷ 17 và thế kỷ 18, dân chúng cũng phải mang khẩu trang để đối mặt với các đợt dịch hạch xảy ra liên tiếp. Tiến sĩ Bertrand Hervé lưu ý trong tác phẩm hội họa của họa sĩ Spadaro thể hiện một khu vực ở Napoli trong trận đại dịch năm 1656: “4 người đàn ông mang trên mặt một miếng vải. 10 năm sau, trong đợt dịch hạch ở Londres, các y tá mang khẩu trang bao phủ hoàn toàn phần mặt mỗi khi đến thăm bệnh nhân”.

“Ngoài ra, trong đợt dịch hạch tại Marseille năm 1720, những người chịu trách nhiệm khuân vác xác chết đến hố chôn tập thể, che kín đường hô hấp bằng miếng vải gấp lại tẩm giấm”, Bertrand Hervé cho biết.

Khẩu trang phẫu thuật xuất hiện vào thế kỷ 19

Miếng vải băng miệng

Vào thế kỷ 19, Pasteur đã chứng minh sự tồn tại của các tác nhân gây truyền nhiễm siêu nhỏ và lý thuyết về khí độc đã bị loại bỏ. Đối mặt với sự thay đổi này, một bác sĩ người Đức, Carl Fluggy, cho rằng những con vi trùng mới này có thể được truyền nhiễm từ người này sang người kia, ngay cả ở cách khoảng nhau bởi những hạt nước bọt siêu nhỏ không thể nhìn thấy bắn ra.

Đây là điều mà Carl Fluggy đã chứng minh bằng cách yêu cầu một trong những đồng nghiệp của mình nói, ho và hắt hơi vào miếng thạch trắng đặt trong phòng: vài ngày sau, những miếng thạch trắng này phủ đầy vi khuẩn. Ông cũng yêu cầu giáo sư phẫu thuật Jan-Antoni Mikulicz Radecki thiết kế một chiếc mặt nạ mà các bác sĩ phẫu thuật có thể mang trong khi phẫu thuật để tránh lây bệnh từ bệnh nhân.

“Người này đã phát minh ra một “miếng vải băng miệng”, một miếng gạc bằng vải mousseline che mũi và lỗ mũi”, Tiến sĩ Bertrabd Hervé mô tả.

Phát hiện vi khuẩn và sự ra đời của phương pháp vô khuẩn

Năm 1857, Louis Pasteur đã chứng minh sự tồn tại của các tác nhân truyền nhiễm siêu nhỏ và vai trò của vi khuẩn này trong các bệnh truyền nhiễm. Tiếp theo sự khám phá này, để chống lại nhiễm trùng bệnh viện, bác sĩ Joseph Lister khuyên nên phun phénol vào bầu không khí của các khu vực phẫu thuật. Nhiều năm sau, bác sĩ sản khoa Semmelweis đề nghị rửa tay trước khi đỡ đẻ cho sản phụ, thế là ra đời phương pháp vô trùng.

Chiếc khẩu trang của bác sĩ Whilhelm Hubener

Sau khi phát minh ra băng miệng, một trợ lý của giáo sư phẫu thuật Jan-Antoni Mikulicz, bác sĩ Whilmhelm Hubener, đã phát triển một loại khẩu trang mới làm từ miếng gạc gấp làm đôi và cố định trong một khung sắt.

Bác sĩ Hervé mô tả: “Khẩu trang này che phủ từ nửa dưới của mũi, miệng và kéo dài xuống cằm và được cố định vào lỗ tai bởi 2 càng bán nguyệt như kính đeo mắt”. Tuy nhiên, các bác sĩ phẫu thuật khác cho rằng khẩu trang này gây vướng víu, bảo vệ không hiệu quả vì nó không che phủ cả tóc. Do đó, một số bác sĩ đã tạo ra các thiết bị khác che phủ diện tích lớn hơn nhưng không cố định được nên chúng nhanh chóng bị lãng quên.

Ngày càng giống hơn với khẩu trang phẫu thuật hiện nay

Cuối cùng, hai bác sĩ đề nghị sử dụng một mảnh vải hình chủ nhật. Hai dải băng nhỏ bằng vải giúp cố định bằng cách buộc phía sau đầu. Bác sĩ Hervé mô tả: “Cạnh dưới của băng vải được khâu vào một yếm vải phủ phần trên áo blouse”.

Thế kỷ 20, tiến tới chiếc khẩu trang đồng nhất trên toàn thế giới

Mũ chụp chỉ để hở mắt và tổ chim ở Mãn Châu

Bệnh dịch hạch Trung Quốc, xuất hiện vào năm 1910 ở Mãn Châu, là một trong những dịch bệnh lớn đã thúc đẩy nhanh hơn sự tiến hóa của khẩu trang. Thật vậy, trong đợt dịch bệnh này, việc sử dụng khẩu trang lan rộng trong dân chúng, trở thành một thói quen thiết thực mới thu hút sự chú ý của toàn thế giới nhờ sự ra đời của hình ảnh đăng trên báo chí. Trong hồi ký của mình, bác sĩ và nhà sinh vật học người Pháp Charles Broquet, người thực hiện chuyến công tác tới Mãn Châu, đã mô tả việc sử dụng các loại khẩu trang khác nhau.

Mũ trùm đầu được sử dụng trước khi bị bỏ rơi: “Lấy cảm hứng từ thiết kế trang phục của bác sĩ cách ly kiểm dịch năm 1819, tôi đã làm một khẩu trang trong vội vàng, trước khi rời Paris, khẩu trang trùm mặt tới dưới mắt, làm bằng tấm mica có thể thay thế, nhưng khi sử dụng nó ở Mãn Châu, tôi thấy nó gây cản trở hơi thở của mình…”, bác sĩ Charles Broquet viết.

Sau đó, một miếng gạc áp sát mặt bằng nhiều dải băng buộc sau đầu và một mũ trùm hở mặt được sử dụng.

“Cuối cùng, các bác sĩ và lính Nhật Bản đã sử dụng khẩu trang mang hình ổ chim có khung bằng dây chì áp vào miệng bằng những sợi dây buộc vào phía sau đầu. Nhận thấy sự cái khẩu trang đầu tiên gây khó chịu, bác sĩ Charles Broquet đã sửa đổi nó: ông thay thế miếng vải áp vào miệng bằng một tấm lưới bên trong có đặt một lớp bông gòn giúp cho hơi thở vào ra được dễ dàng hơn”, bác sĩ Bertrand Hervé mô tả.

Sử dụng đại trà khẩu trang trong đại dịch cúm Tây Ban Nha

Nhưng dịch bệnh thực sự góp phần cho việc sử dụng rộng rãi khẩu trang bảo vệ là dịch cúm Tây Ban Nha bùng phát vào đầu thế kỷ 20. Đó là một miếng gạc hình vuông tẩm thuốc sát trùng.

“Khẩu trang xuất hiện trên mặt của mọi người ở khắp mọi nơi: các bác sĩ, y tá, bệnh nhân, lính, nhân viên bưu điện, thư ký… Ở Hoa Kỳ, người ta thậm chí còn cấm không cho người không mang khẩu trang bước lên phương tiện giao thông công cộng”, bác sĩ Bertrand Hervé nhớ lại.

Từ năm 1945, tiêu chuẩn hóa khẩu trang

Sau Thế chiến thứ hai, bộ tiêu chuẩn sản xuất các thiết bị y khoa được thiết lập nhằm đảm bảo chất lượng các sản phẩm sử dụng trong y khoa. Khẩu trang phẫu thuật được phân biệt với các thiết bị bảo vệ hô hấp như khẩu trang FFP2.

Vào thế kỷ 21: tái phát minh khẩu trang bảo vệ

Cuối cùng, đầu thế kỷ 21 là thời kỳ xuất hiện nhiều đại dịch bệnh mới. Đặc biệt là thập niên 2000, hình ảnh gắn liền với đại dịch SARS là đám đông người mang khẩu trang đứng sát vào nhau tại một đô thị lớn ở châu Á. Trong thập niên 2020, trong khi tiện ích của khẩu đang được tranh luận, các nước phương Tây cũng tự trang bị khẩu trang FFP2, khẩu trang phẫu thuật hay khẩu trang có thể giặt được: cả thế giới mang khẩu trang để đối phó với đại dịch SARS-CoV-2, tác nhân gây ra COVID-19.

Ảnh: AFP/Getty Images and EPA

Ảnh: AFP/Getty Images and EPA

Chúng ta đã biết khẩu trang trong quá khứ, và những khẩu trang phẫu thuật, khẩu trang FFP2 hay khẩu trang có thể giặt được hiện đang sử dụng, vậy khẩu trang của tương lai sẽ ra sao? Như gợi ý của bác sĩ Bertrand Hervé, khẩu trang trong tương lai có thể được làm bằng các chất liệu như polymer hay hạt nano đồng, bạc hoặc nhôm mà tiềm năng khử nhiễm bề mặt đang được nghiên cứu. Những khẩu trang có khả năng thay đổi màu khi tiếp xúc với các hạt chứa virus cũng đang được phát triển.

Huỳnh Thị Hoa Kỳ

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/chiec-khau-trang-va-su-tien-hoa-qua-5-the-ky-26248.html