'Chiếc hộp Pandora'

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây lại đe dọa rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nếu cơ quan này 'không có sự điều chỉnh'. Động thái này không gây bất ngờ bởi vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ lâu nay đã chẳng ưa gì tổ chức vốn được coi là 'Liên hợp quốc' về thương mại toàn cầu.

Theo Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã bị đối xử không công bằng trong thương mại quốc tế và chính WTO phải chịu trách nhiệm vì điều đó. Đây không phải là lần đầu tiên ông chủ Nhà Trắng chĩa mũi dùi công kích nhằm vào WTO. Nhà lãnh đạo Mỹ đã từng nói thẳng WTO là một “thảm họa”, đồng thời cáo buộc tổ chức này đã đối xử với Washington “rất tệ suốt nhiều năm” và “chúng tôi ở trong tình thế bất lợi trước WTO”. Cáo buộc của ông Donald Trump không khỏi khiến người ta liên tưởng tới việc từ trước tới nay, Mỹ đã thua đến 86% những vụ khởi kiện nhằm vào mình tại WTO theo như số liệu của Bloomberg.

Kể từ khi bước chân vào Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump vẫn luôn thể hiện quan điểm cứng rắn trong các vấn đề thương mại. Ông muốn viết lại “luật chơi” của kinh tế thế giới theo hướng có lợi hơn cho Mỹ nhằm phục vụ mục tiêu cốt lõi “Nước Mỹ trên hết”. Và để “đòi lại” những lợi ích kinh tế thương mại mà ông cho rằng Washington đã đánh mất bởi quan hệ thương mại không công bằng, chủ nhân Nhà Trắng đã không ngần ngại rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chỉ vài ngày sau khi nhậm chức, đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), liên tiếp áp mức thuế quan mới đối với hàng hóa của nhiều đối tác thương mại lớn, ngay cả đồng minh lâu năm như Liên minh châu Âu (EU) cũng không là ngoại lệ.

Chính vì ông Donald Trump đã không ít lần “giội gáo nước lạnh” vào cộng đồng quốc tế bằng “học thuyết rút lui” như cách gọi của giới phân tích đối với các quyết sách quan trọng của Washington trong quan hệ đối ngoại nên người ta không khỏi lo ngại lời đe dọa lần này của nhà lãnh đạo Mỹ không chỉ đơn thuần là “đòn gió”.

Từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2, các định chế Bretton Woods, sau này là WTO (ra đời vào năm 1995) chính là hiện thân của mậu dịch tự do và hệ thống thương mại đa phương toàn cầu dựa trên luật lệ chung được sự nhất trí giữa các thành viên. Nếu coi thương mại thế giới là một cuộc chơi thì WTO vừa là luật chơi, vừa là trọng tài. Trong gần 1/4 thế kỷ tồn tại của tổ chức này, Mỹ được đánh giá đã làm tốt vai trò lãnh đạo và là “công dân kiểu mẫu” của WTO.

Nói như vậy để thấy rằng, nếu Mỹ rời WTO, điều đó cũng tương tự hành động mở “chiếc hộp Pandora” trong thần thoại Hy Lạp để giải phóng những điều tồi tệ, kéo theo những hệ lụy đối với hệ thống thương mại đa phương toàn cầu hiện nay nói chung và nền kinh tế xứ cờ hoa nói riêng.

Sự ra đi của một thành viên "nặng ký" như Mỹ-nền kinh tế thành viên lớn nhất, có nguy cơ làm xói mòn tính pháp lý của WTO bởi dưới sức ép từ chủ nghĩa bảo hộ của Washington, các thành viên nhiều khả năng buộc phải phớt lờ WTO và tự giải quyết các tranh chấp thương mại để bảo vệ lợi ích của mình. Khi ấy, WTO chỉ còn là hữu danh vô thực. Trật tự thương mại đa phương toàn cầu tự do và dựa trên luật lệ sẽ bị chủ nghĩa bảo hộ soán ngôi, cùng với đó là vòng luẩn quẩn của những đòn đáp trả “ăn miếng trả miếng” trên phạm vi toàn cầu.

Tất nhiên, trong cuộc chiến tranh thương mại do chính mình khơi mào ấy, Mỹ không sứt đầu cũng mẻ trán. Chỉ qua việc chính quyền Tổng thống Donald Trump mới đây cam kết trả 4,7 tỷ USD nhằm hỗ trợ người nông dân nước này đã cho thấy nền kinh tế số 1 thế giới “ngấm đòn” như thế nào chỉ sau vài tháng châm ngòi tranh chấp thương mại với các đối tác lớn.

Tuy nhiên, người ta vẫn hy vọng Mỹ sẽ không bao giờ mở “chiếc hộp Pandora” ấy bởi câu chuyện rút khỏi WTO không hoàn toàn giống với việc Washington “chia tay” TPP, thỏa thuận hạt nhân Iran hay Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). Sở dĩ nói như vậy bởi lẽ nếu Tổng thống Donald Trump muốn rút Mỹ khỏi WTO thì ông cần phải nhận được cái “gật đầu” của Quốc hội. Tuy rằng, đảng Cộng hòa đang kiểm soát lưỡng viện Quốc hội Mỹ, song kể từ khi nhậm chức cho đến nay, ông Donald Trump không phải lúc nào cũng nhận được sự ủng hộ từ chính “phe mình”, đơn cử như dự luật cải cách nhập cư hồi tháng 6 vừa qua. Do đó, không có gì bảo đảm đề xuất rút Mỹ khỏi WTO của ông chủ Nhà Trắng có thể dễ dàng vượt qua hai “cửa ải” ở Hạ viện và Thượng viện. Trong trường hợp này, việc Mỹ cho đến nay vẫn là quốc gia khởi kiện nhiều nhất trong các thành viên WTO và thắng đến 91% vụ kiện do mình khởi xướng, có lẽ là lời nhắc nhở cần thiết cho các nghị sĩ tại đồi Capitol!

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/chiec-hop-pandora-548460