'Chiếc ghế nóng' của Thủ tướng Anh

Thủ tướng Anh Boris Johnson bắt đầu phải nếm trải 'vị đắng Brexit' khi liên tiếp đối mặt với những thất bại trong nỗ lực thúc đẩy kế hoạch đưa nước Anh rời 'mái nhà chung' châu Âu.

Gần đây nhất, ngày 7-9, Bộ trưởng Việc làm và Hưu trí Anh Amber Rudd từ bỏ các chức vụ trong chính phủ và Đảng Bảo thủ cầm quyền. Bà nói lý do ra đi vì không tin tưởng vào những cam kết của Thủ tướng Boris Johnson để đạt được một thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU) về Brexit.

Động thái này khiến người ta nhớ tới thời kỳ đen tối trước đây của chính quyền tiền nhiệm, khi có tổng cộng 36 bộ trưởng từ chức vì bất đồng quan điểm với cựu nữ Thủ tướng Theresa May-người đã phải ra đi trong nước mắt vì Brexit thất bại.

Những nỗ lực của Thủ tướng Boris Johnson nhằm đạt được một Brexit dù không thỏa thuận theo đúng kế hoạch vào ngày 31-10 tới cũng đã bị chặn lại. Quốc hội Anh đã thông qua dự luật nhằm ngăn chặn kịch bản này bằng cách buộc Thủ tướng phải tìm cách trì hoãn kế hoạch Brexit. Theo đó, Thủ tướng Boris Johnson phải đề nghị EU gia hạn tư cách thành viên của Anh tại liên minh thêm 3 tháng (tức là đến ngày 31-1-2020) nếu Quốc hội hoặc không thông qua được một thỏa thuận Brexit hoặc đồng ý rời EU không thỏa thuận vào ngày 19-10. Văn kiện này dự kiến sẽ được Nữ hoàng Elizabeth II ký ban hành thành luật vào ngày 9-9.

Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Telegraph.

Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Telegraph.

Để cứu vãn tình hình, Thủ tướng Boris Johnson đã bắt đầu khởi động các động thái nhằm kích hoạt một cuộc bầu cử sớm. Vốn ưu tiên cho kịch bản “Brexit cứng” tức là một Brexit không thỏa thuận, hơn là trì hoãn, nhà lãnh đạo Anh giờ đây hy vọng, phe đối lập sẽ thông qua yêu cầu của ông tổ chức bầu cử sớm vào giữa tháng 10 để thiết lập một thế đa số mới ủng hộ chiến lược Brexit của ông, là đưa Anh rời EU bằng mọi giá dù có thỏa thuận hay không. Điểm đến đầu tiên trong chiến dịch vận động của Thủ tướng Boris Johnson là Scotland để gặp gỡ những nông dân và ngư dân từng ủng hộ Brexit trong cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng 6-2016. Trái ngược với những khu vực còn lại của nước Anh, đa số cử tri Scotland khi đó lại bỏ phiếu ủng hộ việc Anh ở lại EU.

Tuy nhiên, giới phân tích dự đoán khả năng thành công của Thủ tướng Boris Johnson là rất thấp khi ông cần phải giành được 2/3 số phiếu ủng hộ ở Quốc hội. Trong khi đó, những ngày qua, các đảng đối lập cũng tranh thủ để tìm kiếm sự ủng hộ nhằm ngăn chặn các nỗ lực của Thủ tướng.

Nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử sớm dự kiến vào ngày 15-10, Thủ tướng Boris Johnson sẽ có cơ hội chống lại dự luật cản trở Brexit không thỏa thuận. Thậm chí ông còn hy vọng sẽ có một thỏa thuận tốt hơn với EU nếu ông vẫn ở lại phố Downing sau ngày 15-10. Tuy nhiên, phe đối lập nghi ngờ khả năng ông có thể đạt được một thỏa thuận tốt hơn phiên bản mà người tiền nhiệm Theresa May đạt được trước đó, song sau đó đã bị chặn lại ở Quốc hội.

Thủ tướng Boris Johnson khẳng định, ông muốn duy trì một Brexit không thỏa thuận để làm đòn bẩy trong đàm phán với các nhà lãnh đạo châu Âu. Tuy nhiên, EU lại cho rằng, Anh chẳng có ý tưởng hay ho nào để thảo luận và họ lo ngại rằng, nhà lãnh đạo Anh muốn tiến tới một cuộc bầu cử sớm và đổ lỗi cho EU.

Như vậy, sau hơn 6 tuần ngồi “ghế nóng” của người tiền nhiệm Theresa May, Thủ tướng Boris Johnson cũng chưa thể xoay chuyển được tình thế bế tắc như dưới thời bà Theresa May. Nỗ lực của Quốc hội Anh chẳng khác nào “trói tay” Thủ tướng Boris Johnson khiến tiến trình Brexit trở nên khó đoán định hơn bao giờ. Những khả năng có thể xảy ra là hoặc Brexit không thỏa thuận, hoặc Anh sẽ buộc phải từ bỏ hoàn toàn nỗ lực này. Đây được coi là hai viễn cảnh khó có thể chấp nhận đối với đa số cử tri Anh.

Thời hạn Anh phải rời EU vào ngày 31-10 không còn xa, chính trường nước Anh vẫn rối như tơ vò. Một sự trì hoãn Brexit lần thứ 4 sẽ phải được tất cả 27 nước thành viên EU còn lại thông qua. Mặc dù các nhà lãnh đạo EU có vẻ để ngỏ cho khả năng này, song Thủ tướng Phần Lan Antti Rinni, hiện đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên EU cũng phải thừa nhận, khả năng đạt thỏa hiệp với EU về một sự chia tay có trật tự dường như là không thể vào thời điểm hiện nay. EU luôn khước từ việc tái thương lượng thỏa thuận Brexit mà khối này đạt được với cựu Thủ tướng May.

Chuyên gia phân tích Larissa Brunner thuộc Trung tâm Chính sách châu Âu nhận định: “Có vẻ như Quốc hội Vương quốc Anh đã giành chiến thắng ở trận chiến đặc biệt này trong việc ngăn chặn Brexit không có thỏa thuận vào ngày 31-10. Nhưng cuối cùng, tất cả những khúc ngoặt đó không thực sự giải quyết được vấn đề rất cơ bản. Chỉ có 3 kết quả có thể xảy ra trong toàn bộ quá trình Brexit: Có thỏa thuận, không có thỏa thuận hoặc Chính phủ Anh phải thu hồi Điều 50 và dừng toàn bộ tiến trình. Tất cả những hỗn loạn trên chiến trường Anh chỉ là trì hoãn việc đưa ra quyết định mà thôi.”

MAI NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/chiec-ghe-nong-cua-thu-tuong-anh-590617