Chiếc đồng hồ đếm ngược ở Metronome

Trong hơn 20 năm qua, những chữ số trên đồng hồ điện tử của dự án nghệ thuật công cộng nổi tiếng Metronome nằm đối diện Quảng trường Union, thành phố New York (Mỹ) luôn hiển thị giờ chính xác đến từng phần trăm của giây. Nhưng mới đây, chiếc đồng hồ này đột ngột chuyển trạng thái. Thay vì đếm giờ xuôi, nó lại đếm ngược thời gian mà con người còn để có thể cứu Trái đất khỏi sự nóng lên toàn cầu.

Vào 15 giờ 20 phút ngày 19-9, chiếc đồng hồ hiển thị dòng chữ “Trái đất cũng có thời hạn”, sau đó là những con số 7, 103, 15, 40 và 07, tương đương năm, ngày, giờ, phút và giây đến thời hạn ấy. Theo Reuters, ý tưởng đồng hồ khí hậu đếm ngược này là của hai nghệ sĩ kiêm nhà hoạt động vì môi trường Gan Golan và Andrew Boyd. Những con số-dựa trên tính toán của Viện Nghiên cứu Mercator về nguồn lực chung toàn cầu và biến đổi khí hậu (BĐKH) tại Berlin (Đức)-mang thông điệp mạnh mẽ về tính cấp thiết của việc chung tay bảo vệ môi trường, chống BĐKH.

Không phải ngẫu nhiên mà Gan Golan và Andrew Boyd chọn New York là nơi trình bày ý tưởng của mình. Trước kia, hai tác giả đã trình bày ý tưởng này thông qua những đồng hồ khí hậu cỡ nhỏ. Tuy nhiên, cả hai nhận thấy sức lan tỏa của thông điệp sẽ mạnh mẽ hơn nếu được hiển thị với quy mô lớn và trưng bày ở nơi công cộng, một nơi có thể gây chú ý cho người qua lại hằng ngày. Dự án nghệ thuật công cộng Metronome của thành phố New York hoàn toàn phù hợp với ý đồ của các tác giả. Thành phố đông dân nhất nước Mỹ chính là một trong những trung tâm văn hóa, tài chính, thương mại hàng đầu thế giới. Đây cũng là nơi tập trung của ngành công nghiệp quảng cáo và truyền thông. Một sự kiện nổi bật tại Metronome sẽ thu hút sự theo dõi đông đảo của công chúng cũng như giới truyền thông khắp thế giới.

 Chiếc đồng hồ đếm ngược thời gian. Ảnh: New York Times

Chiếc đồng hồ đếm ngược thời gian. Ảnh: New York Times

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng lựa chọn trình bày ý tưởng tại New York, thành phố quê hương của Tổng thống Mỹ Donald Trump phải chăng là một ẩn ý khác của tác giả, khi mà chính ông Donald Trump là người đã dứt khoát rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về BĐKH, biến Washington trở thành “người ngoài cuộc” trong nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế cứu “hành tinh xanh”. Một chiếc đồng hồ đếm ngược thời gian có thể là lời nhắn nhủ của các tác giả về trách nhiệm của nước Mỹ (quốc gia có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ hai thế giới) đối với nỗ lực chung của toàn cầu về chống BĐKH.

Nên nhớ rằng, tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Mỹ, đang phải gồng mình gánh chịu những hậu quả của tình trạng BĐKH khiến Trái đất ấm lên. Gần đây, hàng loạt bang ở bờ Tây nước Mỹ đã phải trải qua đợt cháy rừng tồi tệ nhất kể từ năm 2003. Trong khi đó, bờ Đông nước này tính tới thời điểm hiện tại đã hứng chịu 9 cơn bão lớn, tương đương kỷ lục năm 1916. Các nhà khoa học cho rằng, những hiện tượng thời tiết xấu trên đều có liên hệ với tình trạng ấm lên toàn cầu.

Ngoài những tác động kể trên, BĐKH cũng kéo lùi tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ. Nghiên cứu mới đây của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) khẳng định, BĐKH sẽ làm giảm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Mỹ trung bình khoảng 0,03%/năm trong giai đoạn từ năm 2020 đến 2050 so với kết quả kinh tế nước này đạt được trong điều kiện khí hậu toàn cầu giữ ở trạng thái của năm 2000. CBO dự báo tốc độ tăng trưởng giảm trong hơn 30 năm sẽ kéo sản lượng GDP thực tế của Mỹ giảm 1% vào năm 2050. Đây sẽ là nhân tố bất lợi đối với nền kinh tế Mỹ vốn đang phải vật lộn để lấy lại đà tăng trưởng sau đại dịch Covid-19.

Một loạt báo cáo, phân tích gần đây cũng cho thấy BĐKH có thể làm trầm trọng hơn bất ổn và xung đột, từ đó đe dọa sự ổn định và an ninh quốc gia của Mỹ cũng như khu vực và thế giới.

Thế nhưng, phớt lờ sự thật đáng báo động về tình trạng BĐKH, những quyết sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump đang ngày càng cho thấy sự thực dụng khi sẵn sàng rũ bỏ trách nhiệm của một quốc gia đáng nhẽ phải đóng vai trò đi đầu trong thực hiện các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính để theo đuổi cái gọi là mục tiêu “Nước Mỹ trên hết”.

Nhiều nhà hoạt động môi trường đã bày tỏ lo ngại rằng những bước đi này của chính quyền Mỹ có thể là tiền lệ xấu, khiến người dân xứ cờ hoa ngày càng có nhận thức sai lệch và thờ ơ đối với vấn đề BĐKH. Trong bối cảnh như vậy, chiếc đồng hồ đếm ngược ở Metronome sẽ là lời nhắc nhở để họ thấy được thế giới đang ở gần bờ vực nguy hiểm như thế nào. “Điều này là vô cùng quan trọng để khuyến khích mọi người hành động vì tương lai của Trái đất này”, Stephen Ross, Chủ tịch Related Companies, đơn vị sở hữu tòa nhà đặt đồng hồ nhận định.

MINH TRÍ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/chiec-dong-ho-dem-nguoc-o-metronome-636224