Chiếc đĩa hát và sợi dây chuyền

Ôi, vẫn là chúng tôi đây, trông có khác xưa, béo tốt, hồng hào hơn, nhưng thần thái và tâm trạng thể hiện qua gương mặt vẫn vậy, nồng ấm, vô tư. Chúng tôi đã mất mấy chục năm mới tìm lại được hai kỷ vật vừa có giá trị vật chất, vừa có giá trị tinh thần, nhưng chưa bao giờ phải đi tìm lại chính mình…

Tôi sững người khi nhìn thấy chiếc đĩa hát ấy ở cửa hàng băng đĩa Hà Nội. Một cảm giác vừa vui mừng, vừa ngậm ngùi như gặp lại người thân sau nhiều năm xa cách. Chiếc đĩa hát ấy có cái bìa in hình mấy khóm xương rồng cứng cỏi trên nền vàng của một sa mạc mênh mông. Đó là đĩa hát có tên Xương rồng. Chỉ khác ở chỗ, đó là đĩa CD, nhỏ, in trên công nghệ hiện đại, còn chiếc đĩa hát mà tôi hằng thương nhớ, được in trên chất liệu nhựa, cũng gọi là đĩa than LP, sản xuất theo công nghệ khá cổ xưa. Nhưng, cả hai đều mang hình hài của chiếc đĩa hát Xương rồng, với những bản nhạc mà một thời, người yêu nhạc vô cùng hâm mộ.

Sau mùa xuân 1975, đất nước hòa bình, nhưng gặp phải bao nhiêu khó khăn của thời hậu chiến. Người ta xếp hàng mua từng mớ rau muống hoặc mớ cá đồng tiền. Lúc nào cũng lo thiếu gạo. Thế nhưng, người ta vẫn yêu âm nhạc. Chiếc đĩa hát Xương rồng là một tặng vật của nghệ thuật cho những người yêu âm nhạc và ai cũng lùng mua nó. Tôi, thật may mắn, cũng có một chiếc. Trong nhiều buổi tối dưới ánh sáng vàng khè của ngọn đèn điện không sáng đủ công suất vì điện thế quá thấp, tôi ngồi bên chiếc máy hát National nghe nhạc. Những bản nhạc trong chiếc đĩa Xương rồng đem lại cho tôi một khoái cảm nghệ thuật đặc biệt. Nó mở ra trước tôi một bầu trời âm thanh vô cùng sinh động với nhiều sắc thái khác nhau. Có tiếng vó ngựa dồn dập và tiếng súng chát chúa của những chàng cao bồi. Có mầu sắc xanh tươi, không khí nồng cháy của những vùng quê xa xôi tận châu Mỹ La tinh. Có sự đằm thắm, ngọt ngào của dân ca Nga với những hòa thanh quấn quện, như tình người quấn quýt. Cứ thế, món ăn tinh thần quý giá này tiếp cho tôi sức mạnh vượt qua những khó khăn đời thường, nuôi dưỡng tâm hồn và từ đó làm cho thể chất của tôi cũng vững mạnh lên, vượt qua sự thiếu thốn vật chất.

Sống nghèo, nhưng vợ chồng chúng tôi quản lý tài chính một cách thoáng đãng. Tiền lương, hoặc đôi khi tiền nhuận bút của những bài báo, chúng tôi bỏ vào một ngăn kéo, tiêu chung. Chẳng ai kiểm soát ai, vì cả hai, nếu chi tiêu gì, cũng là cho gia đình. Thấy còn khá tiền thì chi tiêu mạnh dạn. Thấy tiền ít quá thì hãm chi tiêu lại. Vậy thôi. Thu nhập hạn hẹp của cặp vợ chồng công chức thời bao cấp cũng giúp chúng tôi có cuộc sống bình thường, nếu không phải chi vào những việc đột xuất.

Năm ấy mùa mưa bão ập đến vô cùng dữ dội. Mưa to, gió lớn khiến khu tập thể của chúng tôi mênh mông nước. Tôi phải đưa vợ con lánh sang nhà nội. Nước ngập lênh láng trong nhà, lên tới sát giát giường. Qua một đêm ngủ, sáng dậy, lưng tôi đau nhức tưởng chừng không đứng dậy được. Tệ hại hơn nữa, là mái nhà cấp bốn của chúng tôi bị gió giật tung, giột tứ bề. Người ta bảo “Thứ nhất vợ dại trong nhà/Thứ hai nhà dột, thứ ba nợ đòi”, bây giờ tôi thấy sao mà thấm thía. Gió đã hết giật rồi, nhưng mưa còn rả rích. Căn phòng của chúng tôi chỉ rộng 9 mét vuông, chẳng còn chỗ nào khô ráo. Tôi phải lấy tấm ni lông căng phía trên màn cho đỡ ướt.

Khi trời lặng gió, tạnh mưa, nước vẫn chưa rút khỏi khu tập thể, nên tôi vẫn để vợ con ở bên nội. Tôi tính đến chuyện phải sửa lại cái mái nhà. Mở ngăn kéo đựng tiền, tôi buồn bã thấy còn ít quá. Nhìn qua nhìn lại, thấy chiếc đĩa hát Xương rồng, tôi cầm lên ngắm nghía. Có lẽ, đây là thứ dễ bán đi nhất trong lúc này để có tiền sửa mái nhà! Ngồi trầm ngâm một lúc, tôi đặt đĩa vào máy hát... Xương rồng cất lên những giai điệu muôn màu của cuộc sống. Có sự êm đềm dịu ngọt của tình yêu con người. Có cái lãng đãng mênh mang của thiên nhiên thuần khiết. Có cả sự bạo liệt của cuộc đấu tranh sinh tồn... Rồi tôi tắt máy, đem chiếc đĩa Xương rồng đi. Xương rồng ơi, chia tay nhé. Nhưng, hẹn sẽ có ngày gặp lại...

***

Khi tôi đem chiếc đĩa Xương rồng về, bật lên, hai vợ chồng ngồi nghe, vợ tôi liền nhắc lại chuyện xưa. Hồi ấy, làm báo, tôi luôn có những chuyến đi dài ngày về địa phương này, địa phương nọ. Trong một chuyến công tác miền Nam, đang ở tận Cần Thơ, thì tôi được tin con gái tôi ốm, phải cấp cứu, đang nằm viện. Giao thông, liên lạc còn rất khó khăn, cho nên từ khi nhận tin tới khi về nhà, phải mất cả tuần lễ, lúc ấy con gái đã khỏi bệnh, ra viện. Nhìn con xanh xao, gầy gò, tôi bàn với vợ phải cho con tẩm bổ. Vợ tôi lấy cho tôi xem nào là thuốc bổ, nào là sữa bột Huygo, đường kính... nói chung là khá dồi dào so với đời sống thời ấy. Tôi hỏi làm sao mà có được những thứ này, vợ tôi chỉ cười. Tôi nhớ, hồi đó đến cân đường cũng được coi là sản vật đặc biệt. Có lần tôi dắt con gái sang nhà anh hàng xóm, có vợ chạy chợ, hồi đó gọi là con phe, tôi thấy cháu nhìn dán mắt vào cái giá gỗ trên tường. Hóa ra, ở đó có một lọ đường đầy… Tôi nhắc tới đó thì vợ tôi cười hóm hỉnh:

- Anh còn nhớ thiếu!

- Thiếu gì?”

- Hồi ấy anh hỏi em lấy tiền đâu mà mua đường sữa, thuốc cho con…

- Nhớ rồi, em cười đấy thôi!

- Vì em không muốn nói cho anh biết, em bán mất sợi dây chuyền rồi!

Tôi tự trách mình vô tâm, bây giờ mới biết chuyện vợ bán đi sợi dây chuyền, một vật kỷ niệm thời mới xuống Đà Nẵng.

Mùa xuân năm 1975, hai vợ chồng tôi đều đi chiến dịch theo các đoàn công tác của Ban Tuyên huấn Khu V. Về đến Đà Nẵng, chúng tôi được bố trí ở tại một căn phòng nhỏ. Có hôm, tôi cùng vợ đi ra phố, dân tình xúm tới ngó mặt và trầm trồ: Con gái Giải phóng khỏe mạnh, xinh đẹp thế mà “Quốc gia” bảo 7 người Cộng sản bu một cành đu đủ không gãy. Sự tuyên truyền của chính quyền Thiệu khiến người dân hiểu lầm cách mạng. Họ sợ bị tắm máu, bị cướp tài sản. Do vậy, một số người giàu rất lo sợ, muốn hiến tài sản cho cách mạng. Khi tôi đến khu phố Thạch Gián tìm nhà cho cơ quan, có một chị nhà ở ngay mặt phố, nói rằng sẽ hiến nhà cho cá nhân tôi, làm giấy tờ đàng hoàng. Đó là một căn nhà nằm ngay mặt một con phố buôn bán sầm uất, với chiều ngang khoảng sáu, bảy mét, chứa đầy gạo. Tôi giải thích là cách mạng tôn trọng dân, không lấy gì, chị cứ giữ nhà mà ở. (Bây giờ nghĩ lại, nếu như lúc ấy nổi lòng tham, nhận căn nhà, rồi sau này thành thói quen, nhận cái này cái khác nữa, thì liệu bây giờ mình có còn là mình hay không?) Đến nhà một người quen là bác Thạch, tôi cũng phải giải thích như vậy. Bác Thạch vốn quen thân gia đình tôi từ thời kháng chiến chống Pháp. Vào đây, gia đình bác làm nghề chụp ảnh, cũng khá giả. Bác có mấy tòa nhà ở Đà Nẵng. Bác bảo muốn hiến một tòa cho cách mạng. Với tình thân của người quen, tôi nói với bác: Của bác, bác cứ giữ, đừng hiến cho ai. Bác đừng sợ. Nếu có ai hạch sách, bác cứ gọi cháu. Bác nghe lời tôi, tiếp tục mở hiệu ảnh làm ăn ổn thỏa. Trước khi tôi trở ra miền Bắc, đến chào gia đình, bác Thạch tặng cho vợ tôi sợi dây chuyền, có mặt đá mầu tím, rất đẹp. Đây là tặng vật của tình thân, vợ chồng chúng tôi xin nhận và giữ làm kỷ niệm. Không ngờ, có ngày vợ tôi phải bán bớt một phần kỷ vật đó. Chiếc mặt đá còn lại, vợ tôi gói kỹ, đút vào túi một chiếc áo khoác. Hồi đó làm gì có két sắt giữ vật quý! Bẵng đi một thời gian khá dài, khi đem chiếc áo ra, mới nhớ lại chiếc mặt đá đó.

***

Nghe xong đĩa hát, tôi bảo: “Đi, bây giờ ta đi mua lại sợi giây chuyền”.

Khi chúng tôi tới trung tâm vàng bạc đá quý, cô nhân viên cầm chiếc mặt đá, lộ vẻ ngạc nhiên: “Sao hai bác có mặt đá quý, hiếm thế? Bác bán lại, chúng cháu mua giá cao cho!” Tất nhiên, chúng tôi không bán chiếc mặt đá, mà chọn mua một sợi dây chuyền phù hợp với nó. Bây giờ, nhiều việc trở nên dễ dàng. Chỉ cần chọn một lúc, là chúng tôi đã có sợi dây chuyền giống như sợi dây chuyền mà vợ tôi đã bán thời khó khăn.

***

Buổi tối, chúng tôi ngồi bên bộ bàn ghế ở tầng một, với đĩa kẹo lạc và ấm nước trà. Hồi còn ở chiến trường cũng như thời bao cấp, thỉnh thoảng có chút đường, chút lạc, tôi lại nấu kẹo lạc cho cả nhà thưởng thức. Bây giờ, tôi cũng làm một đĩa kẹo như vậy. Con cái lớn cả rồi, ở riêng hết, chỉ có hai ông bà ngồi với nhau. Lúc này, chúng tôi mới ngắm kỹ chiếc mặt đá và sợi dây chuyền. Chúng như đôi bạn thân, quấn quýt, tôn vẻ đẹp của nhau lên. Mầu tím của mặt đá và màu vàng của sợi dây chuyền quyện lại, đằm thắm, thủy chung. Và nữa, chiếc đĩa Xương rồng đang được dàn âm thanh AKAI cho tấu lên những giai điệu thân thương mà thời bao cấp chúng tôi đã nghe không biết bao lần, để rồi mất bẵng đi, tưởng là không gặp lại được nữa. Qua bao thay đổi xã hội, qua những cuộc cách mạng công nghiệp, dàn âm thanh và chiếc đĩa hiện đại hơn xưa, âm thanh nuột nà hơn, nhưng những bản nhạc xưa vẫn chính là chúng, đem đến cho chúng tôi cả một không gian âm thanh đầy xao động. Những bản nhạc ấy lan tỏa trong căn phòng ấm cúng, bỗng nâng tôi lên, bay bổng. Tôi gặp lại mình cùng người vợ thời trẻ trung. Gầy gò. Đen đúa. Nhưng rạng rỡ. Tươi tắn. Một làn sương mù trắng mọng phủ khắp chúng tôi, rồi đột ngột một vừng mặt trời rạng rỡ chiếu qua, khúc xạ, cho chúng tôi nhìn lại chính mình bây giờ. Ôi, vẫn là chúng tôi đây, trông có khác xưa, béo tốt, hồng hào hơn, nhưng thần thái và tâm trạng thể hiện qua gương mặt vẫn vậy, nồng ấm, vô tư. Chúng tôi đã mất mấy chục năm mới tìm lại được hai kỷ vật vừa có giá trị vật chất, vừa có giá trị tinh thần, nhưng chưa bao giờ phải đi tìm lại chính mình…

Phạm Việt Long

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/chiec-dia-hat-va-soi-day-chuyen-63379