Chiếc 'cầu nối' của văn hóa Việt - Tày

Sở hữu 5 tập thơ song ngữ Việt - Tày, hơn chục cuốn sách dịch thuật sang hai tiếng Việt - Tày, gần 200 ca khúc được bảo vệ tác quyền và phát hành 3 CD âm nhạc..., có thể nói, cố nhà thơ, nhạc sĩ, dịch giả Triệu Lam Châu là chiếc 'cầu nối' giữa hai nền văn hóa Việt - Tày.

Cố nhà thơ Triệu Lam Châu. Ảnh: Tư liệu

Cố nhà thơ Triệu Lam Châu. Ảnh: Tư liệu

Nhà thơ Triệu Lam Châu sinh năm 1952, là người dân tộc Tày, ở bản Nà Pẳng, xã Đức Long, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Ông đã có thời gian dài du học tại Trường Đại học Mỏ Leningrad (Liên Xô) rồi về giảng dạy bộ môn Địa chất công trình tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa (Phú Yên). Sau nhiều năm bôn ba xứ người, gần đây, ông quyết định chuyển về sinh sống tại thành phố Cao Bằng. Tuy nhiên, về quê được một thời gian ngắn, đến tháng 1-2018, ông đã mãi mãi nằm lại mảnh đất đầy thương mến này.

Vốn là người sinh ra và lớn lên ở Cao Bằng, cái nôi của phong trào cách mạng, nên tâm hồn ông luôn thấm đẫm chất núi rừng hùng vĩ. Làng ông có nhiều người từng được gặp Bác Hồ. Hồi nhỏ, ông được những người lớn tuổi trong làng kể nhiều câu chuyện về Bác. Cạnh bản ông có một thung lũng nhỏ, gọi là thung lũng Anh Hồ. Đây chính là nơi Bác Hồ về tổ chức lớp huấn luyện cán bộ, du kích trong vùng từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Hồi nhỏ, mỗi lần vào thung lũng Anh Hồ, trong lòng cậu bé Châu lại dâng lên một cảm xúc thật thiêng liêng về Bác và niềm tự hào về quê hương.

Thời học phổ thông, ông vô cùng thấm thía cái hay, cái đẹp của thơ Hồ Chí Minh, nhất là những vần thơ chứa chan tình cảm lãng mạn cách mạng của Người qua các giờ giảng văn. Hồi ấy, ông đã sưu tầm và thuộc khá nhiều thơ Bác. Có lẽ vì sự đồng điệu về cảnh sông suối, núi rừng, cộng với một chút năng khiếu về văn chương mà ông đã sớm nhận ra giá trị của những bài thơ trong tập thơ “Nhật ký trong tù” của Bác Hồ. Nhưng ông lại luôn đặt ra câu hỏi: Tại sao “Nhật ký trong tù” đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới mà chưa ai dịch ra tiếng Tày? Thế là ông đã ấp ủ ý định dịch “Nhật ký trong tù” ra tiếng của dân tộc ông, từ những năm ngồi trên ghế nhà trường.

Đến năm 2000, nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và khi ấy Triệu Lam Châu đã là tác giả có tên tuổi, ông mới bắt tay vào việc dịch tập thơ “Nhật ký trong tù” từ tiếng Hán ra song ngữ Việt - Tày, theo thể lục bát. Để từng bước thực hiện ý tưởng trên, ông đã nghiền ngẫm, thuộc lòng tất cả các bài thơ trong “Nhật ký trong tù”, từ nguyên bản chữ Hán đến bản dịch tiếng Việt rồi tìm cuốn sách dịch “Nhật ký trong tù” ra tiếng Nga; tìm hiểu cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đọc nhiều tác phẩm khác của Người cũng như các tác phẩm viết về Người và “vùi đầu” vào tìm đọc các sáng tác bằng tiếng Tày của các nhà thơ dân tộc Tày nổi tiếng như Nông Quốc Chấn, Hoàng Đức Hậu, Hà Trọng Quai... để “thấm dần”, để sưởi ấm bằng tâm hồn Tày.

Dẫu vậy, do là tập thơ đã được nhiều nhà thơ nổi tiếng dịch và để vượt qua “cái bóng” của họ quả thực không dễ. Hơn nữa, đây là tác phẩm viết bằng chữ Hán, theo thể Đường luật, dịch ra thể lục bát tiếng Việt đã khó, dịch ra thể thơ lục bát tiếng Tày càng khó hơn. Nhưng những băn khoăn, trở ngại ấy không làm nhà thơ nhụt chí, bởi ông nghĩ rằng mình làm cốt là ở tấm lòng.

“Xắn tay” vào công việc dịch thuật, ông đã trăn trở chọn từ, thậm chí là “sáng tạo” từ, rồi khi dịch xong mỗi bài, có khi là mỗi câu, mỗi từ, ông điện về hỏi các bạn thơ người Tày và bà con người Tày như vậy đã đạt chưa, nhận được kết quả, ông mới yên tâm. Đặc biệt, ông dịch thơ theo cảm hứng, khi nào có cảm xúc mới ngồi vào bàn để dịch.

Cuối cùng, những “quả ngọt” đã đến vào năm 2008 khi ông hoàn thành việc dịch cuốn “Nhật ký trong tù” ra song ngữ Việt - Tày và được Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc ấn hành năm 2009, với tên tiếng Tày “Xeéc mai chang rườn xăng”. Sau khi xuất bản, tập thơ dịch của ông vinh dự được UBND tỉnh Phú Yên trao tặng giải C, Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh (giai đoạn 2006-2010).

Nhưng điều quan trọng, tập thơ đã được lãnh đạo, thầy, cô giáo và người dân địa phương quê ông yêu thích, đón nhận và hoan nghênh. Cuốn sách có giá trị to lớn trong việc phổ biến tập thơ nổi tiếng của Bác đến với bà con dân tộc Tày, đến với những vùng đất đã gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác. Hơn nữa, chọn lối thơ lục bát truyền thống dễ đọc, dễ thuộc, dễ nhớ cũng là sự tài tình, một cách làm khác biệt của Triệu Lam Châu.

Không chỉ làm thơ hay, dịch thơ giỏi, ông còn sáng tác ca khúc thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước, con người, trong đó, phần lớn là những ca khúc về quê hương Cao Bằng yêu dấu của mình. Ông đến với âm nhạc khá sớm và nó luôn song hành với con đường thi ca trong ông. Nhà không có ai đi theo con đường âm nhạc nên ông tự nghiên cứu, học hỏi là chính. Rất may, ở trường học phổ thông, cậu bé Châu đã được các thầy chỉ dạy tận tình môn kéo đàn violon và đã biết chơi từ năm 15 tuổi. Hồi đó, ông còn say sưa học chương trình dạy xướng âm trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 1968, ông đã viết ca khúc đầu tay.

Sinh thời, Triệu Lam Châu vẫn thường cho rằng: “Thơ với mình là máu thịt”, nhưng vì cảm xúc âm nhạc tuôn trào lai láng, nên những năm cuối đời, ông đã sáng tác được nhiều ca khúc tâm đắc, lay động được lòng người. Với lợi thế là một nhà thơ, nên trong các ca khúc của Triệu Lam Châu thường có tứ thơ đẹp, mơ mộng và bay bổng. “Có tứ thơ rồi, giai điệu sẽ tự đến. Có những bài hát tôi viết khoảng hai giờ là hoàn chỉnh. Sau một thời gian thai nghén đến chín muồi, lời và nhạc song hành xuất hiện” - Nhà thơ Triệu Lam Châu bộc bạch.

Tuy là nhạc sĩ “tay ngang”, nhưng ông sáng tác và làm đĩa nhạc không hề nghiệp dư. Đĩa nhạc đầu tay mang tên “Cao Bằng yêu dấu”, với 10 ca khúc viết về quê hương Cao Bằng, về núi rừng Việt Bắc do Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Trung Đức, NSND Doãn Tần, NSND Vi Hoa... thể hiện, như một lời tri ân sâu sắc đến mảnh đất đã sinh ra ông.

Đặc biệt, vào cuối năm 2007, đĩa nhạc “Gánh nước ban mai” của ông đã được Ủy ban toàn quốc các Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam trao giải C. Đây là đĩa nhạc gồm 8 ca khúc về tình yêu, cuộc sống và những hoài niệm thời thơ ấu trong không gian của núi rừng Việt Bắc, do Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Hải hòa âm, phối khí và các ca sĩ của Đoàn Ca múa nhạc dân gian Sao Biển thể hiện.

Triệu Lam Châu là người giỏi công nghệ, mỗi khi video âm nhạc được hoàn thành, ông thường đưa lên mạng xã hội để mọi người cùng thưởng thức. Có lẽ vì thế mà những sáng tác của ông được nhiều người biết đến, tán thưởng và ủng hộ. Cả cuộc đời làm nghề dạy học, nhưng ông đã giành được không ít giải thưởng nghệ thuật cao quý của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Yên.

Ngô Khiêm

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chiec-cau-noi-cua-van-hoa-viet-tay/