Chiếc Boeing gặp nạn mới được Lion Air vận hành từ tháng 8

Hãng hàng không Lion Air nói chiếc máy bay vừa rơi xuống biển chỉ mới được vận hành từ tháng 8 và là chiếc máy bay 'an toàn'.

Nhiều mảnh vỡ ở hiện trường chiếc máy bay Lion Air rơi Đội cứu hộ có mặt tại hiện trường chiếc máy bay Lion Air rơi ghi lại hình ảnh mặt biển Java lềnh bềnh mảnh vỡ và các vật dụng của hành khách.

Chiếc máy bay của Lion Air, chở theo 189 người, được cho là đã chìm sau khi rơi xuống biển Java không lâu sau khi cất cánh từ thủ đô Jakarta sáng 29/10.

Lion Air cho biết cơ trưởng và cơ phó của chuyến bay có tất cả 11.000 giờ bay trong khi máy bay "an toàn" và hãng chỉ vừa đưa vào vận hành từ tháng 8.

CEO Edward Sirait của Lion Air nói rằng chiếc máy bay vừa rơi từng gặp "vấn đề kỹ thuật" vào ngày 28/10.

"Trước đó, máy bay bay từ Denpasar đến Jakarta. Có một báo cáo về vấn đề kỹ thuật nhưng đã được khắc phục theo quy trình", Guardian dẫn lời ông nói với phóng viên.

Trong khi đó, người phát ngôn nhà sản xuất máy bay Boeing nói với Reuters rằng hãng đã nhận được thông tin về vụ việc và đang "theo dõi sát sao" tình hình. Máy bay bị rơi là một chiếc Boeing 737 MAX 8.

"Công ty Boeing đau buồn sâu sắc trước sự mất mát của chuyến bay JT610. Chúng tôi bày tỏ sự quan tâm với những người trên chuyến bay và chia sẻ cảm thông với gia đình, người thân họ", thông cáo của hãng cho biết. Boeing cũng tuyên bố sẽ hỗ trợ về kỹ thuật trong quá trình điều tra vụ việc.

Một máy bay của Lion Air đậu ở sân bay Mutiara Sis Al Jufri trên đảo Palu, Indonesia. Ảnh: AFP.

Chiếc máy bay của Lion Air, chuyến bay số hiệu JT610, khởi hành tại Jakarta lúc 6h20 và dự kiến đáp xuống Pangkal Pinang, thành phố lớn nhất đảo Bangka, lúc 7h20. Máy bay biến mất khỏi màn hình radar lúc 6h33, chỉ 13 phút sau khi cất cánh. Trước đó, máy bay còn yêu cầu được quay đầu trở lại.

Hiện chưa rõ máy bay chở theo 189 hay 188 người. Đại sứ quán Việt Nam tại Jakarta cho biết đến theo thông tin đến lúc này, không có hành khách người Việt nào trên chuyến bay JT610.

Người phát ngôn cơ quan tìm kiếm và cứu nạn Indonesia Yusuf Latif nói rằng giới chức đang tìm kiếm xác chết máy bay rơi.

"Máy bay rơi xuống biển và chìm xuống độ sâu 30 đến 40 m", ông nói với AFP.

Người ta đã tìm thấy một số mảnh vỡ máy bay cùng vật dụng trôi nổi trên biển tại khu vực chiếc máy bay được cho đã rớt xuống.

Lion Air là một hãng hàng không giá rẻ và từng gặp một vài tai nạn. Năm 2017, máy bay Boeing của Lion Air va chạm với máy bay của Wings Air khi đang đậu tại sân bay trên đảo Sumatra, nhưng không ai bị thương.

Vy Xuân

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/chiec-boeing-gap-nan-moi-duoc-lion-air-van-hanh-tu-thang-8-post888046.html