Chiếc bình bạc cổ xưa gợi lên những bí ẩn của Con đường tơ lụa

Trải dài từ đế chế La Mã đến châu Á, tuyến đường thương mại xưa thu hút những kẻ di dân và buôn bán đến Trung Quốc, để lại đồ tạo tác phong phú với ý nghĩa đa văn hóa.

Trải dài từ đế chế La Mã đến châu Á, tuyến đường thương mại xưa thu hút những kẻ di dân và buôn bán đến Trung Quốc, để lại đồ tạo tác phong phú với ý nghĩa đa văn hóa.

Con đường tơ lụa trải dài khắp lục địa Á-Âu-Phi. Ảnh minh họa: SCMP

Con đường tơ lụa trải dài khắp lục địa Á-Âu-Phi. Ảnh minh họa: SCMP

Trung Quốc đã và đang thực hiện sáng kiến “Vành đai và Con đường” - một kế hoạch đầy tham vọng để mở các thị trường mới cho Trung Quốc bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại và hậu cần từ châu Á đến châu Âu và châu Phi. Ý tưởng này dường như xuất phát từ Con đường tơ lụa huyền thoại trong quá khứ, hoạt động từ những năm 200 trước Công nguyên đến năm 1400.

Tuy nhiên, như một vấn đề của lịch sử, sáng kiến Vành đai và Con đường hoàn toàn khác so với Con đường tơ lụa. Trên thực tế, không có con đường tơ lụa thực sự, mà đó chỉ là tên gọi được sử dụng rộng rãi từ cuối thế kỷ 20, đề cập rất nhiều khu vực nằm trên khắp vùng Afro-Eurasia (lục địa Á-Âu-Phi) từng chứng kiến các hoạt động thương mại trong quá khứ.

Con đường tơ lụa chưa bao giờ là một mạng lưới giao thông chính thức được chỉ đạo bởi một chính quyền nhà nước, như Trung Quốc đề xuất với sáng kiến Vành đai và Con đường. Có rất nhiều giao dịch trước đây trên Con đường tơ lụa bao gồm tơ tằm, vải thô và đồ dệt. Một số bắt đầu ở Trung Quốc hoặc Rome, một số ở Trung Á, Ấn Độ hay Châu Phi và nhiều nơi khác. Hành trình được thực hiện bằng đường biển, sông và đường bộ, hoặc cả 3. Đôi khi các chính phủ tham gia vào hoạt động thương mại, đôi khi các chỉ có các thương nhân hoặc thậm chí là cả 2 bên.

Bất chấp ranh giới mơ hồ đó, không ai có thể phủ nhận những giá trị của Con đường tơ lụa. Con đường tơ lụa là sự tương tác giữa các ranh giới, có thể là thời gian, địa lý, văn hóa, chính trị hay thậm chí là trí tưởng tượng. Những tương tác đó, và tác động của chúng đối với cá nhân và các nền văn hóa là di sản thực sự của Con đường tơ lụa, đặc biệt là phần lớn các đối tượng xuất hiện trên Con đường tơ lụa đã biến mất từ lâu.

Hàng thế kỷ trôi qua, những thực phẩm, rượu và thuốc đã được tiêu thụ hoàn toàn. Nô lệ, voi và ngựa đã chết. Hàng dệt, gỗ và ngà voi bị hư hỏng. Thủy tinh và đồ gốm bị vỡ. Chỉ trong những trường hợp hiếm hoi, một số vật thể làm bằng thủy tinh hoặc kim loại tồn tại, bị chôn vùi ở đâu đó, hoặc cũng có thể là đồ bồi táng với xác chết.

Chiếc bình cổ phản ánh sự giao thoa giữa nhiều nền văn hóa trong quá khứ. Ảnh: SCMP

Tuy nhiên, câu chuyện về một và chỉ một vật thể được tìm thấy đôi khi lại có thể phản ánh những bí mật của Con đường tơ lụa. Đó là trường hợp một chiếc bình bạc được tìm thấy trong ngôi mộ của vị tướng ở miền Bắc Trung Quốc trong thế kỷ thứ 6.

Chiếc bình có lẽ đã được chế tạo ở khu vực trung tâm của Con đường tơ lụa, tại Bactria (ngày nay ở miền Bắc Afghanistan), vào thời điểm khu vực này nằm dưới sự cai trị của những người di cư từ biên giới Trung Quốc và thảo nguyên, thường được gọi là người thuộc sắc tộc Hephthalites (Trung Á).

Bình cao 37 cm, cho thấy một nền tảng văn hóa đa dạng. Được làm bằng kỹ thuật chế tác kim loại của người Sasan (đế chế Ba Tư cuối cùng trước sự nổi dậy của Hồi giáo vào thế kỷ thứ 7) nhưng lại có cả 2 họa tiết từ văn hóa Hy Lạp cổ điển (khu vực nằm xa về phía Tây), cũng như ảnh hưởng từ Ấn Độ (ở phía Nam). Chiếc bình gần như đã phản ánh toàn bộ chiều dài địa lý và bề rộng của Con đường tơ lụa.

Hình dạng và vật liệu của chiếc bình cũng rất đặc biệt. Chẳng hạn như, các loại kim loại được chế biến từ Rome chuyển qua Sasanian Persia đến Trung Á, trong khi ở Trung Quốc, những chiếc bình sẽ thường được làm bằng gốm sứ. Bình có tay cầm vuông của người Sasan, đầu lạc đà thể hiện văn hóa Bactrian. Nhưng có lẽ đặc điểm hấp dẫn nhất của chiếc bình cổ là cảnh miêu tả cuộc chiến thành Troy được mô tả xung quanh.

Câu chuyện về cuộc chiến thành Troy có lẽ đã được truyền sang phương Đông rất lâu, trước cả khi Con đường tơ lụa đi vào hoạt động. Vào thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, thế giới Hy Lạp và sức ảnh hưởng của nó mở rộng đáng kể, nhờ vào các chiến dịch của Alexander Đại đế (người sống trong những năm từ 356-323 trước Công nguyên).

Alexander Đại đế tới Bactria năm 329, hoàn thành chinh phục trong 2 năm sau đó. Mặc dù thời gian cai trị của Alexander Đại đế không kéo dài, sự ra đời của ngôn ngữ Hy Lạp, quản trị, kiến trúc, nghệ thuật và văn hóa tác động đáng kể đến khu vực Trung Á, gây ra cái gọi là Hellenisation (Hy Lạp hóa) của khu vực này.

Chiếc bình có lẽ chỉ ở lại Bactria không quá 1 vài thập kỷ trước khi được đưa về phía Đông, đến Cố Nguyên, trong khu tự trị Hồi Ninh Hạ của Trung Quốc ngày nay. Chủ nhân mới của chiếc bình là Li Xian (502-569 sau Công nguyên). Theo tiểu sử được khắc trên đá bên trong lăng mộ của ông, tổ tiên của ông từ thảo nguyên ở phía Bắc đã chuyển đến vùng biên giới một thời gian trước.

Theo cách này, chiếc bình đã thể hiện một phần sự đa dạng nhưng không kém phần phức tạp của văn Trung Quốc với những đợt xâm lược và làn sóng người di cư, đặc biệt là từ biên giới phía Bắc và Tây Bắc. Chiếc bình bạc và hành trình của nó phản ánh sự phát triển và giao thoa văn hóa - câu chuyện của Con đường tơ lụa đã để lại dấu ấn về xã hội tiền hiện đại trên khắp vùng Á-Âu vẫn còn vang dội tới ngày nay.

PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo SCMP)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-the-gioi/chiec-binh-bac-co-xua-goi-len-nhung-bi-an-cua-con-duong-to-lua-a247168.html