Chiếc áo rộng của kỳ thi tốt nghiệp PTTH

Mùa thi tốt nghiệp PTTH lại đến, một kỳ thi với chiếc áo trách nhiệm rộng thùng thình '3 trong 1': kiểm định chất lượng giáo dục, xét tuyển tốt nghiệp và làm cơ sở xét tuyển đại học. Nhưng liệu nó có thể đạt được bao nhiêu mục đích?

Ảnh: Thành Hoa.

Đầu tiên, nếu kỳ thi là để xét tuyển tốt nghiệp thì đây là một mục tiêu thất bại. Ngoại trừ hai năm thắt chặt kỷ luật thi cử là năm 2007 và 2008 với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp lần lượt là 67,5% và 75,96%, từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ này đều đạt trên 90%. Lần gần đây nhất là vào năm ngoái, con số này là 98,8%. Nếu cứ 1.000 em thi tốt nghiệp chỉ có 12 em trượt thì có lẽ cuộc thi không còn cần thiết nữa.

Nếu kỳ thi là để làm cơ sở xét tuyển đại học, tôi cũng tự hỏi liệu đây có phải là cơ sở đáng tin cậy? Nhìn vào tỷ lệ đỗ tốt nghiệp PTTH 67,5% của năm 2017 và con số 98,8% vào 10 năm sau đó, mọi người nghĩ gì? Nền giáo dục của chúng ta đã có một bước tiến dài chăng? Hoặc đề thi đã dễ hơn nhiều? Hoặc gian lận đã cao hơn nhiều?... Tất cả chỉ là giả thuyết, vì năm nào cũng lặp lại một điệp khúc: “Kỳ thi diễn ra công bằng, nghiêm túc, đúng quy chế...”. Nhưng phải nói thật, dần dà, ít nhất là cá nhân tôi, đã mất niềm tin vào tuyên bố đó. Và khi sự nghiêm túc là một dấu chấm hỏi thì liệu mục tiêu đánh giá chất lượng đào tạo và xét tuyển đại học có đạt được?

Gần đây, tôi có tham gia một khóa học về cải cách giáo dục của Mỹ. Người ta nói rất nhiều về lợi ích của một kỳ thi như thi tốt nghiệp PTTH. Nó giúp học sinh tập trung hơn, quyết tâm hơn và mong muốn vươn lên hơn. Nhưng một trong những lý do quan trọng khiến nước Mỹ chưa (và có lẽ không) tổ chức kỳ thi này, đó là họ lo sợ tỷ lệ đỗ tốt nghiệp quá thấp. Do đó, họ sử dụng điểm học bạ, một số bài test chuẩn hóa (như SAT, ACT, MNSQT...) và hồ sơ học sinh để đưa ra quyết định xét tuyển đại học. Nếu một nền giáo dục như của Mỹ mà còn lo ngại kỳ thi tốt nghiệp sẽ đánh rớt phần lớn học sinh thì tôi quả có ngạc nhiên khi một kỳ thi tương tự ở Việt Nam có tỷ lệ đỗ gần như tuyệt đối.

Chúng ta đã cải cách giáo dục rất nhiều. Cá nhân tôi không nghĩ rằng cách tuyển sinh kiểu Mỹ là phù hợp với các nước như Việt Nam hay Trung Quốc. Lý do là việc “chạy” trường đại học sẽ rất dễ trở thành phổ biến, giống như cách mà các phụ huynh vẫn “chạy” cho con em vào cấp 1, 2 hoặc 3. Nhưng có lẽ, với kỳ thi tốt nghiệp PTTH, chúng ta cần cải cách một lần nữa.

Đối với các học sinh kết thúc thành công 12 lớp học, hãy cấp bằng tốt nghiệp PTTH thông thường (regular degree) cho họ dựa trên học bạ, bởi dù sao thì tỷ lệ thi tốt nghiệp cũng đã đạt gần 100%. Có thể vẫn giữ một kỳ thi hàng năm nhưng cần tập trung vào việc tìm ra những người phù hợp nhất để vào đại học - một dạng cấp bằng “academic degree” (tốt nghiệp “học thuật”) - dành riêng cho những người thi chỉ để làm căn cứ nộp đơn vào đại học. Và như vậy, chỉ những ai muốn tiếp tục học đại học mới đăng ký kỳ thi này.

Còn lại, có rất nhiều con đường vào đời. Các em có thể cầm bằng tốt nghiệp thông thường tự mình đi xin việc hoặc học nghề ngay sau khi tốt nghiệp. Một thợ giỏi luôn tốt hơn một cử nhân tồi.

Quang Nguyễn

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/273808/chiec-ao-rong-cua-ky-thi-tot-nghiep-ptth-.html