Chiếc áo phong in hình mỹ nữ: Việt Nam mang tiếng oan

Dẫu cửa hàng ở Việt Nam chỉ mua sỉ từ Trung Quốc để bán lại nhưng cuối cùng vẫn bị mang tiếng xấu.

Một việc trớ trêu vừa diễn ra, Driely Meanda, 22 tuổi, đến từ Sao Paulo, Brazil là một hot girl trên mạng xã hội với tài khoản có hơn 300.000 lượt theo dõi phát hiện mannequin trong một tiệm thời trang nữ ở Việt Nam đang mặc chiếc áo phông in mặt cô. Ngoài ra, Meanda phát hiện có một dòng áo blouse và áo sơ mi in mặt cô được bán trên mạng và trong nhiều cửa hàng.

Sau khi nhiều fan khuyến khích Meanda kiện cửa hàng, cô đã liên lạc với tiệm quần áo tại Việt Nam nhưng phát hiện ra thương hiệu này không trực tiếp chịu trách nhiệm cho hình ảnh in trên quần áo họ bán ra. Những mẫu mã này được sản xuất tại Trung Quốc và bán tràn lan trên chợ online. Cửa hàng ở Việt Nam chỉ mua sỉ để bán lại.

Ảnh selfie của Meanda (trái) và chiếc áo in hình mặt cô trong một cửa hàng thời trang ở TP HCM. Ảnh: Twitter.

Cửa hàng thời trang tại Sài Gòn đã xin lỗi Meanda, ngỏ lời tặng vài chiếc blouse và áo phông in hình cô gái Brazil. "Chúng tôi biết rằng cô gái trong những chiếc áo phông đó là Meanda. Gửi tới người hâm mộ: Chúng tôi đã nói chuyện và cô ấy để chúng tôi sử dụng hình ảnh. Cảm ơn mọi người muốn bảo vệ cô ấy, các bạn đã làm điều đúng đắn", chủ cửa hàng viết trên fanpage.

Về phần Meanda, cô chưa thể xác định công ty nào sản xuất chiếc áo in mặt mình, và nếu có, cô cũng lực bất tòng tâm do không thể theo đuổi vụ kiện.

Câu chuyện của hotgirl Meanda với những chiếc áo có gương mặt của mình có lẽ rơi vào trường hợp "kẻ cắp gặp... gái xinh". Cô đã bị phía doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng hình ảnh vì mục đích thương mại mà không có sự xin phép.

Điều trớ trêu là, dẫu người tự ý sử dụng hình ảnh của Meanda là phía Trung Quốc, nhưng người bị mang tiếng xấu lại là doanh nghiệp ở Việt Nam. Mà căn nguyên của việc này chính là tình trạng doanh nghiệp Việt xưa nay vẫn chuộng nhập hàng Trung Quốc về bán, hoặc gia công thêm một chút rồi xuất khẩu.

Trên đây mới chỉ là một sự việc nhỏ, điều đáng lo ngại hơn, về lâu dài, Việt sẽ phải trả giá vì lối làm ăn chọn dễ bỏ khó, chỉ vì lợi ích trước mắt của nhiều doanh nghiệp.

Cho đến nay, nhiều mặt hàng của Việt Nam như gỗ dán, tôn, thép... đã và đang phải đối mặt với với những vụ kiện bán phá giá từ nhiều thị trường do nghi ngờ các sản phẩm là hàng Trung Quốc nhưng lại gắn mác Việt Nam để đưa vào nước họ.

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/chiec-ao-phong-in-hinh-my-nu-viet-nam-mang-tieng-oan-3363062/