Chiang Mai bùng dịch vì sinh viên đi uống rượu sau kỳ thi

Chiang Mai là một trong 3 nơi có tình trạng lây nhiễm nghiêm trọng trong đợt bùng dịch mới nhất ở Thái. Nguyên nhân do giới trẻ chủ quan khi tham gia các hoạt động giải trí về đêm.

Từ cuối tuần đến nay, Thái Lan phát hiện số bệnh nhân mắc Covid-19 mới mỗi ngày gần chạm ngưỡng 1.000 - con số cao kỷ lục kể từ đầu tháng 2.

Ngày 12/4, Thái Lan có 985 ca nhiễm mới. Trung tâm Quản lý Tình hình Covid-19 Thái Lan (CCSA) cho biết riêng tỉnh Chiang Mai chiếm 269 trường hợp, vượt thủ đô Bangkok (137 ca) và Chon Buri (92 ca) để trở thành nơi có số ca mắc mới trong ngày cao nhất, theo Bangkok Post.

Tỉnh trưởng Chiang Mai cho biết số người có nguy cơ lây nhiễm ước tính khoảng 5.000-6.000.

 Các tấm chắn được dựng trong một điểm giải trí ở Thái Lan. Ảnh: Reuters.

Các tấm chắn được dựng trong một điểm giải trí ở Thái Lan. Ảnh: Reuters.

Sinh viên "xõa" sau kỳ thi

Opas Karnkawinpong, lãnh đạo Cục Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan (DDC), cho biết số lượng ca nhiễm đang có chiều hướng đi lên, nhất là trong thời gian diễn ra Tết cổ truyền Songkran. Các số liệu sau lễ hội sẽ quyết định chiều hướng của đợt bùng phát dịch thứ ba tại quốc gia này.

Một trong những lý do dẫn đến đợt bùng phát dịch lần này ở Thái là vì sự xuất hiện của biến thể B117 (được tìm thấy lần đầu tại Anh). Biến thể này có khả năng lây nhiễm cao và dễ dàng xâm nhập vào trong tế bào.

Mặt khác, theo số liệu của CCSA, phần lớn ca nhiễm mới đều liên quan đến các địa điểm giải trí ban đêm. Bangkok đứng đầu danh sách với 85 địa điểm, tiếp theo là Chon Buri, Prachuap Khiri Khan, Pathum Thani và Chiang Mai.

Riêng tại Chiang Mai, bác sĩ Opas nhận định đợt bùng dịch lần này khác biệt ở chỗ phần lớn những ca nhiễm ban đầu là giới trẻ.

"Nhiều trường hợp lây nhiễm ở Chiang Mai liên quan đến các sinh viên. Sau khi thi cử xong xuôi, họ đến quán rượu để 'xõa', hoặc tham gia một số hoạt động khác góp phần phát tán virus rộng hơn", ông Opas nói trên Bangkok Post.

Gần 100 sinh viên và nhân viên đại học Chiang Mai đã được xác nhận dương tính với Covid-19. Các bệnh nhân được chuyển từ các bệnh viện dã chiến đến trung tâm y tế của trường đại học.

"Tình hình hiện tại rất nghiêm trọng", Tỉnh trưởng Chiang Mai Chaoroenrit Sa-nguansat nói.

Ông Chaoroenrit cũng cho biết số người có khả năng lây nhiễm cao lên đến khoảng 6.000. Do vậy tỉnh này đã tăng cường các bộ xét nghiệm để đáp ứng nhu cầu truy vết. Các bệnh viện dã chiến được dựng thêm để đối phó với trường hợp số ca mắc tăng mạnh.

Người dân Thái Lan xếp hàng đợi tiêm vaccine. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, việc thiếu hợp tác từ những khách từng đến các hộp đêm trong diện rủi ro khiến nỗ lực kiểm soát dịch của cơ quan y tế bị hạn chế. Nhiều người chỉ khai báo sau hai hoặc ba ngày, khiến việc truy vết ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Hiện tại, phản ứng của chính phủ tập trung vào việc đóng cửa các địa điểm giải trí về đêm và quán karaoke tại 41 tỉnh. Các biện pháp này được kỳ vọng khiến tỷ lệ lây nhiễm giảm khoảng 30% trong một tháng.

Nỗi lo thiếu giường bệnh

Bộ phận Dịch tễ học thuộc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh và Chương trình Chính sách Y tế Quốc tế đã xây dựng mô hình để dự đoán số ca nhiễm mới mỗi ngày trong trường hợp xấu nhất, khi mọi biện pháp phòng dịch đều được dỡ bỏ. Con số này, về mặt giả định, có thể đến 28.678, Bangkok Post cho biết.

Một số hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy người dân xếp hàng dài ngoài bệnh viện Kasemrad Bang Khae tại Bangkok hôm 12/4 để chờ được lấy mẫu. Công tác này bị gián đoạn ở một số nơi do thiếu bộ xét nghiệm.

Theo công bố, Thái Lan có khoảng 23.000 giường bệnh dành riêng cho bệnh nhân Covid-19, bao gồm cả bệnh viện dã chiến.

Chính quyền Bangkok sẽ lắp thêm 10.000 giường bệnh trong tuần tới. Các bệnh viện cũng hợp tác với khách sạn địa phương nhằm đảm bảo địa điểm điều trị tạm thời cho các bệnh nhân không trong tình trạng nghiêm trọng.

Các nhân viên y tế tiến hành xét nghiệm cho hành khách tại cơ sở xét nghiệm Covid-19. Ảnh: AP.

Tết Songkran vắng lặng

Năm ngoái, Thái Lan ra một quyết định chưa có tiền lệ là hoãn kì nghỉ Tết Songkran. Tuy nhiên, cho đến nay mới chỉ có các tỉnh đơn lẻ hoãn hoặc hủy bỏ.

Tết cổ truyền ở Thái Lan diễn ra từ ngày 13 đến 15/4. CCSA mới đây ban hành lệnh cấm tất cả các hoạt động té nước, trừ các phong tục truyền thống như tắm tượng Phật và rửa tay cho người già.

Ở cấp trung ương, chính phủ không ban hành lệnh hạn chế đi lại trong kì nghỉ Tết, mà chỉ kêu gọi người dân tránh đi lại không cần thiết và hạn chế tụ tập.

Một mặt, giới chức Thái Lan hy vọng những hoạt động trong lễ hội Songkran sẽ giúp kích thích du lịch và phát triển kinh tế.

Mặt khác, nhiều tỉnh vẫn đang đặt ra các quy tắc cách ly người đến từ khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao như Bangkok.

Những người không có hộ khẩu thường trú thậm chí còn không được phép đi vào một số tỉnh. Điều này gây khó khăn cho hàng triệu người đang tìm kiếm địa điểm vui chơi trong dịp Tết.

Nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch của Thái Lan tiếp tục chịu thiệt hại nặng nề.

Theo ước tính của Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn, Thái Lan có thể mất hơn 130 tỷ baht (4,13 tỷ USD) trong nửa đầu năm 2021. Ngân hàng Trung ương đánh giá nền kinh tế Thái Lan có thể tăng trưởng thấp hơn dự báo 3% trong năm nay.

Cho đến nay, Thái Lan mới tiêm vaccine cho dưới 1% dân số.

Chính quyền thủ tướng Prayuth Chan-ocha nhận phải sự chỉ trích rất lớn từ công chúng về cách xử lý đại dịch. Nhiều ý kiến nói chính phủ không nỗ lực trong vấn đề tiêm chủng và hỗ trợ cho người dân khó khăn.

Tuấn Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chiang-mai-bung-dich-vi-sinh-vien-di-uong-ruou-sau-ky-thi-post1203799.html