Chia tay vì bạn trai cấm mặc áo 2 dây và nỗi khổ ăn mặc của phụ nữ TQ

Vài tuần trước, Li Xiang, đăng ảnh lên WeChat bên cạnh cửa phòng ngủ, mặc áo hai dây và quần short ngắn. Nhưng bức ảnh lại khiến cô và bạn trai cãi nhau rồi chia tay.

“Nhìn cô ăn mặc hở hàng thế kia, thế chưa đủ, cô còn đăng lên mạng”, Li, 24 tuổi, làm trong lĩnh vực truyền thông ở Thượng Hải, kể lại lời bạn trai.

Cô còn tức giận hơn khi anh ta nói: “Cô đi hỏi những người đàn ông khác xem họ có muốn bạn gái ăn mặc như vậy không”, như thể anh ta “được quyết định tôi mặc đồ gì - như thể tôi là tài sản của anh ta”, Li kể lại.

Cho rằng đó là quan niệm cổ hủ - phụ nữ phải phục tùng đàn ông trong mối quan hệ - Li Xiang chia tay.

Trang phục trở thành biểu hiện "nhân phẩm"

Tranh cãi như của cặp đôi nói trên không hiếm ở đất nước đông dân nhất thế giới, đặc biệt trong một tháng nay, khi cộng đồng mạng bàn cãi gay gắt về quyền tự do ăn mặc của phụ nữ. Mọi chuyện trở thành cuộc tranh cãi về tự do cá nhân, chuẩn mực xã hội và truyền thống văn hóa, theo South China Morning Post.

Reyizha Alimjan, nữ diễn viên người Kazakhstan, bị chỉ trích khi đến sân bay Thượng Hải cuối tháng 7 trong trang phục quần jean, áo hai dây. Ảnh: Weibo.

Reyizha Alimjan, nữ diễn viên người Kazakhstan, bị chỉ trích khi đến sân bay Thượng Hải cuối tháng 7 trong trang phục quần jean, áo hai dây. Ảnh: Weibo.

Mạng xã hội Trung Quốc dậy sóng sau khi Reyizha Alimjan, nữ diễn viên người Kazakhstan, đến sân bay Thượng Hải cuối tháng 7 trong trang phục quần jean, áo hai dây. Cô bị chỉ trích vì bộ trang phục, nhưng một tài khoản WeChat chuyên bình luận phim đã đăng bài bảo vệ cô.

Cũng trong thời gian gần đây, một thăm dò cho thấy 70% trong số 14.000 phụ nữ được hỏi không dám mặc áo hai dây ở nơi công cộng.

Trong đó, hơn 40% không dám vì nghĩ mình “không đủ thon thả”, và 1/4 nói không dám vì sợ bạn trai phản đối hoặc sợ bị quấy rối.

Joy Lin, một nhà hoạt động nữ quyền ở Thượng Hải, cho rằng tranh luận “nảy lửa” như vậy vì không chỉ xoay quanh chuyện ăn mặc.

“Mọi người còn đang đánh giá nhân cách và đạo đức dựa vào cách một cô gái ăn mặc”, Lin nói với South China Morning Post. “Nếu ăn mặc quá tự do, họ sẽ nói là cô gái kia đang muốn bị sàm sỡ. Nếu không hở tí da thịt nào, lại bị gọi là ‘cứng nhắc’. Nếu mặc xuề xòa, lại bị cho là ‘dama’ (từ lóng Trung Quốc có ý miệt thị, dành cho phụ nữ trung tuổi hoặc cao tuổi)”.

“Bình luận rất ác ý và xúc phạm”

Lin từng ra ngoài phố Thượng Hải mà không mặc áo ngực, và chưa đi được 10 m, cô đã nhận được những ánh nhìn kỳ thị từ mọi người. Ngược lại, cô làm y như vậy ở Paris vào tháng 7, và “không ai nhìn tôi hay lại gần tôi”.

“Các bình luận về cách chúng tôi ăn mặc thường không phải là liệu cái váy này có hợp kiểu tóc hay không, mà là về cơ thể, liệu chúng tôi béo hay thon”, cô nói. “Một số bình luận rất ác ý và xúc phạm”.

70% trong số 14.000 người được hỏi nói họ không dám mặc áo hai dây ra đường. Ảnh: AP.

Việc đánh giá một cách quy chụp cách ăn mặc của phái nữ là vấn đề ở Trung Quốc nhiều năm nay, nhưng tranh luận chỉ thực sự “bùng nổ” sau khi phong trào #MeToo lan rộng ở Mỹ năm 2017, khi hàng chục phụ nữ và người nổi tiếng cáo buộc nhà sản xuất phim đầy quyền lực Harvey Weinstein tấn công tình dục họ trong gần 30 năm.

“Chúng ta chưa bao giờ được tự do ăn mặc. Chúng ta chỉ tự do trong khuôn khổ thôi”, Lu Peng, nhà nghiên cứu từ Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, nói với South China Morning Post. “Về việc ăn mặc ở nơi công cộng, tôi không nghĩ chúng ta nên chỉ đề cao tự do mà lờ đi văn hóa, xã hội”.

“Cha tôi luôn bảo tôi đừng ăn mặc ‘hở hang’ quá, vì ông cho rằng như thế sẽ dễ bị sàm sỡ”, Li nói.

“Tôi biết ông có ý tốt, nhưng tôi muốn là chính mình. Tôi không vi phạm luật nào cả”, cô nói. “Tôi muốn góp phần thay đổi văn hóa này”.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/chia-tay-vi-ban-trai-cam-mac-ao-2-day-va-noi-kho-an-mac-cua-phu-nu-tq-post985320.html