Chia tay một cây bút cự phách

Tin nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã qua đời vào lúc 16 giờ 30 phút ngày 20/3 tại nhà riêng, khiến bạn đọc yêu văn chương, yêu văn của ông bỗng cảm thấy trống trải, bâng khuâng.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950, quê tại huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông tốt nghiệp Khoa Sử - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1970. Ông là nhà văn đương đại Việt Nam nổi tiếng cả với viết kịch, truyện ngắn và tiểu thuyết với những góc nhìn mới, táo bạo.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện trên văn đàn Việt Nam khá muộn, bắt đầu từ những truyện ngắn đăng trên Báo Văn nghệ năm 1986. Tuy nhiên, chỉ sau vài năm, ông đã làm làng văn xôn xao với những tranh luận về các tác phẩm của mình.

Sở trường của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là các truyện ngắn với mảng đề tài đa dạng gồm lịch sử và văn học, hơi hướng huyền thoại và cổ tích, xã hội Việt Nam đương đại, xã hội làng quê và những người lao động. Ngoài ra, ông còn viết kịch, thơ và tiểu luận đăng trên nhiều báo, tạp chí trong nước.

Tên tuổi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp gắn liền với các truyện ngắn như: “Tướng về hưu”, “Muối của rừng”, “Không có vua”, “Con gái thủy thần”, “Những người thợ xẻ”, “Thương nhớ đồng quê”, “Sang sông”… và bộ ba truyện ngắn lịch sử gồm: “Kiếm sắc”, “Vàng lửa”, “Phẩm tiết”… 3 cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã được xuất bản gồm: “Tiểu long nữ”, “Gạ tình lấy điểm”, “Tuổi 20 yêu dấu”.

Mới đây, tuyển tập “Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp” với minh họa của nhiều họa sỹ nổi tiếng như Lê Thiết Cương, Quách Đông Phương, Thành Chương, Phan Cẩm Thượng... vừa ra mắt nhân dịp ông tròn 70 tuổi.

Ông cũng viết nhiều kịch bản, trong đó có kịch “Gia đình” còn có tên là “Quỷ ở với người”, dựa theo truyện ngắn “Không có vua” , “Nhà tiên tri”, “Hoa sen nở ngày 29 tháng 4”...

Vào năm 2004, bài viết “Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn” của ông đã nhận được sự quan tâm và những tranh luận sôi nổi trong giới văn chương trong một thời gian dài trên Báo Văn nghệ và một số trang mạng tại Việt Nam.

Sự ra đi của ông đã khiến cho những người yêu văn học và nhiều nhà văn bày tỏ sự tiếc nuối vì nền văn học Việt Nam đã mất đi một cây bút cự phách. Kể cả khi nằm trên giường bệnh ông vẫn khao khát được viết. Gia đình cố nhà văn từng chia sẻ, khi con trai ông dọn bàn ra để ăn, ông đã cầm bút lên vì nghĩ mình sẽ được viết. Ông viết lên tấm bìa khổ lớn những nét chữ nguệch ngoạc: “Cuộc sống tươi đẹp...”

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng được nhận Huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (năm 2007), Giải thưởng Premio Nonino, Italia (năm 2008).

Tháng 3/2021, ông có tên trong danh sách đề nghị xét tặng Giải thưởng văn học Nhà nước.

P.L

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chia-tay-mot-cay-but-cu-phach-556821.html