Chia sẻ vắc-xin COVID-19: Nước giàu đang từ chối trách nhiệm

Người dân ở các quốc gia giàu có đã nhận được khoảng 90% trong số 400 triệu liều vắc-xin được cung cấp cho toàn thế giới tính tới thời điểm này. Dự đoán, phần còn lại thế giới sẽ còn phải đợi nhiều năm nữa mới có vắc-xin để tiêm.

Vào những ngày tới, sẽ có một bằng sáng chế được cấp cho phát minh về kỹ thuật phân tử, đang được sử dụng để chế tạo ra ít nhất là 5 loại vắc-xin COVID-19 chính hiện nay. Và Chính phủ Mỹ sẽ là quốc gia kiểm soát bằng sáng chế đó.

Bằng sáng chế này được coi là cơ hội để tạo ra đòn bẩy cho các công ty dược sản xuất vaccine, gây áp lực buộc họ phải mở rộng khả năng tiếp cận tới các nước nghèo hơn. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là liệu Chính phủ Mỹ có làm bất kỳ điều gì hay không và các quốc gia giàu có sẽ cư xử thế nào đối với vắc-xin COVID-19.

Quê nhà là trọng tâm

Sự phát triển ra đời của vaccine COVID-19, đạt được với tốc độ kỷ lục và được tài trợ bởi Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Anh, là một chiến thắng vĩ đại trước đại dịch. Các chính phủ này đã hợp tác với các nhà sản xuất thuốc, rót hàng tỷ USD để mua nguyên liệu thô, tài trợ cho các thử nghiệm lâm sàng và trang bị thêm các nhà máy. Hàng tỷ USD nữa được cam kết được dùng để mua thành phẩm.

Các quốc gia giàu đang từ chối trách nhiệm với vắc-xin COVID-19.

Các quốc gia giàu đang từ chối trách nhiệm với vắc-xin COVID-19.

Nhưng sự thành công này của phương Tây đã tạo ra sự bất bình đẳng vắc-xin rõ rệt. Ngày càng nhiều quan chức y tế và các tổ chức vận động trên toàn thế giới kêu gọi các chính phủ phương Tây sử dụng quyền lực buộc các công ty công bố công thức vaccine, chia sẻ bí quyết và tăng cường sản xuất. Những người ủng hộ sức khỏe cộng đồng cũng đã vận động sự giúp đỡ, bao gồm cả việc yêu cầu chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden sử dụng bằng sáng chế của mình để thúc đẩy việc tiếp cận vắc-xin rộng rãi hơn. Nhưng chính phủ phương Tây phớt lờ những lời cảnh báo, lời kêu gọi từ WHO về việc đảm bảo vắc-xin cho các quốc gia nghèo hoặc khuyến khích các công ty dược chia sẻ công nghệ của họ.

Các quan chức y tế phương Tây cho biết họ không bao giờ có ý định loại trừ người dân nước khác. Nhưng việc quê nhà của họ đang phải đối mặt với tỷ lệ tử vong cao do đại dịch thì trọng tâm của họ vẫn phải là quê nhà.

Đến nay, Tổng thống Biden và bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) đã miễn cưỡng thay đổi quan điểm này. Ông Biden hứa sẽ hỗ trợ một công ty Ấn Độ sản xuất khoảng 1 tỷ liều vaccine vào cuối năm 2022, và chính quyền Mỹ sẽ tặng vaccine cho Mexico và Canada. Tuy nhiên, ông Biden vẫn khẳng định chú trọng nhất tới quốc gia của mình...

“Phản tác dụng” tiêm chủng và hủy hoại danh tiếng

Viễn cảnh hàng tỷ người đang phải chờ đợi nhiều năm để được tiêm chủng gây ra mối đe dọa sức khỏe cho ngay cả những quốc gia giàu. Đơn cử, các quan chức y tế tại Anh đang phải căng mình theo dõi một biến thể SARS-CoV-2 xuất hiện tại Nam Phi, nơi mức độ bao phủ tiêm chủng vắc-xin còn yếu kém. Biến thể virus này có thể làm giảm tác dụng của vắc-xin, có nghĩa là ngay cả những người được tiêm chủng cũng bị nhiễm lại.

Ngày 22/3, Anh tuyên bố “thế giới đang theo dõi” cách EU đối phó với tình trạng thiếu nguồn cung vắc-xin COVID-19. Trước đó EU dọa áp lệnh cấm xuất khẩu đối với vắc-xin AstraZeneca nếu công ty này không giao 90 triệu liều vắc-xin mà họ đã cam kết cung cấp trong quý 1 năm nay cho EU. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói: “Việc cấm xuất khẩu vắc-xin sẽ khiến công dân EU và cả nhiều quốc gia mất đi cơ hội có được một chương trình tiêm chủng, cũng như uy tín của EU sẽ bị tổn hại”.

Trong khi đó, Nga lại hứa sẽ lấp đấy khoảng trống vắc-xin như một phần của chính sách ngoại giao vắc-xin của họ. Viện Gamaleya của Moscow đã ký kết hợp tác với các nhà sản xuất từ Kazakhstan đến Hàn Quốc. Ấn Độ hứa cung cấp 1,1 tỷ liều cho chương trình chia sẻ vắc-xin COVAX của WHO nhằm phân phối vắc-xin tới các nước nghèo. Sự hào phóng của Ấn Độ trong việc chia sẻ vắc-xin đã giúp nước này nâng cao vị thế trên trường quốc tế, thắt chặt quan hệ với các quốc gia.

Hà Anh

((Theo New York Times))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chia-se-vac-xin-covid-19-nuoc-giau-dang-tu-choi-trach-nhiem-n188673.html