Chia sẻ và đồng hành cùng giáo viên người dân tộc thiểu số

63 giáo viên người dân tộc thiểu số đang trực tiếp công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, có thành tích xuất sắc, tiêu biểu đã được tri ân trong Chương trình 'Chia sẻ cùng thầy cô'.

Bộ GD&ĐT gặp mặt 63 giáo viên tiêu biểu người dân tộc thiểu số tham gia chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020.

Bộ GD&ĐT gặp mặt 63 giáo viên tiêu biểu người dân tộc thiểu số tham gia chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020.

Bộ GD&ĐT đã có buổi gặp thân mật 63 giáo viên tiêu biểu người dân tộc thiểu số tham gia chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 vào chiều 16/11. Tại đây, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã trực tiếp lắng nghe những mong muốn, trăn trở của giáo viên người dân tộc thiểu số.

Vấn đề các thầy cô trăn trở không chỉ là hạn chế về tiếng Việt, điều kiện học tập của học sinh dân tộc thiểu số còn khó khăn... mà còn mong muốn giá trị văn hóa dân tộc mình được bảo tồn, phát huy. Các thầy cô cũng đề nghị cần có một đề án hoặc kế hoạch cụ thể để đưa những nội dung trên vào chương trình học ngoại khóa của học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, định kỳ tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa các dân tộc trong đoàn viên thanh niên để giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với nhiệm vụ phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.

Nhiều thầy cô cũng bày tỏ trăn trở vì khó khăn cả về cơ sở vật chất, điều kiện sống, môi trường… dẫn đến chất lượng giáo dục cho trẻ dân tộc thiểu số còn hạn chế. Các thầy cô đề nghị tiếp tục quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho đồng bào dân tộc, mong nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp lãnh đạo, giúp giáo dục vùng dân tộc nâng cao chất lượng.

Liên quan đến vấn đề tiếng Việt của trẻ mầm non người dân tộc thiểu số còn yếu, dinh dưỡng còn hạn chế, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ GD&ĐT) Lê Như Xuyên, cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Bộ GD&ĐT cùng Ủy ban Dân tộc đã phối hợp trình Chính phủ có chế độ ăn trưa cho trẻ em dân tộc thiểu số vùng khó khăn.

Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng dành 20% cho giáo dục địa phương. Theo chương trình mới, nhà trường, giáo viên được chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với điều kiện thực tế để bảo đảm chất lượng giáo dục. Do đó, các nhà trường, giáo viên có thể chủ động trong việc đưa các trò chơi mang đậm bản sắc dân tộc mình vào nhà trường một cách phù hợp.

Chia sẻ với các thầy cô giáo dân tộc thiểu số đang công tác ở những vùng khó khăn, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đánh giá cao sự cố gắng to lớn của các thầy cô khi đã vượt qua rất nhiều khó khăn, rào cản trong công việc, cuộc sống. Thứ trưởng Ngô Thị Minh đồng thời mong các thầy cô tiếp tục nỗ lực cố gắng, chủ động và bản lĩnh để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục tại vùng khó, đặc biệt trong giai đoạn thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh, để bảo tồn văn hóa dân tộc, vùng miền, bên cạnh vai trò của ngành, của từng thầy cô giáo, rất cần trách nhiệm của từng địa phương, từng trường, từng cơ sở, mỗi gia đình và các bộ, ngành liên quan.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho 63 thầy cô giáo tiêu biểu người dân tộc thiểu số đang trực tiếp dạy học cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn.

Nhật Nam

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/giao-duc/chia-se-va-dong-hanh-cung-giao-vien-nguoi-dan-toc-thieu-so/414379.vgp