Chia sẻ thông tin về bảo vệ trẻ em trên địa bàn TP Hồ Chí Minh

Ngày 22/6, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Lao động –Thương binh và Xã hội thành phố và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF) tổ chức hội nghị chia sẻ thông tin và tham vấn báo chí về công tác truyền thông trong lĩnh vực bảo vệ quyền trẻ em.

Theo Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố có hơn 2 triệu trẻ em (trong tổng số gần 13 triệu người). Trong gần 11.400 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, có 2.400 trẻ em được chăm sóc tại các cơ sở xã hội và 9.000 trẻ đang ở cộng đồng.

Bà Mai Thị Ngọc Mai, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Song, với một đô thị có quy mô dân số lớn, TP Hồ Chí Minh cũng đang đối diện với nhiều thách thức về: trẻ em lang thang xin ăn, trẻ em có nguy cơ lao động sớm, trẻ em bị xâm hại, bị ngược đãi, trẻ em vi phạm pháp luật, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng…

Đại diện Hội bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh tuyên truyền pháp luật trong trường học

Đại diện Hội bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh tuyên truyền pháp luật trong trường học

Để cụ thể hóa trách nhiệm và rút ngắn thời gian xử lý các vụ việc, UBND TP Hồ Chí Minh mới ban hành Quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trên địa bàn thành phố.

Trong đó, quy định rõ trong vòng 2 tiếng đồng hồ kể từ thời điểm nhận thông tin vụ việc, người làm công tác bảo vệ trẻ em phường, xã, thị trấn phải báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý tính xác thực của thông tin cho Chủ tịch UBND và Trưởng Ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em phường, xã, thị trấn; đồng thời báo cáo nhanh về Thường trực Ban Điều hành Bảo vệ chăm sóc trẻ em quận, huyện (Phòng LĐ-TB-XH quận, huyện) để phối hợp và triển khai các biện pháp hỗ trợ, can thiệp theo quy định.

Trong vòng 8 giờ kể từ thời điểm nhận thông báo và hồ sơ của bệnh viện, cơ sở y tế, Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn có thẩm quyền gửi kiến nghị khởi tố bằng văn bản kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan đến cơ quan cảnh sát điều tra công an quận, huyện để xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tuyên truyền pháp luật tại trường học

Trong khi đó, để bảo đảm an toàn cho trẻ em trong các cơ sở bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TB-XH TP Hồ Chí Minh vừa có hướng dẫn thực hiện kiểm soát nội bộ trong phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em tại các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố.

Theo đó, quy định cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại cơ sở bảo trợ xã hội không ở một mình với trẻ em mà không có người giám sát và chưa được sự chấp thuận của người quản lý trực tiếp hoặc lãnh đạo cơ sở; không kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em…

Phát biểu tại hội nghị, bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng Phòng Bảo vệ chăm sóc Trẻ em – Bình đẳng giới thuộc Sở LĐ-TB-XH TP Hồ Chí Minh nhận xét: “Chúng ta đang làm ngược, mới đi vào giải quyết hậu quả các vụ trẻ em bị xâm hại. Đáng lẽ việc can thiệp, hỗ trợ trẻ em cần được làm sớm để phòng ngừa, giúp trẻ em không bị xâm hại, xâm hại tình dục. Thực tế, công tác can thiệp, hỗ trợ lại là làm sau, khi trẻ đã bị xâm hại. Bà Trần Thị Kim Thanh cho rằng, cùng với giải quyết hậu quả, cần thúc đẩy các hoạt động can thiệp, hỗ trợ từ sớm cho trẻ em.

Hội nghị chia sẻ thông tin về bảo vệ trẻ em

Đại diện Viện Kiểm sát TP Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm đến nay đã khởi tố 23 vụ xâm hại trẻ em, với loại tội phạm này quan điểm của Viện Kiểm sát là xử mức cao nhất theo luật định.

Nguyễn Cảnh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/tp-ho-chi-minh-khoi-to-23-vu-xam-hai-tre-em-599995/